MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật thực hiện thương vụ khủng ngành thép, bắn 1 mũi tên trúng 3 đích: Cớ sao người Mỹ vẫn bất bình?

28-02-2024 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Cuối năm 2023, tập đoàn thép lớn nhất Nhật Bản Nippon Steel tuyên bố đã đạt được thoả thuận mua lại US Steel của Mỹ với giá 14,9 tỷ USD. Động thái này đưa tập đoàn Nhật Bản trở thành nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới tính theo công suất.

Nhật thực hiện thương vụ khủng ngành thép, bắn 1 mũi tên trúng 3 đích: Cớ sao người Mỹ vẫn bất bình?- Ảnh 1.

Nhật thực hiện thương vụ khủng ngành thép, bắn 1 mũi tên trúng 3 đích: Cớ sao người Mỹ vẫn bất bình?- Ảnh 2.

Tháng 12/2023, tập đoàn thép lớn nhất Nhật Bản Nippon Steel đã vượt qua nhiều cái tên lớn như Cleveland-Cliffs, ArcelorMittal và Nucor để mua lại biểu tượng sức mạnh công nghiệp Mỹ - US Steel.

Nippon Steel đồng ý giữ lại tên US Steel, giữ nguyên trụ sở công ty tại Pittsburgh, Pennsylvania, tôn trọng mọi hợp đồng với công nhân và duy trì các cơ sở sản xuất. Tại đó, công nghệ sẽ được nâng cấp để nâng cao năng suất ngang tầm với Nhật Bản. Đồng thời, Nippon Steel cũng cam kết không chuyển cơ sở sản xuất hoặc việc làm hiện có ra nước ngoài. Đây là một thỏa thuận “hời” cho cả đôi bên.

Tuy nhiên, thông báo này vấp phải phản ứng dữ dội từ lưỡng đảng Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa J.D. Vance cho biết thỏa thuận này giống như "bán đấu giá" một "phần quan trọng của cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ" cho người nước ngoài "để lấy tiền mặt".

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin gọi đây là “mối đe dọa trực tiếp” đối với an ninh quốc gia. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden “xem xét mọi lựa chọn để bảo vệ ngành thép Mỹ, công nhân ngành này cũng như an ninh kinh tế và quốc gia”.

Nhật thực hiện thương vụ khủng ngành thép, bắn 1 mũi tên trúng 3 đích: Cớ sao người Mỹ vẫn bất bình?- Ảnh 3.

Nhà Trắng hiện đã kêu gọi xem xét kỹ lưỡng thoả thuận này. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) sẽ vào cuộc xác định lợi ích phía Mỹ. Liên minh United Steelworkers cũng lên tiếng phản đối thương vụ.

Chuyên gia kinh tế Anne O. Krueger cảm thấy khó hiểu trước những phản đối trên. Bà cho rằng các nhà lãnh đạo nên hoan nghênh thoả thuận này, vì nó hứa hẹn mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người lao động Mỹ, thậm chí cho cả chính sách đối ngoại và an ninh nước này.

Tổng thống Biden đã thiết lập ba mục tiêu chính sách kinh tế quan trọng. Đó là tăng số lượng việc làm, tăng cường sản xuất và đẩy nhanh áp dụng công nghệ hiện đại. Tổng thống Biden cũng chú trọng đến việc “xây dựng tình bạn” với các đồng minh. Vậy thương vụ sáp nhập tập đoàn ngành thép sẽ là một mũi tên trúng ba đích trên, lại có thể củng cố mối quan hệ với đồng minh chủ chốt là Nhật Bản.

Nhật thực hiện thương vụ khủng ngành thép, bắn 1 mũi tên trúng 3 đích: Cớ sao người Mỹ vẫn bất bình?- Ảnh 4.

Để hiểu rõ hơn sự tình, chúng ta có thể lội ngược lại quá khứ để tìm hiểu một số thông tin cơ bản. Khi Thế chiến II kết thúc, các công ty thép Nhật Bản có năng suất thấp hơn nhiều so với các công ty Mỹ, bao gồm cả US Steel - biểu tượng của công nghiệp hóa Mỹ khi ấy.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ tiếp theo, ngành thép Nhật Bản đạt được tiến bộ vượt bậc. Năng suất vào thập niên 1970 vượt xa ngành thép của Mỹ. Không thể cạnh tranh về chi phí, các nhà sản xuất Mỹ từ lâu đã tìm kiếm sự bảo hộ về thuế quan. Nhưng ngay cả điều này cũng không thể thu hẹp khoảng cách. Thép Mỹ nằm trong số những loại thép đắt nhất thế giới.

Trong những năm qua, việc làm trong ngành thép của Mỹ giảm mạnh, từ hơn 180.000 việc làm giữa giai đoạn năm 1987-1991, xuống còn 87.100 năm 2010 và 83.200 việc làm vào năm 2022. Nhưng điều này không thể đổ lỗi cho sự cạnh tranh từ nước ngoài.

Việc làm giảm phần lớn là kết quả của công nghệ phát triển. Hiện nay chỉ cần 1,5 giờ công để sản xuất 1 tấn thép ở Mỹ, nhanh hơn nhiều so với 10,1 giờ công vào những năm 1980. Nếu giữ nguyên số việc làm trong bối cảnh năng suất được cải thiện đáng kể như vậy, lượng thép tiêu thụ buộc phải tăng hơn gấp đôi.

Một cải tiến quan trọng mà Nippon Steel đã áp dụng là lò hồ quang điện (EAF). Loại lò này dùng năng lượng của hồ quang điện làm nóng và đun chảy vật liệu. Lò này có thể tắt khi không cần đến và không cần nhiều nhân công. Nhưng US Steel vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào các loại lò cũ sử dụng quặng sắt và than, tốn nhiều công sức hơn.

Kết quả là chi phí sản xuất của US Steel đặc biệt cao, cao hơn cả các nhà sản xuất trong nước khác. Thời điểm thương vụ mua lại được công bố, US Steel gần như liên tục mất thị phần trong nước và toàn cầu. Tập đoàn này tụt từ vị trí thứ 8 năm 2008 xuống vị trí thứ 27 vào năm 2022. US Steel cũng là công ty có lợi nhuận thấp nhất trong số các nhà sản xuất thép lớn của Mỹ.

Nhật thực hiện thương vụ khủng ngành thép, bắn 1 mũi tên trúng 3 đích: Cớ sao người Mỹ vẫn bất bình?- Ảnh 5.

Việc Nippon Steel mua lại US Steel sẽ đảo ngược tình thế. Các điều khoản của thỏa thuận có thể sẽ gia tăng năng suất trong ngành thép nước Mỹ. Khi giá thép của Mỹ giảm, hoạt động nhập khẩu thép sẽ giảm theo. Các nhà sản xuất hàng hóa của Mỹ như tủ lạnh và ô tô sẽ có thể hạ chi phí, từ đó gia tăng sức cạnh tranh. Tất cả những điều này sẽ củng cố lĩnh vực sản xuất và cơ sở công nghệ của Mỹ, đồng thời đảm bảo việc làm ở Mỹ.

Nhà kinh tế học Krueger đánh giá không có nhiều thương vụ lớn thúc đẩy được cả ba mục tiêu chính sách kinh tế của Tổng thống Biden. Đây có thể là một cơ hội thực sự để đảo ngược vận mệnh của US Steel và cải thiện triển vọng ngành thép nước Mỹ.

Nếu thương vụ mua lại không được chấp thuận, ngành thép Mỹ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào thuế bảo hộ. Các ngành công nghiệp khác của Mỹ sẽ tiếp tục mất khả năng cạnh tranh khi buộc phải chi trả giá thép đắt đỏ.

Và trong kịch bản đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngần ngại khi đầu tư vào Mỹ. Vì nếu một công ty hàng đầu Nhật Bản như Nippon Steel, đủ đáp ứng mọi điều kiện, mà vẫn không thể sở hữu cơ sở sản xuất ở Mỹ, thì còn công ty nước ngoài nào có thể sản xuất trên Mỹ?

*Bài viết thể hiện quan điểm của bà Anne O. Krueger, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) và là cựu phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bà là Giáo sư Nghiên cứu Cấp cao về Kinh tế Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao thuộc Đại học Johns Hopkins và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Stanford.

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên