MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy nước 1.200 tỷ đồng: Khánh thành xong vẫn chưa vận hành, vì sao?

Dự án Nhà máy nước Hòa Liên, được UBND thành phố Đà Nẵng đầu tư 1.170 tỷ đồng đã hoàn thành từ tháng 3/2022 mãi đến cuối tháng 3 vừa qua mới khánh thành sau nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc của người đứng đầu thành phố. Thế nhưng, cho đến nay Nhà máy nước này vẫn chưa thể vận hành. Vì sao xảy ra tình trạng này?

Công trình Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000 m3/ngày đêm, được khởi công xây dựng ngày 25/3/2020. Công trình này nằm trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, gồm các hạng mục: Đập dâng, Trạm bơm nước thô, Tuyến ống nước thô, Nhà máy xử lý đã hoàn thành và vận hành, chạy thử đảm bảo công suất theo đúng yêu cầu thiết kế vào ngày 25/3/2022.

Việc xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên đã hoàn thành từ tháng 3 năm 2022. Thế nhưng đến cuối năm 2022, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa biết bàn giao tài sản này cho đơn vị nào quản lý, khai thác. Ban Quản lý dự án đã hoàn thành nhiệm vụ, Công ty Cấp nước Đà Nẵng thì đã cổ phần hóa còn Nhà máy nước Hòa Liên thì được đầu tư công nên không thể giao tài sản công cho doanh nghiệp cổ phần quản lý, vận hành. Do đó, ngày 9/12/2022, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định bổ sung nhiệm vụ đối với Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị trực thuộc Sở Xây dựng. Theo đó, bổ sung chức năng cấp nước sạch cho Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị để đảm bảo việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Nhà máy nước 1.200 tỷ đồng: Khánh thành xong vẫn chưa vận hành, vì sao? - Ảnh 1.

Nhà máy nước Hòa Liên công suất 1.200 m3 /ngày đêm được đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.

Điều đáng lo là đơn vị này chưa có kinh nghiệm quản lý vận hành Nhà máy nước cũng không có nhân lực đáp ứng nhiệm vụ mới. Ngày 23/3/2023, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị có văn bản đề xuất một số phương thức vận hành Nhà máy nước Hòa Liên, trong đó đề nghị Sở Xây dựng “Sớm tạo điều kiện đảm bảo nhân sự để Trung tâm tổ chức tuyển dụng, tổ chức tiếp nhận bàn giao tài sản Nhà máy; tổ chức hướng dẫn đào tạo, chuyển giao công nghệ.”.

Một Nhà máy nước được đầu tư gần 1.200 tỷ đồng đến thời điểm khánh thành vẫn chưa có người vận hành, phương án khai thác cho thấy sự bất cập trong quản lý đầu tư công.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị: “Đây là một tài sản lớn mà Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thì chỉ mới có chức năng nhiệm vụ thôi. Sau khi UBND thành phố thông qua phương án khai thác vận hành thì mới tuyển người vào. Tôi đề nghị trong quá trình khai thác vận hành thì lưu ý Sở Xây dựng phải mời Công ty Cấp nước vào để cùng giám sát quá trình vận hành đấy, để đảm bảo quá trình vận hành an toàn, tiết kiệm, hiệu quả nhất. Đây là vấn đề phải hết sức chú ý.”

Nhà máy nước 1.200 tỷ đồng: Khánh thành xong vẫn chưa vận hành, vì sao? - Ảnh 2.

Hiện vẫn chưa có phương án vận hành nhà máy nước ngàn tỷ đồng.

Cùng với việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đồng ý cho Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đầu tư xây dựng các Nhà máy cấp nước dẫn đến nguy cơ thừa nguồn cung cấp nước. Cụ thể, sau khi hoàn thành cổ phần hóa, tháng 11/2016, Dawaco đã tập trung đầu tư xây dựng phát triển Hệ thống cấp nước. Đến nay, doanh nghiệp này đã cơ bản hoàn thành các dự án đầu tư theo kế hoạch phát triển cấp nước của thành phố theo Quyết định số 294, ngày 21/01/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc Ban hành kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2025. Tổng nguồn vốn Dawaco đã đầu tư phát triển Hệ thống cấp nước cho thành phố gần 1000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay là 678,5 tỷ đồng, vốn tự có gần 300 tỷ đồng. Thời gian trả nợ gốc và lãi vay được tính đến năm 2033. Nguồn trả nợ được hình thành từ việc kinh doanh nước sạch khai thác từ các dự án đã đầu tư.

Hiện nay, Dawaco đang vận hành và phát nước vào mạng lưới với công suất trung bình 308.000m3/ngày đêm và trong năm 2023 vận hành phát nước vào mạng lưới với công suất trung bình 309.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, Dawaco đang quản lý vận hành các trạm cấp nước nông thôn thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Bắc, huyện Hòa Vang với tổng công suất khoảng 5.000m3/ngày. Đến nay, Dawaco vẫn chưa khai thác hết công suất thiết kế các Nhà máy cấp nước đã đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2018-2023 vẫn đảm bảo an toàn cho việc cấp nước sạch toàn thành phố. Trong năm nay, sau khi hoàn thành dự án nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ ngày đêm thì đơn vị này hoàn toàn đảm bảo nguồn nước ổn định cho các Nhà máy nước hoạt động.

Để hài hòa lợi ích các bên và phát huy hiệu quả việc đầu tư xây dựng các Nhà máy nước trên địa bàn thành phố, Dawaco đề xuất phương án khai thác Nhà máy nước Hòa Liên theo từng giai đoạn. Trước mắt trong năm 2023, Nhà máy nước Hòa Liên khai thác 30.000m3/ngày đêm; sau đó, nâng dần theo từng năm và đến năm 2028, khai thác 120.000m3/ngày đêm.

Nhà máy nước 1.200 tỷ đồng: Khánh thành xong vẫn chưa vận hành, vì sao? - Ảnh 3.

Đến nay, Dawaco vẫn chưa khai thác hết công suất thiết kế các Nhà máy cấp nước đã đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2018-2023.

Trong lúc này, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy nước Hòa Liên, lại đề xuất công suất khai thác của Nhà máy nước Hòa Liên là 60.000m3/ngày đêm, gấp đôi so với phương án đề xuất của Dawaco. Từ năm 2024 trở đi, sản lượng sản xuất bình quân của Nhà máy nước Hòa Liên tương đương với tỷ lệ giữa nhu cầu dùng nước toàn thành phố với tổng công suất thiết kế của các nhà máy. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Dawaco và dẫn đến tình trạng không cân đối được nguồn trả nợ gốc và lãi vay. Được biết, Dawaco đầu tư phát triển hệ thống cấp nước theo kế hoạch của UBND thành phố.

Theo ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cần bảo đảm hài hòa trong hoạt động của các Nhà máy nước trên địa bàn: “Nhà máy nước Hòa Liên là một nhà máy hoạt động trong tổng thể các nhà máy cấp nước. Công suất đầu tư dự kiến nhu cầu đến năm 2025. Hiện nay, Nhà máy nước Hòa Liên nếu hoạt động cũng phải hài hòa chung tất cả các nhà máy của mình. Nghĩa là chưa thể hoạt động hết công suất được, sẽ phải có một công suất nhà máy nước Hòa Liên hoạt động như thế nào đó, đảm bảo chúng ta vừa khai thác tối đa hiệu quả tài sản công chúng ta đầu tư ra, giá nước bán ra cho người dân thấp nhất và hài hòa lợi ích của đơn vị sẽ là chuyển nước bán cho người dân.”

Nhà máy nước 1.200 tỷ đồng: Khánh thành xong vẫn chưa vận hành, vì sao? - Ảnh 4.

Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng

Hiện nay, đơn vị vận hành Nhà máy nước Hòa Liên và Dawaco chưa thống nhất về công suất khai thác Nhà máy nước Hòa Liên. Trong khi đó, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vẫn chưa tổ chức cuộc họp nào để các bên ngồi lại cùng bàn thảo với nhau vì lợi ích chung.

Ngày 30/3/2023, tức là sau 1 ngày tổ chức khánh thành Nhà máy nước Hòa Liên, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng mới có văn bản gửi các sở, ngành xin ý kiến về phương án khai thác Nhà máy nước Hòa Liên. Tiếp đến, ngày 7/4/2023, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi các đơn vị liên quan lấy ý kiến về việc “xác định vùng phục vụ cấp nước của Nhà máy nước Hòa Liên và công suất khai thác Nhà máy nước Hòa Liên”, gửi về Sở Xây dựng trước ngày 15/4/2023. Như vậy, sau nửa tháng khánh thành Nhà máy nước Hòa Liên, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có phương án khai thác công trình này.

Nhà máy nước 1.200 tỷ đồng: Khánh thành xong vẫn chưa vận hành, vì sao? - Ảnh 5.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra đôn đốc vận hành nhà máy nước Hòa Liên.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng cho rằng, khi UBND thành phố Đà Nẵng chưa ban hành được giá nước của Nhà máy nước Hòa Liên thì tạm thời lấy giá đang mua nước từ Nhà máy nước Cầu Đỏ của Dawaco để áp dụng cho Nhà máy nước Hòa Liên. Trong trường hợp do vận hành công suất thấp, không đủ chi phí thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù chứ không thể khánh thành rồi để Nhà máy nằm im.

“Trong cơ quan tài chính cũng xác định rằng, cái giá làm thế nào kể cả bán ra và người mua để chúng ta xác định được một mức giá ra người dân tiêu thụ chứ không phải giá bên này riêng, giá bên kia riêng. Do vậy chúng ta cần đưa ra một giá chung để đưa ra người dân có thể chấp nhận. Giá này phải theo UBND thành phố phê duyệt, đề nghị phải thuê đơn vị tư vấn làm khẩn trương để hoàn chỉnh mức giá này”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết thêm.

Việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên để đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng là chủ trương đúng và kịp thời. Công trình này sau nhiều năm thi công với nhiều luồng ý kiến trái chiều vừa mới được khánh thành.

Tuy nhiên, gần nửa tháng sau ngày khánh thành công trình gần 1.200 tỷ đồng mà Nhà máy nước Hòa Liên vẫn chưa được vận hành, khai thác, trách nhiệm này thuộc về ai?

Theo Thanh Hà

VOV

Trở lên trên