MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập khẩu lượng khí đốt kỷ lục dù không thiếu, quốc gia châu Á này đang toan tính điều gì?

28-08-2023 - 15:09 PM | Thị trường

Nhập khẩu lượng khí đốt kỷ lục dù không thiếu, quốc gia châu Á này đang toan tính điều gì?

Nhập khẩu LNG tăng vọt đã đưa nước này vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu thế giới.

Theo Reuters, các nhà kinh doanh khí đốt Trung Quốc đã mở rộng các giao dịch hiện có ở Singapore và London, đưa họ vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nặng ký về khí đốt như Shell, BP, TotalEnergies và Equinor.

Theo chia sẻ của các thương nhân và nhà phân tích, loạt nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đã tăng quy mô hợp đồng LNG dài hạn với các nhà cung cấp Qatar và Mỹ tới gần 50% kể từ cuối năm 2022 lên hơn 40 triệu tấn mỗi năm và có kế hoạch bổ sung thêm khối lượng từ hai quốc gia này, cũng như Oman, Canada và Mozambique.

Trích dẫn công ty tư vấn Poten & Partners, các công ty Trung Quốc dự kiến sẽ ký hợp đồng cung cấp hơn 100 triệu tấn LNG mỗi năm vào năm 2026.

Quốc gia này đang trên đà trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới năm nay. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về mua khí LNG thông qua hợp đồng dài hạn, theo số liệu của Bloomberg.

Nhập khẩu LNG tăng vọt đã đưa nước này vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu nhiên liệu hàng đầu thế giới. Một khối lượng lớn LNG đã đến Trung Quốc từ các nhà máy của Nga ở Viễn Đông và khu vực Bắc Cực.

Theo dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc, dòng chảy khí đốt qua đường ống từ Nga sang Trung Quốc đã tăng lên tới 3,94 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, tăng gần gấp đôi giá trị được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022, và gần bằng với mức vận chuyển trong cả năm ngoái.

Các chuyên gia cho rằng sản lượng nội địa ngày càng tăng của Bắc Kinh cùng khí đốt qua đường ống từ Trung Á và Nga cung cấp đủ cơ sở nhiên liệu để các công ty khí đốt Trung Quốc có thể giao dịch hoặc trao đổi hàng hóa của Mỹ và các danh mục đầu tư khác.

Toby Copson, người đứng đầu giao dịch toàn cầu của Trident LNG có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Reuters: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi mô hình ở các công ty Trung Quốc từ hoàn toàn nhập khẩu ròng sang trở thành những người tham gia giao dịch trong nước và quốc tế nhiều hơn”.

Jason Feer, người đứng đầu bộ phận thông tin kinh doanh tại Poten & Partners, cho biết ông có thể thấy Trung Quốc đang trở thành “nhà cung cấp năng lượng theo mùa cho những nơi như Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như sang châu Âu”.

Kể từ đầu tháng 7, Trung Quốc ký nhiều hợp đồng mua khí hóa lỏng (LNG) để đảm bảo nguồn cung trong nước hoặc bán cho nước khác khi nhu cầu nội địa yếu, Bloomberg trích dẫn.

Tháng trước, công ty quốc doanh CNPC ký hợp đồng khí đốt 27 năm với Qatar, đồng thời tham gia vào một dự án khổng lồ của nước này. ENN Energy Holdings cũng ký hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với hãng năng lượng Mỹ Cheniere Energy. Cả hai hợp đồng này dự kiến bắt đầu từ năm 2026.

Nhiều hợp đồng khác đang trong giai đoạn đàm phán. Các hãng quốc doanh lớn như CNOOC và Sinopec đang thảo luận với Mỹ. Các công ty nhỏ hơn như Zhejiang Provincial Energy Group và Beijing Gas Group cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận.

Riêng Qatar đã tham gia vào vài cuộc đàm phán với các doanh nghiệp Trung Quốc, các hợp đồng có thể kéo dài hơn 20 năm. Sinopec cũng đang xem xét đầu tư vào một dự án khí đốt ở Arab Saudi.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên