Nhiều áp lực tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước ứng phó thế nào?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi Quốc hội báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, Quốc hội khóa XIV.
- 18-05-2019Vì sao hồ nước thượng nguồn không làm mát lãi suất?
- 12-05-2019Ngân hàng Trung ương nhiều nước châu Á chuẩn bị hạ lãi suất cơ bản hàng loạt
- 10-05-2019Hiện tượng dư thừa thanh khoản khó kéo dài, lãi suất trái phiếu có thể tăng trong thời gian tới
Báo cáo cho biết, về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Lạm phát bình quân trong những năm qua luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%). Năm 2018 là 3,54% và 4 tháng đầu năm 2019 là 2,71%. Lạm phát cơ bản cũng được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 là 1,48%, 4 tháng đầu năm 2019 là 1,84%). Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,42% so với cuối năm trước (cùng kỳ tăng 5,89%).
Về lãi suất thị trường, NHNN cho biết, trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp tạo điều kiện ổn định lãi suất của các TCTD. Chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.
Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Cụ thể, đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN; giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6,5%/năm; giữ nguyên lãi suất tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng. Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, đồng tình với lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.