MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều rào cản phát triển nhà ở xã hội

11-02-2023 - 06:43 AM | Bất động sản

Vừa phải đối mặt với thủ tục nhiêu khê, vừa bị khống chế lợi nhuận nên không mấy chủ đầu tư mặn mà với xây nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, với khoảng 155.800 căn. Con số này quá khiêm tốn so với nhu cầu của các địa phương về nhà ở dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện đang dư thừa số lượng lớn các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà hạng sang, còn nguồn cung nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang thiếu trầm trọng.

Nghịch lý này diễn ra trong bối cảnh hiện có rất nhiều rào cản khiến nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ lâm cảnh khan hiếm như thiếu nguồn lực, các cơ chế chính sách pháp luật chưa được khơi thông, chưa phù hợp với điều kiện thực tế khiến các chủ đầu tư không mặn mà với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá rẻ…

Nhiều rào cản phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Phần diện tích đang bỏ không của một khu nhà ở xã hội.

The ghi nhân của phóng viên VTV, một khu nhà ở xã hội đã đi vào hoạt động 2 năm nay nhưng những phần diện tích đang bỏ không chiếm 20% dự án và theo quy định chủ đầu tư phải dành ra để cho thuê, sau 5 năm mới được bán.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Liên danh Handico - Vigracera cho biết: "20% người được thuê thì chủ đầu tư quản lý diện tích 20% đấy phải sau 5 năm mới được bán. Việc chậm thu hồi vốn cũng ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án. Đối tượng mua nhà ở xã hội hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã muốn mua, nhưng vì quy định những đối tượng chính sách là cá nhân mới được mua nhà cũng là một cái đang vướng".

Trình tự thủ tục pháp lý còn quá phức tạp, số lượng thủ tục đầu tư nhà ở xã hội nhiều hơn so với nhà ở thương mại. Đặc biệt, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận. Vừa phải đối mặt với thủ tục nhiêu khê, vừa bị khống chế lợi nhuận nên không mấy chủ đầu tư mặn mà với xây nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để được miễn; các đối tượng mua nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định... Việc xác định giá trước khi bán, cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định.

Hiện có quá nhiều những quy định trong Luật Nhà ở hiện hành không còn phù hợp với tình hình thực tế, không hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư, mà trái lại còn gây rắc rối nhiêu khê, kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Sẽ xây 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến 2030

Quá trình phát triển nhà ở xã hội thời gian qua cho thấy còn quá nhiều bất cập vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này, đặc biệt là vấn đề rắc rối thủ tục hành chính. Trong khi đó, nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, nhà cho công nhân khu công nghiệp từ nay tới năm 2030 lên tới 2.600.000 căn.

Để đáp ứng nhu cầu thiết yếu này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó mục tiêu đặt ra sẽ đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp từ nay đến 2030.

Khơi thông cho nhà ở xã hội

1 triệu căn nhà ở xã hội là thách thức rất lớn, nhưng cũng sẽ là áp lực để các bộ, ngành địa phương triển khai các giải pháp mạnh mẽ, khơi thông các nguồn lực đất đai, tài chính, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về nhà ở, qua đó góp phần tăng nguồn cung, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Nhiều địa phương thời gian qua đã có giải pháp ưu tiên dành quỹ đất - một nguồn lực lâu nay cũng là điểm nghẽn cho phát triển nhà ở xã hội. Như tại Hà Nội đã xác định 5 khu vực với hơn 200 ha tại 4 quận, huyện để hình thành khu nhà ở xã hội tập trung với khoảng 38.000 căn hộ.

Còn TP Hồ Chí Minh cũng có 20 khu đất được quy hoạch nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, có tổng diện tích hơn 38 ha. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi được chỉ ra vẫn là việc phải khơi thông các cơ chế chính sách pháp luật, sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tế.

"Chúng ta có những tổ chức xã hội tổ chức công đoàn hoàn toàn có thể là những chủ thể có thể đầu tư nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người lao động và có nhiều chủ thể khác nữa thậm chí có nhiều tổ chức doanh nghiệp có vốn kinh doanh nước ngoài hoàn toàn có thể tham gia thị trường này. Cho nên chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải huy động được nhiều nguồn lực của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cùng giải quyết", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Nhiều rào cản phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đến nay cả nước mới hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, với khoảng 155.800 căn. Ảnh minh họa.

Từ nay đến 2030 sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi huy động được một nguồn lực tài chính đủ lớn. Đặc biệt là phải có chính sách ưu đãi hợp lý, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Bên cạnh cái giải pháp đồng bộ và sự tham gia của tất cả các hệ thống chính trị từ địa phương đến trung ương, với các ngành cũng cần phải nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật Nhà ở để làm sao có cơ chế thúc đẩy. Nếu không sửa luật nhà ở thì cũng không thể hoàn thiện, không thể làm sao mà đạt được cái mục tiêu 1.000.000 căn như Thủ tướng Chính phủ đã giao".

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến công khai, rộng rãi và sẽ nhanh chóng tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với thực tế nhằm giúp cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội tới đây sẽ nhanh gọn hơn.

Đã gọi là nhà ở xã hội lợi nhuận kinh tế không phải là mục đích quan trọng hàng đầu, mà sự an cư của mỗi công dân, mỗi công nhân, người lao động mới là mục t tiêu cao nhất, cần sự ưu tiên và các điều kiện.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên