Nhà nước có dám vay tiền làm BOT?
Trong khi, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về nguồn vốn, lợi ích nhóm đối với các dự án BOT và BT, thì theo ông Phạm Hoài Huấn – Đại học Luật TP HCM để tránh tình trạng mập mờ, thiếu minh bạch của các dự án này, nhà nước nên chủ động đứng ra vay vốn làm BOT.
- 12-06-2016Mặt trái tại các dự án giao thông BOT
- 12-06-2016Bất cập dự án BOT: “Bộ Giao thông chưa thực sự tiếp thu ý kiến chuyên gia, người dân”
- 10-06-2016Tạm dừng triển khai nhiều dự án BOT
Trách nhiệm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thuộc về Nhà nước. Nhà nước có thể bỏ tiền làm đường cho người dân và doanh nghiệp sử dụng. Nhưng Nhà nước cũng có thể tổ chức thu hút các nguồn lực để làm đường hộ người dân và doanh nghiệp.
Ý tưởng mới về BOT
Nguồn tài chính để làm đường hiện nay phổ biến ở ba hình thức đó là sử dụng ngân sách (đang quá hạn hẹp). Tiếp đến là phát hành trái phiếu Chính phủ để làm đường. Hình thức được nói đến nhiều nhất thời gian gần đây chính là BOT .
Nếu nhìn ở hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ thì giới hạn lớn nhất là vấn đề thời gian huy động. Trái phiếu Chính phủ thường được huy động ở mức hấp dẫn với thời gian 5 – 10 năm. Đây là thời gian khó có thể thu hồi vốn đối với một dự án làm đường. Mặt khác, hình thức này cũng liên quan đến vấn đề nợ công đang quá tải.
Đối với hình thức huy động vốn BOT hay còn gọi là hợp tác công tư. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư làm đường và thu hồi vốn qua việc thu phí sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Nhưng hình thức này hiện nay gặp vấn đề khá nghiêm trọng mà người dân và doanh nghiệp vận tải đang bức xúc đó là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm hoàn toàn có thể nhìn thấy được ở nhiều dự án BOT khi các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra.
Tuy nhiên, nếu tiếp cận BOT ở việc Nhà nước vay tiền doanh nghiệp làm đường rồi để doanh nghiệp thu hồi vốn từ thu phí thì có thể giải quyết cơ bản những bức xúc hiện nay. Theo đó, việc đấu thầu các giai đoạn thực hiện dự án làm đường sẽ được tổ chức công khai để mời gọi nhà thầu. Doanh nghiệp thu phí không phải là đơn vị trực tiếp quản lý khâu thi công mà họ chỉ là đơn vị mua quyền thu phí hay còn gọi cho nhà nước vay tiền.
Minh bạch trong đấu thầu phải ưu tiên hàng đầu
Việc Nhà nước vay tiền làm đường để doanh nghiệp thu hồi vốn từ thu phí cũng không tạo áp lực đến vấn đề nợ công. Bởi vì, đây là phí do người dân và DN vận tải trực tiếp trả cho một nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vấn đề thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính đối với các dự án BOT hạ tầng giao thông cũng là một thác thức khá lớn. Đây là vấn đề đã được đại diện Bộ GTVT đưa ra khi phải tổ chức chỉ định thầu với hầu hết các dự án BOT thời gian qua. Theo Bộ GTVT, các dự án làm hạ tầng giao thông thường phải sử dụng một số vốn rất lớn hàng nghìn tỷ đồng thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư lớn như vậy hiện nay không nhiều. Ngoài ra, họ cũng thường bày tỏ sự lo ngại về việc đảm bảo tính an toàn khi phải đầu tư một nguồn vốn lớn. Do đó, doanh nghiệp đầu tư dự án BOT dường như khá được “chiều chuộng” về các điều kiện đảm bảo an toàn nguồn vốn.
Để thu hút vốn theo hình thức vay tiền doanh nghiệp làm đường thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo tính công khai minh bạch ở các khâu. Bắt đầu tư việc điều tra, nghiên cứu lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại các dự án.
Tiếp đến là kinh phí và việc đấu thầu công khai minh bạch để con đường có giá thành tốt nhất. Hoạt động thu phí cũng phải làm thật công khai minh bạch…
Cùng với việc công khai minh bạch trong các khâu và doanh nghiệp thu phí sẽ được đảm bảo một khoản lãi hấp dẫn thì việc thu hút nhà đầu tư sẽ gặp thuận lợi. Tất cả những việc trên hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hành lang pháp lý. Vấn đề chính là họ có muốn làm hay không.
Diễn đàn doanh nghiệp