Nhiều dự án hạ tầng giao thông ở TPHCM chờ cú hích
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, nghị quyết mới hứa hẹn mang đến bước đột phá cho sự phát triển của thành phố, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
- 27-06-2023Việt Nam sẽ hút thêm nhà đầu tư châu Âu, Ấn Độ, Mỹ và từ một đối tác quan trọng
- 27-06-2023'Siêu cảng' 5,5 tỷ USD dự kiến nộp ngân sách 40.000 tỷ đồng/năm
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, cơ chế thí điểm đặc thù , đột phá giúp phát triển hạ tầng giao thông TPHCM tập trung vào ba nội dung đặc biệt. Cụ thể, TPHCM sẽ triển khai thí điểm các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên một số tuyến đường bộ hiện hữu (trước đó phải ngưng do vướng luật).
Bên cạnh đó, thành phố có thể kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền ngân sách (trả chậm) cho nhà đầu tư (trước đây thanh toán bằng quỹ đất).
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ được thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD - là các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn từ các quỹ đất dọc theo các dự án giao thông, trước mắt có thể kể đến như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đường Vành đai 3 TPHCM…
Theo ông Bằng, hiện nay, các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận đã được đầu tư và đang khai thác. Tuy nhiên, quy mô hiện hữu chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch.
Trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách thành phố không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, thành phố đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu.
Các dự án có thể xem xét gồm mở rộng quốc lộ 1 (chia 3 đoạn tương ứng với 3 dự án) với tổng mức đầu tư sơ bộ 12.876 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3) khoảng 1.200 tỷ đồng; mở rộng quốc lộ 13 hơn 12.190 tỷ đồng; dự án xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường vành đai 3 khoảng 13.837 tỷ đồng; dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam 54.204 tỷ đồng; xây dựng đường động lực (đường song song Quốc lộ 50) với tổng vốn 3.816 tỷ đồng.
Theo ông Bằng, TPHCM chỉ đầu tư mở rộng đường theo lộ giới quy hoạch đối với các tuyến đường trục chính hướng tâm hiện nay, ảnh hưởng đến nhu cầu, chất lượng đi lại của người dân do thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Trong quá trình nghiên cứu xác định danh mục dự án áp dụng cơ chế, thành phố sẽ tổ chức thực hiện lấy ý kiến đồng thuận của người dân. Trong phạm vi thẩm quyền, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai một số giải pháp tổ chức thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, tránh tạo gánh nặng về thuế, phí, tình trạng khiếu kiện...
Kết nối nội vùng, liên vùng
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông TPHCM), cho biết, Ban Giao thông TPHCM đang quản lý một số dự án BT như: Đoạn 3 đường vành đai 2, đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, bốn tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đoạn 4 đường vành đai 2, quốc lộ 13... Với những dự án này, các nhà đầu tư cũng rất đau đầu về phương thức thanh toán.
“Chẳng hạn, đoạn 3 thuộc dự án đường vành đai 2 do Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái làm chủ đầu tư hiện phải tạm ngừng để chờ điều chỉnh dự án và giải quyết vướng mắc trong thanh toán quỹ đất.
Hiện tại, Sở KH&ĐT đang xin ý kiến của các sở, ban ngành để thẩm định và báo cáo UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án nên chủ đầu tư vẫn chưa ký kết được phụ lục hợp đồng BT. Khó khăn tiếp theo là chủ đầu tư chưa được thanh toán quỹ đất, dù đã giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng”, ông Phúc cho biết.
“Nghị quyết mới sẽ là động lực phát triển hạ tầng giao thông TPHCM. Những chính sách đặc thù của Nghị quyết sẽ là cơ hội đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông đô thị TPHCM và kết nối liên vùng. Chính vì vậy, UBND TPHCM đã thành lập các tổ công tác để có thể chuẩn bị và bắt tay triển khai ngay cơ chế này trong năm nay, đồng thời áp dụng ngay với những dự án trọng điểm đang kêu gọi đầu tư”- Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM.
Theo ông Phúc, với nghị quyết mới, TPHCM sẽ kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền ngân sách (trả chậm) cho nhà đầu tư thay vì thanh toán bằng quỹ đất. Điều này sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, góp phần tổ chức phát triển không gian đô thị hợp lý, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn thanh toán bằng quỹ đất, bởi lẽ việc thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan.
Theo ông Bằng, với nghị quyết mới, thành phố sẽ thanh toán bằng ngân sách (trả chậm). Qua đó, thành phố sẽ chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch vốn để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp với khả năng thu ngân sách của thành phố theo từng thời kỳ và tình hình thu chi ngân sách hằng năm.
“TPHCM cũng đã dự kiến danh mục một số dự án quan trọng, có tính kết nối nội vùng, liên vùng, có tính chất cấp thiết, cấp bách để xem xét áp dụng cơ chế, đồng thời các dự án này sẽ góp phần tăng giá trị các khu đất lân cận, tăng thêm nguồn thu ngân sách của thành phố khi dự án triển khai đầu tư”- ông Bằng nói.
Theo đó, thành phố sẽ thanh toán ngay cho nhà đầu tư thực hiện các dự án như: Xây dựng cầu Cần Giờ với tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng; Cầu đường Nguyễn Khoái 2.812 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2) 1.124 tỷ đồng…
Tiền Phong