Nhiều Cty nước ngoài dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam
Ngày 2.5, thông tin từ nhà nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE cho hay: Ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trong năm 2018, CBRE ghi nhận sự gia tăng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Xu hướng này không quá mới khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng, khiến cho việc di dời dường như trở thành một sự lựa chọn khả thi về mặt tài chính đối với nhiều nhà sản xuất.
Bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc phòng nghiên cứu thị trường của CBRE – cho biết: “Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ việc di dời này. Việt Nam duy trì tốt các chỉ số tăng trưởng, lạm phát thấp, đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, nhiều hiệp định thương mại được ký kết… là các yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư di dời nhà máy sang Việt Nam”.
Cuối năm 2018, Tập đoàn thức ăn chăn nuôi Cargill (Mỹ) đã đầu tư thêm một nhà máy 25 triệu USD ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: C.H
Thật vậy, số lượng nhà cung cấp của Apple tăng từ 16 (năm 2015) lên 22 nhà máy trong (năm 2018). Thậm chí, một nhà cung cấp của Apple (GoerTek) đã quyết định đặt trụ sở sản xuất AirPods của họ (tai nghe không dây) vào Việt Nam.
Tập đoàn Samsung Electronics công bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc vào cuối năm 2018. Trong khi, ở Việt Nam, tỷ lệ sản xuất nội địa nhảy vọt từ 34% tổng giá trị sản phẩm trong năm 2014, lên 57% trong năm 2017. Hiện tại, 29 công ty Việt Nam đóng vai trò là nhà cung cấp số 1 của Samsung.
Hãng túi xách cao cấp Coach cũng tăng cường đơn hàng sản xuất ở VN. Ảnh: C.H
Việc cải thiện các dự án hạ tầng trọng điểm như những tuyến đường cao tốc mới, mở rộng các cảng biển và sân bay, đã thu hút các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp gần các cơ sở hạ tầng này, và đổi lại, các chủ đầu tư khu công nghiệp có thể giới thiệu các dự án cơ sở hạ tầng mới này như một phần đề nghị của họ để thu hút các khách thuê từ Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên, mới đây, vào tháng 3.2019, Tập đoàn điện tử LG (Hàn Quốc) đã công bố dừng sản xuất điện thoại di động ở Hàn Quốc và chuyển sản xuất sang nhà máy tại Hải Phòng. Quyết định này sẽ tăng công suất sản xuất tại nhà máy Việt Nam lên 83%, đạt 11 triệu thành phẩm từ nửa cuối năm 2019.
Trong khi đó, trước sự hình thành các đường cao tốc phía Bắc, dẫn tới nhiều khu công nghiệp ra đời, thu hút các nhà đầu tư như: Samsung và các nhà cung ứng của Samsung, Kyocera Milta, Nestle, Panasonic, Toto… Tương tự, hàng loạt nhà đầu tư (Bosch, Nidec, Schneider, Bayer, Cargill, Pepsi, Nestle…) cũng di dời nhà máy vào các khu công nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Lao động