MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận được email từ "Hoàng tử Nigeria" yêu cầu giúp đỡ, hứa sẽ trả công hậu hĩnh: Phải chăng bạn sắp đổi đời rồi?

18-08-2023 - 10:55 AM | Lifestyle

Nhận được email từ Hoàng tử Nigeria với yêu cầu giúp đỡ, bạn sẽ được trả công hậu hĩnh với số tiền hàng nghìn hoặc hàng triệu USD. Nếu làm theo, chuyện gì sẽ xảy ra?

Trò lừa Hoàng tử Nigeria

Lừa đảo Hoàng tử Nigeria, còn được gọi là "lừa đảo 419", là trò lừa khét tiếng qua email nhiều năm trở lại đây. Trong đó, tội phạm mạng tự xưng là hoàng tử Nigeria hoặc bất kỳ quan chức chính phủ giàu có nào đó đang gặp vấn đề, tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc chuyển một khoản tiền lớn ra khỏi Nigeria.

Họ giải thích rằng một cá nhân nham hiểm nào đó đang "kiểm soát tài sản của mình" hoặc bị mắc kẹt mà không có ai để nương tựa. Tất cả những gì họ cần là một chút giúp đỡ từ bạn, và họ sẵn sàng trả công hậu hĩnh với số tiền hàng nghìn hoặc hàng triệu USD.

Sự giúp đỡ này sẽ bao gồm việc bạn chuyển cho họ trước một số tiền nhỏ để giúp "xử lý rắc rối".

Tất nhiên, đây hoàn toàn là bịa đặt và người được gọi là hoàng tử Nigeria đang phiền muộn đó có thể là một gã trai bình thường ở Nigeria hoặc là một người ngẫu nhiên nào đó ở Cincinnati, Missouri, London, Mumbai... hay ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Đơn giản là bạn đã bị đánh cắp thông tin cá nhân và một kẻ nào đó đang coi bạn là con mồi tiềm năng.

Nếu nhận được email từ "Hoàng tử Nigeria", bạn sẽ đổi đời:  - Ảnh 1.

Bất kỳ ai trả lời và làm theo email như vậy sẽ bị lừa tiền. Điều thú vị là, mặc dù là một trong những kiểu lừa đảo lộ liễu nhất, trò lừa Hoàng tử Nigeria vẫn tỏ ra rất hiệu quả khi qua mặt được rất nhiều người. Một phần lý giải cho sự thành công này là việc kẻ lừa đảo đã khéo léo lồng ghép với bối cảnh hiện tại.  

Giờ đây, với tình hình bất ổn ở Cộng hòa Niger (nghe rất giống Nigeria) gia tăng, những kẻ lừa đảo càng tiếp tục đẩy mạnh chiêu trò dưới hình thức tương tự. Chúng gửi email tự xưng là các quan chức chính phủ cấp cao bị mắc kẹt ở quốc gia Tây Phi, cần được giúp đỡ để chuyển một số tiền lớn ra khỏi đất nước.

Nội dung email thường đi theo mô típ đơn giản. Người gửi là đại diện cho một bộ trưởng từ Cộng hòa Niger, cần chuyển khoảng 47 triệu USD ra khỏi đất nước.

Email hứa hẹn sẽ chia chác cho nạn nhân 30% khoản tiền nếu họ thực hiện thành công giao dịch. Các email gửi từ địa chỉ gadre@unipune.ac.in, được liên kết với tên miền dường như thuộc về một trường Đại học Ấn Độ.

Thật kỳ lạ khi một quan chức chính phủ và đại diện người châu Phi đang cố chuyển các khoản tiền bất hợp pháp ra khỏi Niger lại sử dụng một email như vậy.

Trong khi câu chuyện chỉ thay đổi từ quốc gia này sang quốc gia khác, việc thao túng cảm xúc và đánh vào lòng tham của con người vẫn hiệu quả một cách đáng báo động.

Vì vậy, nếu nhận được email từ Hoàng tử Nigeria hay bộ trưởng nào đó từ Niger, bạn sẽ không đổi đời như kỳ vọng. Thay vào đó, vị hoàng tử hay bộ trưởng sẽ lấy đi hết số tiền tiết kiệm cả đời của bạn.

Nếu nhận được email từ "Hoàng tử Nigeria", bạn sẽ đổi đời:  - Ảnh 2.

Cách tự bảo vệ mình khỏi trò lừa đảo Hoàng tử Nigeria

Trước đây, loại lừa đảo này có đặc trưng là chính tả sai và ngữ pháp kém. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các công cụ AI, không khó để soạn một email lừa đảo trôi chảy với ngữ pháp tốt.

Bất kể email nghe có vẻ trịnh trọng và chuyên nghiệp đến đâu, quy tắc vàng vẫn không thay đổi: Hãy nghi ngờ bất kỳ lời đề nghị nào có vẻ quá tốt để trở thành sự thật.

Nhiều năm trước, kẻ lừa đảo xưng là tù nhân người Tây Ban Nha. Về sau này là Hoàng tử Nigeria. Hôm nay, lại là một bộ trưởng từ Niger. Ngay cả khi đó là một phi hành gia bị lạc trong không gian, đừng bao giờ chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ trên mạng.

Đôi khi, những kẻ lừa đảo này cải trang thành những nữ thừa kế trẻ cần giúp đỡ để có được tài sản thừa kế. Trong các trường hợp khác, email cho biết bạn nhận được một món quà từ một người họ hàng nước ngoài mà bản thân còn chưa từng nghe tên.

Đừng để một phút tham lam hay những câu chuyện cảm tính lấn át logic và sự hoài nghi của bạn. Bằng cách thận trọng, bạn có thể tránh được tất cả các hình thức lừa đảo trực tuyến.

Ngay cả khi phát hiện ra những trò gian lận hiện tại, những kẻ lừa đảo tinh vi vẫn có những cách thức để thay thế chúng. Vụ lừa đảo kinh điển Hoàng tử Nigeria vẫn đang tiếp tục thích nghi với thời đại bằng những câu chuyện mới, công nghệ mới và các chiến thuật thao túng phù hợp.

Ngay cả những người dùng internet có kinh nghiệm cũng có thể bị lừa khi những kẻ lừa đảo đánh vào sự đồng cảm hoặc lòng tham. Đừng bao giờ cho rằng mình sẽ không bao giờ bị lừa. Hãy luôn cảnh giác.

Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân, ngay cả những điều đơn giản như ngày sinh, địa chỉ hoặc nghề nghiệp và tất nhiên là tài khoản ngân hàng.

Nếu có bất kỳ tệp hoặc liên kết nào trong email đáng ngờ, đừng nhấp vào chúng. Các tệp đính kèm hoặc liên kết này có thể chứa phần mềm độc hại lây nhiễm vào máy tính.

Ngoài ra, cảnh giác với những dấu hiệu sau đây:

Địa chỉ email rất dài và đến từ các tên miền lạ. Nội dung email chứa nhiều lỗi chính tả hoặc ngữ pháp. Tiêu đề email gọi tên bạn sai. Nguồn gốc của email đến từ các quốc gia mà bạn chưa bao giờ đến hoặc hoàn toàn không liên quan. Người lạ đề nghị số tiền cao phi thực tế và muốn chuyển tiền trước.

Theo Mạnh Kiên

Phụ nữ số

Trở lên trên