MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chỉ số về giá trị gia tăng và chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành nói chung đều có mức tăng trưởng thấp...

Với thực tế tăng trưởng của ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm chỉ ở mức 5,28% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I năm 2018 và 9% của quý I năm ngoái; Ngay cả động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý đầu năm cũng chỉ  tăng 7,12%,  Bộ Công Thương đã gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cả trong trước mắt và lâu dài cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm thuộc ngành Công Thương.

Tại Báo cáo về việc rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm ngành Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, do tác động của dịch Covid-19, các chỉ số kinh tế của ngành công nghiệp trong quý I đều giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm cũng như so với mục tiêu đề ra.

Các chỉ số về giá trị gia tăng và chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp nói chung, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đều ở mức tăng trưởng rất thấp, thậm chí có thể thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, các ngành sản xuất ô tô, sản xuất kim loại và sản xuất đồ uống là các ngành có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp thấp nhất.


Thực tế tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty này cho biết, mặc dù đã chủ động được tới hơn 80% nguồn nguyên liệu trong nước, song, hơn 10% nguyên liệu nhập khẩu lại mang tính quyết định cho việc có hoàn thành sản phẩm hay không.Những ngành hàng phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là những ngành công nghiệp chủ lực hiện nay của Việt Nam, gồm: Điện tử, dệt may, sản xuất, lắp ráp ô tô...

"Nguồn nguyên liệu nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một phần từ Hàn Quốc và Đài Loan. Hiện tại sản lượng nhập từ Trung Quốc tới 90%, chỉ có một số nguyên liệu cao cấp hơn thì mới nhập từ Đài Loan và Hàn Quốc. Mặc dù giá trị nhập khẩu tính trung bình là chỉ hơn 10% nhưng lại phân bổ gần như là tất cả các sản phẩm đều có một chút…" - ông Tùng chia sẻ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ nghiêm trọng hơn so với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Vừa qua, dù nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất do cân đối lượng nguyên phụ liệu dự trữ từ trước Tết.

Tuy nhiên, nếu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân... do đó sẽ không thể duy trì hoạt động.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Dệt may cũng là một ngành chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


Bộ Công Thương dẫn chứng, đối với các ngành dệt may, da - giày là các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu). Các ngành này chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% còn lại là xuất khẩu, do đó, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh phong tỏa bởi dịch bệnh đối với các ngành này sẽ tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may; và lần lượt khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam).

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nêu thực tế, đã có nhiều khách hàng lớn của Mỹ và EU đề nghị các doanh nghiệp dệt may, da - giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, có trường hợp khách hàng đề nghị hủy hợp đồng đã có.

Dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5/2020 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Tương tự các ngành dệt may và da - giày, ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các đơn hàng dài hạn, đơn hàng mới trong thời gian tới sẽ rất ít do nhu cầu mua sắm hàng điện tử sụt giảm bởi các biện pháp kiểm dịch.

Cụ thể, thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện; và lần lượt khoảng 17% và 14% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam.

Tương tự, ngành gỗ của Việt Nam dự kiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu, do thị trường Mỹ chiếm 50%, EU chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Hiện nay, nhiều khách hàng từ Mỹ và châu Âu của ngành gỗ đã thông báo tạm thời chưa nhận hàng cho các đơn hàng đã ký và chậm thanh toán tiền hàng; đồng thời, các đơn hàng mới cần phải đợi qua mùa dịch mới có thể ký kết.

Nếu như trong 2 tuần đầu của tháng 3/2020, có một số doanh nghiệp vẫn còn xuất khẩu được, nhưng đến giữa tháng 3, hoạt động xuất khẩu hàng đã chững lại mà không có đơn hàng mới.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 - Ảnh 3.
Ngành gỗ của Việt Nam dự kiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu, do thị trường Mỹ chiếm 50%, EU chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Khẳng định việc tìm biện pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên bởi những tác động tới nền kinh tế ở cả góc độ sản xuất, thị trường và việc làm, an sinh xã hội đã khá rõ ràng. Bộ Công Thương cho rằng, các nhóm giải pháp trước đây Bộ Công Thương đề xuất đã được Chính phủ nghiên cứu và triển khai thực hiện, như thông qua việc giãn nợ, hay có các gói tín dụng của ngân hàng với lãi suất ưu đãi hơn…

Song, tại Báo cáo này, Bộ trưởng Công Thương đề xuất, kiến nghị Chính phủ trong trước mắt cần quyết liệt triển khai 3 giải pháp cơ bản để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh, đó là: Tiếp tục xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn, hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp; Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp; Và, đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường cho các ngành sản xuất trong nước.

Về các giải pháp dài hạn nhằm tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành; Ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp…/.

Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Theo Nguyên Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên