MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều công ty báo lãi lớn nhờ thoái vốn, thanh lý tài sản

Một số doanh nghiệp như Đất Xanh, Fecon, Thép Nam Kim... đều có lợi nhuận quý II đột biến nhờ vào việc thoái vốn hoặc thanh lý tài sản.

Mùa kết báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm đến giai đoạn cao điểm. Kết quả kinh doanh năm nay cho thức bức tranh phân hóa giữa các nhóm doanh nghiệp, như ngân hàng, dệt máy tích cực trong khi các doanh nghiệp thép, phân bón, chứng khoán giảm mạnh so với cùng kì.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp có lãi đột biến đi ngược với diễn biến chung của ngành nhờ vào việc thanh lý tài sản hoặc thoái vốn.

Theo BCTC quý II của Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG), tổng doanh thu đạt 842,4 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 249 tỷ đồng, gấp đôi quý II/2018. Nguyên nhân chính của việc lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ là do hoạt động tài chính ghi nhận đột biến với doanh thu 227 tỷ đồng, gấp 26,7 lần cùng nhờ thanh lý khoản đầu tư.

Tương tự, Đầu tư LDG (HoSE: LDG) báo lãi sau thuế quý II tăng đột biến, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước, đạt 77 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu giảm 48%, đạt 41 tỷ đồng. Lợi nhuận đột biến này đến từ doanh thu tài chính 150 tỷ đồng mà cùng kỳ quý trước không có. Khoản tiền thu được đến từ thanh lý khoản đầu tư dài hạn - chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Du lịch Suối Mơ với giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 300 tỷ đồng.

CTCP Fecon (HoSE: FCN) cũng công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II với doanh thu 715,5 tỷ đồng, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 2,4 lần đạt 150,3 tỷ đồng. Lãnh đạo cho biết công ty ghi nhận lãi đột biến trong quý II nhờ bán một phần vốn góp tại dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Lũy kế nửa đầu năm, Fecon dự kiến nhận doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 1.206 tỷ đồng và 150,3 tỷ đồng, tăng 30% và 176% so với cùng kỳ 2018. Công ty thực hiện 29% kế hoạch doanh thu và 42% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Đối với Thép Nam Kim (HoSE: NKG), công ty ước lãi 120 tỷ đồng trong quý II, lũy kế nửa đầu năm lãi ròng xấp xỉ 20 - 25 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả này khả quan sau 2 quý liên tiếp thua lỗ (quý IV/2018 lỗ 173 tỷ và quý I/2019 lỗ 102 tỷ đồng).

Trong bối cảnh giá thép cán nóng (HRC) trung bình quý này không cao hơn nhiều so với quý đầu năm (557 USD/tấn so với 548 USD/tấn), mức lợi nhuận trên có được nhờ 2 khoản chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1 và phần vốn góp trong liên doanh Nam Kim Corea.

Năm 2019, NKG lên kế hoạch chuyển nhượng hàng loạt dự án không còn nằm trong kế hoạch đầu tư, tiếp tục tái cấu trúc sản xuất. Cụ thể, Thép Nam Kim sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại dự án Nam Kim Corea, KCN Visip II – A, Bình Dương. Song song, Công ty cũng sẽ chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1 tại Thuận An – Bình Dương. Thép Nam Kim đồng thời lên kế hoạch chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất tại dự án KCN Mỹ Xuân B, Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng diện tích gần 33 ha. Ước tính sơ bộ, với việc chuyển nhượng 3 dự án trên, Công ty sẽ thu về khoảng 850 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến được sử dụng nhằm giảm dư nợ trung hạn và giảm chi phí tài chính…

CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) Báo cáo tài chính quý II vừa công bố cho thấy Vĩnh Hoàn báo lãi tăng 19% lên 392 tỷ đồng bất chấp doanh thu thuần giảm 10% còn 2.205 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng đột biến gấp 4,6 lần lên 148 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng cao theo Vĩnh Hoàn là đến từ lợi nhuận các công ty con và tiền lãi bán các khoản đầu tư.

Trong tháng 6, HĐQT đã thống nhất chuyển nhượng 25% cổ phần Công ty Octogone Pte.Ltd - công ty chuyên hỗ trợ hoạt động bán hàng và logistics của Vĩnh Hoàn tại Trung Quốc và chuyển nhượng 35% công ty TNHH Chế biến Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang - công ty có hoạt động tương tự Vĩnh Hoàn. Theo một báo cáo của chứng khoán Bản Việt (VCSC), Vĩnh hoàn sẽ thu về khoản lợi nhuận bất thường 107 tỷ đồng nhờ các thương vụ thoái vốn trong quý II, chủ yếu từ thoái vốn Vạn Đức Tiền Giang xuống còn 35% và chuyển nhượng 25% cổ phần CTCP Octogone Holdings Pte.Ltd.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cũng gây không ít bất ngờ cho nhà đầu tư. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất quý III niên độ tài chính 2018-2019 (1/4-30/6) giảm 30%, chỉ còn đạt 7.228 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 90%, đạt mức 158 tỷ đồng.

Thời gian qua cũng chứng kiến Hoa Sen đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống phân phối chuyển đổi từ chi nhánh thành các cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh, đẩy mạnh thanh lý nhiều tài sản, giảm nợ vay...

Việc thoái vốn, thanh lý tài sản một mặt giúp công ty tập trung ngành nghề kinh doanh chủ yếu, mặt khác giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn hoặc ghi nhận lợi nhuận đột biến. Tuy nhiên, về lâu dài thì kết quả kinh doanh vẫn phải đến từ hoạt động kinh doanh chính mới đảm bảo sự bền vững cho doanh nghiệp.

Theo Bình An

NDH

Trở lên trên