Nhiều kiến nghị cấp bách từ vụ án Vạn Thịnh Phát
Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 đã để lại nhiều bài học quý về quản lý tài chính, đầu tư và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực kinh tế.
- 17-10-2024Chi tiết mức án 4 thành viên gia đình bà Trương Mỹ Lan và 30 bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2
- 17-10-2024Xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan lãnh án chung thân
- 15-10-2024Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Phương án khắc phục hậu quả chưa thực tế
TAND TP HCM vừa khép lại quá trình xét xử sơ thẩm đối với 34 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan. Vụ án làm dấy lên những lo ngại về tình trạng tham nhũng, kinh tế, chức vụ trong khu vực tư nhân.
Quyết liệt với tham nhũng ngoài nhà nước
Trước đây, nhiều người có thể lầm tưởng rằng tham nhũng chỉ xảy ra trong khu vực công quyền.
Tuy nhiên, trong vụ án do bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng các nhân sự cấp cao thuộc SCB - một trong những ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu Việt Nam, đã phơi bày thực tế đáng báo động, các cá nhân và tổ chức khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng có thể thực hiện các hành vi tham nhũng, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và quyền lợi của hàng chục ngàn nhà đầu tư.
Vụ án này là một hồi chuông cảnh tỉnh, cho thấy tham nhũng là một căn bệnh xã hội nguy hiểm, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại bản án sơ thẩm giai đoạn 2 tuyên ngày 17-10-2024, TAND TP HCM đã đánh giá cụ thể vai trò của từng bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan, chủ mưu, bị tuyên án chung thân về 3 tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB, nhận án 17 năm tù vì đã chỉ đạo các hành vi lừa đảo. Các mức án từ 2 đến 23 năm tù cho các bị cáo khác phản ánh rõ ràng sự phân hóa trách nhiệm, thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với những sai phạm nghiêm trọng.
Theo HĐXX, SCB đã lợi dụng lòng tin của khách hàng để phát hành trái phiếu, với đa số người mua là khách hàng của ngân hàng này. Để thực hiện việc phát hành, SCB đã sử dụng 239 chi nhánh và hơn 2.400 nhân viên tư vấn khách hàng gửi tiền mua trái phiếu.
Kiến nghị cấp bách
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, TAND TP HCM đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững hơn trong tương lai.
Tòa án đã chỉ ra rằng mặc dù các bị cáo đã phát hành và bán trái phiếu rộng rãi cho 30.000 nhà đầu tư nhưng họ đã lợi dụng quy định của pháp luật về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cụ thể là không niêm yết trên sàn chứng khoán.
Điều này đã dẫn đến việc không thuộc thẩm quyền giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đó gây ra những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Do đó, HĐXX kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tham mưu, sửa đổi và bổ sung các quy định liên quan việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm bảo đảm quy trình phát hành trái phiếu được thực hiện một cách chặt chẽ, có biện pháp kiểm tra và giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động, cũng như bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho các trái chủ.
Trong bối cảnh hiện tại, ngoài các mã trái phiếu không có tài sản bảo đảm đã được giải quyết trong vụ án, vẫn còn nhiều mã trái phiếu khác chưa được xử lý của Vạn Trường Phát, Bông Sen, Tân Thành Long An, Quang Thuận (mã QT.H2025), Thiên Phúc (mã THP.H2025)...
Để bảo đảm quyền lợi cho các trái chủ và ổn định dư luận xã hội, HĐXX đề nghị Công ty Chứng khoán TVSI, SCB cùng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xây dựng phương án thanh toán nợ gốc và lãi cho các nhà đầu tư mua trái phiếu.
Đồng thời, tòa án cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cần có các biện pháp giám sát, đôn đốc việc thực hiện thanh toán nghĩa vụ cho các gói trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, vụ án đã cho thấy sự lợi dụng của các bị cáo trong việc thực hiện thanh toán quốc tế và quản lý ngoại hối tại SCB để phạm tội rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Do đó, HĐXX đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền khác tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế.
Thực tế vụ án còn cho thấy các bị cáo đã thành lập hàng ngàn công ty ma, không hoạt động thực tế để chạy dòng tiền khống và thực hiện hành vi phạm tội.
Tòa án đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thành lập doanh nghiệp, nhằm bảo đảm các điều kiện thành lập doanh nghiệp được thực hiện một cách chặt chẽ.
Điều này không chỉ giúp kiểm soát việc thành lập và quản lý doanh nghiệp mà còn ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan.
Lời cảnh tỉnh
Theo luật sư Đặng Hoài Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM, vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ tham ô tài sản kinh điển trong khu vực tư nhân, gây chấn động lịch sử tư pháp Việt Nam.
Trong vụ án này, việc xử lý người phạm tội không chỉ mang tính răn đe mà còn khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật.
Các ngân hàng khi cho vay phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quy trình cho vay, thẩm định tài sản, giải ngân nguồn tiền.
Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty con phải có nghĩa vụ hoạt động thật, dự án thật, hiệu quả khi thực hiện các quy định về vay vốn, không lợi dụng các chính sách thu hút đầu tư để vụ lợi cá nhân nhằm bảo đảm sự phát triển một nền kinh tế trong sạch và vững mạnh.
Vụ án cũng là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc giám sát chặt chẽ đối với cán bộ - công chức, loại trừ ngay những cá nhân có hành vi sai trái để tránh lạm dụng quyền lực.
"Bài học rút ra từ vụ án Vạn Thịnh Phát là một lời cảnh tỉnh cho tất cả cá nhân, doanh nghiệp đang tham gia hoạt động kinh doanh, cần loại trừ ngay tư duy mua chuộc quan chức, thâu tóm quyền lực, lũng đoạn thị trường.
Đồng thời, việc xử lý nghiêm khắc các vụ án tham nhũng, đặc biệt trong khu vực ngoài nhà nước, sẽ củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật và chính quyền" - luật sư Vũ nhấn mạnh.
Người Lao động