MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân rộng công thức thành công của các nền kinh tế như Việt Nam có thể đóng góp 11.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới

12-09-2018 - 17:04 PM | Tài chính quốc tế

Trong phân tích về 71 nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam được xếp vào nhóm 18 nền kinh tế "vượt trội hơn" và nếu nhân rộng công thức thành công này, đến năm 2030, kinh tế thế giới có thể có thêm 11.000 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam đạt hiệu quả vượt trội

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI) đã công bố báo cáo "Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn", trong đó nhấn mạnh Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế có "hiệu quả vượt trội hơn" so với các nền kinh tế còn lại.

Cụ thể, báo cáo của MGI nhấn mạnh 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm từ 1965 đến 2016, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singpore, Hàn Quốc và Thái Lan. 11 nền kinh tế còn lại có tốc độ tăng trưởng "đạt hiệu quả vượt trội hơn" gồm Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam, với mức 5%/năm trong khoảng thời gian ngắn hơn 20 năm từ 1996 đến 2016.

Báo cáo cũng nêu rõ, dù có những khác biệt về tính chất và chính sách của các nền kinh tế nhưng 18 nền kinh tế được đánh giá là vượt trội hơn vẫn chia sẻ những tương đồng ở hai yếu tố cơ bản. Một trong số đó là việc duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng với mục tiêu hình thành một vòng tuần hoàn hiệu quả về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, đảm bảo sự ổn định, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo đổi mới.

Điểm tương đồng còn lại là vai trò trọng yếu của các doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy năng suất và sự tăng trưởng dù vẫn còn bị đánh giá thấp.

Ông Jonathan Woetzel, Giám đốc Viện Toàn cầu McKinsey kiêm Giám đốc Hợp danh Cao cấp văn phòng McKinsey & Company Thượng Hải, một trong các tác giả báo cáo cho biết báo cáo nêu ra những bài học quý giá cho các nước đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của doanh nghiệp với các nền kinh tế.

Ngoài ra, báo cáo của McKensey cũng nhấn mạnh, việc nhân rộng công thức thành công của các nền kinh tế vượt trội hơn, trong đó có Việt Nam, cho tất cả các nền kinh tế mới nổi khác có thể đóng góp thêm 11 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới đến năm 2030, tức là tăng 10% tương đương với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc.

"8 nghìn tỷ USD có thể được đóng góp trực tiếp từ các nền kinh tế chưa khởi sắc hiện nay, với điều kiện các nền kinh tế này đạt được mức tăng trưởng năng suất tương đương các nước vượt trội hơn. Với sự thúc đẩy năng suất từ các quốc gia này, các nền kinh tế mới nổi có thể tiếp tục đóng góp hơn hai phần ba tăng trưởng toàn cầu vào năm 2030", báo cáo cho biết.

Nhân rộng công thức thành công của các nền kinh tế như Việt Nam có thể đóng góp 11.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Đưa một tỷ người thoát nghèo

18 nền kinh tế vượt trội được nhận diện trong báo cáo này đã giúp khoảng một tỷ người thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực kể từ năm 1990, góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tại tổng số 71 quốc gia, số người sống trong cảnh nghèo cùng cực đã giảm từ 1,7 tỷ người xuống 580 triệu người trong giai đoạn 1990 -2013. Trong đó, 18 nền kinh tế vượt trội hơn đã đóng góp gần 95% cho sự thay đổi đáng kể đó, dẫn đầu là Trung Quốc (với khoảng 730 triệu người thoát cảnh nghèo cùng cực), Ấn Độ (170 triệu người) và Indonesia (80 triệu người).

Nền kinh tế ngày càng thịnh vượng tại các quốc gia này cũng tạo nên một làn sóng mới của tầng lớp trung lưu và nhà giàu với đủ điều kiện tài chính để tiết kiệm và tiêu dùng. Các nền kinh tế vượt trội hơn chiếm khoảng một nửa mức tăng trưởng chi tiêu cho hộ gia đình của tất cả các nền kinh tế mới nổi gộp lại trong vòng 20 năm qua.

 "Các nền kinh tế vượt trội hơn trong một khoảng thời gian dài đã đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định và không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các cú sốc kinh tế vĩ mô khác. Tốc độ ổn định này cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng toàn diện đã giúp tầng lớp trung lưu phát triển và gia tăng đáng kể", bà Anu Madgavkar, Giám đốc của Viện Toàn Cầu McKinsey tại Mumbai cho biết.

Làn sóng tiếp theo của các nền kinh tế vượt trội hơn

Báo cáo ghi nhận rằng làn sóng tăng trưởng toàn cầu tiếp theo có thể được dẫn đầu bởi một nhóm các thị trường mới nổi vượt trội. Một mặt, các thị trường này có thể thực hiện thành công nghị trình hỗ trợ tăng trưởng trong khi tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn tăng năng suất hoạt động. Mặt khác, các thị trường này có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của bối cảnh toàn cầu.

Công nghiệp sản xuất tại các nước đang phát triển có vẻ như đang đạt đến mức cao điểm nhanh hơn so với trước đây. Ví dụ, tự động hóa đang trở nên ngày càng phổ biến và dòng chảy thương mại xuyên biên giới đã mất đi ít nhiều động lực kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các nền kinh tế mũi nhọn mới có thể sẽ nổi lên và tạo ra được nhiều cơ hội.

Đơn cử, việc Trung Quốc dần chuyển hướng từ một nền sản xuất thâm dụng lao động sang sản xuất dựa trên nghiên cứu và phát triển chuyên sâu đang tạo cơ hội cho Ấn Độ, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác, đặc biệt cho hàng hóa sản xuất tại các nước có thu nhập thấp như Indonesia và Uzbekistan.

Nhìn chung, tỷ trọng thương mại hàng hóa giữa các thị trường mới nổi, giữa các nước đang phát triển với nhau và giữa Trung Quốc với các nước đang phát triển, đã tăng từ 8% năm 1995 lên 20% năm 2016. Ngay cả những số liệu dự báo khiêm tốn nhất cũng cho thấy, các nền kinh tế mới nổi sẽ chiếm xấp xỉ 50% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2030, và con số này có thể tăng lên 72% nếu các nước này có thể nâng cao năng suất. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ đó sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội cho hợp tác thương mại giữa các nước đang phát triển.

Báo cáo cũng chỉ ra một số quốc gia bao gồm Bangladesh, Philippines, Rwanda và Sri Lanka có khả năng tạo nên một làn sóng các nền kinh tế vượt trội trong tương lai nếu các quốc gia này tiếp tục thiết lập được các yếu tố căn bản hỗ trợ nền kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh mà họ đã đạt được trong thời gian gần đây.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên