Nhà giàu cũng khóc ròng khi đầu tư shophouse hàng chục tỷ đồng nhưng cho thuê chưa nổi 10 triệu đồng/tháng
Ảnh: Thanh Phong.
Từng được xem là phân khúc bất động sản “hái ra tiền” của giới đầu tư bất động sản khi mang về lợi nhuận kép. Song, ở thời điểm hiện tại nhiều nhà đầu tư vỡ mộng khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng nhưng thu về tiền lẻ.
- 18-07-2023Chung cư sẽ dẫn “sóng” thị trường trong thời gian tới
- 18-07-2023Khu Đông Hà Nội có giá bất động sản tăng “nóng” gấp 3 - 4 lần chỉ trong vòng 2 năm
- 18-07-2023Chủ tịch HoREA: Thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn nhưng đã giảm đà rơi
Giai đoạn 2019 - 2022, shophouse được đánh giá là phân khúc bất động sản hái ra tiền. Bởi, ngời việc tăng giá theo thời gian, sản phẩm này được nhiều tiểu thương săn lùng thuê kinh doanh. Theo đó, thời gian qua, giá bán phân khúc này liên tục tăng mạnh, thậm chí tại một số khu đô thị giá nhanh chóng tăng gấp 2 - 3 lần.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế chung có sự khó khăn, không chỉ giá shophouse tại nhiều nơi liên tục giảm, mà còn rơi vào tình trạng vắng khách thuê. Nếu có người hỏi thuê thì giá cũng bị ép rất rẻ.
Anh Khánh, nhà đầu tư bất động sản tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2021, anh đầu tư một căn shophouse có diện tích 75m2 tại khu đô thị trên địa bàn quận Hoàng Mai với số tiền 23 tỷ đồng, trong đó có 9 tỷ đồng vay ngân hàng.
“Ngoài mục đích chờ tăng giá, tôi sẽ cho thuê lại căn nhà này và lấy số tiền này để trả ngân hàng mỗi tháng. Sang đầu năm 2022, tôi tìm được khách thuê làm trụ sở công ty với giá 22 triệu đồng/tháng. Với số tiền thu được từ cho thuê, thời gian đầu mỗi tháng tôi bù thêm một ít là đủ tiền trả ngân hàng”, anh Khánh kể.
Tuy nhiên, đến tháng 6 vừa qua, khách thuê trả lại nhà với lý do đóng cửa công ty. Sau thời gian tìm khách thuê, đến nay anh Khánh cũng cảm thấy chán nản vì đa phần khách thuê đề xuất chỉ trả khoảng 12 triệu đồng/tháng.
“Họ đều đưa ra lý do khó kinh doanh ở thời điểm hiện tại nên không thể gánh được chi phí thuê cao hơn. Trong khi, từ cuối năm ngoái lãi suất tăng cao, số tiền phải trả hàng từ khoản vay cứ vậy tăng lên. Dù hiện nay lãi suất đã hạ nhiệt hơn nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải trả khoảng gần 30 triệu đồng/tháng. Trong khi, các khoản đầu tư khác của tôi cũng đang gặp khó khăn. Bây giờ nếu tôi bán đi cũng lỗ khoảng gần 20% so với lúc mua, còn để cho thuê tiếp thì rất rẻ và hàng tháng vẫn phải xoay tiền trả nợ”, nhà đầu tư này giãi bày.
Tương tự, anh Hoàng Chất, nhà đầu từ tại Hà Nội đầu tư 12 tỷ đồng để mua một căn shophouse có diện tích 75m2 tại khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức, vào thời điểm đầu năm ngoái. Ban đầu anh Chất kỳ vọng sẽ có dòng tiền thụ động ổn định từ việc cho thuê. Song, mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược với dự tính của nhà đầu tư này.
“Thời gian đầu tôi cũng cho thuê được với giá 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến nay người thuê yêu cầu giảm xuống 9 triệu đồng/tháng, nếu không họ sẽ đi thuê chỗ khác.
So sánh với các căn shophouse cùng khu vực tôi mới ngã ngửa khi mức giá thuê hiện tại của những căn tương tự đã giảm xuống mức quanh 10 triệu đồng/tháng. Với số tiền bỏ ra hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ thu được từng đó, còn không bằng lợi nhuận gửi tiền ngân hàng”, anh Chất nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, nhiều căn shophouse hiện đang được mời thuê với giá chỉ từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá mua của những căn shophouse này ở thời điểm thị trường sôi động đều từ 10 - 15 tỷ đồng/căn.
Thậm chí, tại nhiều khu đô thị, dù giá thuê khá thấp, song nhiều mặt bằng đã bỏ trống cả năm nay vẫn chưa tìm được khách thuê, tạo nên khung cảnh hoang vắng, đìu hiu.
Anh Nguyễn Văn Sơn, trưởng phòng kinh doanh cho thuê tại một công ty bất động sản trên địa bàn Hà Nội cho biết, kinh tế ảnh hưởng nhu cầu mua sắm của nhiều người giảm xuống khiến các tiểu thương gặp khó khăn nên trả lại mặt bằng tại các tuyến phố lớn và chuyển về phố nhỏ hoặc trong ngõ ô tô.
“Thực tế, trước kia mặt bằng cho thuê đa phần được các cửa hàng quần áo, F&B săn đón, nhưng mấy năm trở lại đây xu thế bán hàng online phát triển nhanh chóng. Theo đó, nhiều cửa hàng kinh doanh họ chỉ cần thuê mặt bằng để sơ chế, trưng bày còn lại hoạt động chính vẫn là bán hàng online. Hiện nay, đa phần chỉ những cửa hàng đã có thương hiệu, hoặc mặt bằng bắt buộc phải có cửa hàng mới tiếp tục thuê”, anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, việc các shophouse có giá thuê cao hay thấp sẽ phụ thuộc và mật độ dân cư, tình hình kinh doanh tại khu vực.
Nhịp sống thị trường