MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nhà đầu tư điện mặt trời lo tiến độ để hưởng mức giá bán điện mới

Nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư băn khoăn, lường trước những khó khăn khi khoảng thời gian thực hiện Quyết định biểu giá bán điện mặt trời mới.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) ở Việt Nam - biểu giá mới (FIT-2). Nhiều ý kiến cho rằng, đây giống như một “cơn mưa giữa lúc khô hạn”, giải quyết được mong mỏi của các nhà đầu tư về cơ chế hỗ trợ. Song vẫn còn đó những băn khoăn về thời gian của Quyết định mới này, cũng như những quy định, hướng dẫn cụ thể trong để triển khai.

Theo Quyết định số 13, các dự án ĐMT nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, và có ngày vận hành thương mại của dự án, hoặc một phần của dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 có giá mua ĐMT trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh (tương đương 1.644 đồng).

Còn giá ĐMT nổi trên mặt nước là 7,69 US cent (tương đương 1.783 đồng), ĐMT mái nhà là 8,38 US cent/kWh (tương đương 1.943 đồng). Các mức giá này đều thấp hơn giá mua điện 9,35 US cent/kWh trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4/2017.

Nhiều nhà đầu tư điện mặt trời lo tiến độ để hưởng mức giá bán điện mới - Ảnh 1.
.

Bà Trần Hương Thảo, Trưởng đại diện chi nhánh Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK Khu vực miền Bắc) cho rằng, Quyết định mới đây của Thủ tướng ban hành giá FIT 2 đối với ĐMT như là một “cơn mưa giữa lúc khô hạn” của ngành ĐMT.

“Thực tế trong giai đoạn đầu, sau khi kết thúc FIT 1 ngày 30/6/2019 nhưng chưa có giá FIT 2 mới áp dụng, các hộ gia đình đầu tư ĐMT áp mái cũng có đôi chút ảnh hưởng. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó khi nhiều người dân đầu tư đã được ghi nhận, được nhận tiền do EVN thanh toán lại, coi như một món tiền tiết kiệm nên việc đầu tư ĐMT quy mô hộ gia đình gần như không ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng đối với những đơn vị đầu tư lớn hơn có công suất dưới 1 MWp dạng Rooftop nhằm mục đích bán điện cho EVN lại bị ảnh hưởng lướn. Vì thế, khi có chính sách này ra đời, chắc chắn nhóm đối tượng này sẽ phát triển rất mạnh mẽ”, bà Thảo nói.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Quyết định mới của Chính phủ mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Quyết định này có hiệu lực từ 22/5/2020, đến ngày 1/1/2021 chỉ còn trên 7 tháng để triển khai các thủ tục đầu tư và xây dựng các dự án. Đây có lẽ cũng là thời gian khả thi đối với các dự án ĐMT.

Tuy nhiên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, thứ nhất là cơ chế này chỉ áp dụng với “dự án ĐMT nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019”. Tính đến cuối tháng 11/2019, đã có tổng công suất 10.300 MW được bổ sung vào quy hoạch điện các cấp, nếu trừ đi các nhà máy ĐMT đã vào vận hành trước ngày 30/6/2019 (tổng công suất khoảng 4.400 MW), sẽ còn lại dưới 6.000 MW phải chạy đua với thời gian để kịp thời hạn.

Mặt khác, công suất các dự án ĐMT đã trình xin bổ sung quy hoạch là 25.000 MW (tính đến cuối tháng 6/2019), như vậy sẽ còn gần 15.000 MW phải chờ đến khi nào cơ chế đấu thầu được ban hành mới có thể thực hiện.

Thứ hai, các dự án ĐMT hiện nay tập trung mật độ cao tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đang gây quá tải và nghẽn mạch các đường dây truyền tải. Từ nay đến cuối năm 2020, các trạm và đường dây truyền tải tại các khu vực này khó có thể vào kịp để giải tỏa thêm gần 6.000 MW nguồn ĐMT.

Ngoài ra, còn chưa tính đến khoảng 1.000 MW điện gió tại khu vực Nam Trung bộ (chủ yếu là Ninh Thuận, Bình Thuận) và 1.190 MW điện gió khu vực Tây Nguyên trong tổng 4.800 MW điện gió đã được bổ sung quy hoạch.

Với các điều kiện thuận lợi nhất về đấu nối, những dự án ĐMT có suất đầu tư khoảng1.000 USD/kW, nằm ở vùng có bức xạ cao mới có mức chi phí hoàn vốn. Còn đối với ĐMT nổi trên mặt nước, giá FIT cao hơn khoảng 8.5% và theo thống kê hiện tại, suất đầu tư của ĐMT nổi cao hơn điện mặt trời mặt đất khoảng 16%.

“Cơ chế FIT 2 mới cũng chưa thực sự hỗ trợ cho ĐMT nổi, trong khi loại hình này cũng có nhiều ưu điểm hơn ĐMT mặt đất về việc tránh chiếm dụng mặt đất, tận dụng được hạ tầng lưới của công trình thủy điện và vận hành điều hòa với nhà máy thủy điện. Đây là một thách thức lớn đối với các dự án ĐMT trong điều kiện hiện nay, cả về thời gian được áp dụng giá khuyến khích và mức giá khuyến khích…”, Hiệp hội Năng lượng nhận định.

Theo ông Lê Vĩnh, nhà đầu tư ĐMT Vĩnh Hảo 6, mức giá FIT 2 được đưa vào như một hình thức chạy theo các nhà đầu tư, các dự án. Thời gian tới, cần có một cơ chế dài hơi hơn bởi với thời gian còn lại ngắn như vậy, với số lượng các dự án đầu tư còn nhiều, không biết rằng, EVN và các Bộ, ngành sẽ phải chạy theo câu chuyện giải tỏa công suất như thế nào.

Còn theo ông Phan Đình Nam, Giám đốc Công ty CP Solartech, với thời gian quá ngắn, thực tế với độ trễ của các đơn vị chỉ còn tối đa 5-6 tháng, trong khi đến năm sau chưa biết giá điện tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Giám đốc Công ty Vĩnh Thái - ông Lê Minh cho hay, thực sự FIT 2 có thời gian  ngắn. “Với giá điện áp mái, sẽ có rất nhiều người lao vào làm, các nhà cung cấp cũng vậy, chen chân nhau để làm sẽ khiến thị trường hỗn độn, bát nháo và khi đó, rất nhiều doanh nghiệp sẽ xác định rằng chỉ làm 1, 2 năm xong rời khỏi thị trường. Như vậy kéo theo dịch vụ hậu mãi, chăm sóc không được tốt, tạo một ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng”.

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cũng nhận định rằng, Quyết định 13 mới đây hiện vẫn còn chưa rõ, chưa có các quy định, thông tư hướng dẫn đi kèm về việc mở ra cho bên thứ 3 mua điện thế nào hay quy định khi lắp đặt điện mặt trời tại các công trình, hàng rào kỹ thuật vẫn còn chưa rõ ràng…/.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên