MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn những nghĩa cử dịp Covid-19: Cho đi là bí quyết của thành công!

02-04-2020 - 12:32 PM | Doanh nghiệp

Mọi sự cho đi chỉ có thể diễn ra nếu đó cũng đồng thời là sự nhận lại.

Những ngày này, khi cả nước đang chung tay cùng nhau hưởng ứng lời kêu gọi "hãy đứng yên khi tổ quốc cần", thì lượng người ngồi nhà, làm việc, xem tin tức, và cả bồi bổ thêm kiến thức cho mình qua những trang sách lại càng nhiều.

Một trong những mẩu truyện để lại nhiều ấn tượng trong những ngày qua là câu chuyện về người bán bơ. Chuyện kể rằng, ở một làng nọ, có một người nông dân thường xuyên bán bơ cho người thợ làm bánh. Một ngày, người thợ làm bánh quyết định cân lại số bơ anh ta mua để kiểm tra xem liệu người nông dân có bán chính xác khối lượng bơ anh ta yêu cầu hay không. Và bất ngờ anh ta đã phát hiện ra khối lượng bơ không như thỏa thuận thực tế và quyết định kiện người nông dân.

Quan tòa hỏi người nông dân tại sao anh lại cân thiếu bơ cho người ta? 

Người nông dân trả lời rằng: "Thưa ngài, tôi không có dụng cụ đo lường chính xác nào cả, nhưng tôi có thứ để có thể biết được khối lượng bơ".

"Vậy anh đã cân bơ bằng cách nào?" – quan tòa hỏi lại.

"Thưa ngài, mỗi ngày tôi cũng đặt mua 1 cân bánh mỳ của người làm bánh. Khi anh thợ làm bánh mua bơ của tôi, tôi đặt nó lên bàn cân và đưa lại cho anh ta số bơ có trọng lượng đúng bằng bánh mỳ. Nếu ai đó gian lận, thì đó chính là anh làm bánh".

Một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng mang lại bài học sâu sắc: Bạn sẽ nhận lại những gì bạn cho đi.

Những ngày dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đây đó chúng ta cũng nghe thêm được nhiều chuyện. Chuyện về một bà chủ ở Bình Dương sẵn sàng miễn 2 tháng tiền thuê nhà cho gần 400 công nhân đang ở trọ trong dãy 80 phòng trọ của bà. Bà là Đoàn Thùy Dương - một người phụ nữ nhìn vẻ ngoài chất phác. Bà đã đi thăm hỏi, động viên các công nhân đang ở trọ, giúp đỡ họ lúc khó khăn khi dịch bệnh diễn ra.

Những điều bà Đoàn Thùy Dương nhận về, hiện tại chắc hẳn chỉ là những giọt nước mắt vui mừng, cảm kích của những người công nhân nghèo khổ, nhưng trên hết, là sự bình tâm trong chính bà.

Ở một nơi nào đó khác, lại thấy cảnh hàng loạt công nhân, người lao động chấp nhận trả phòng khăn gói về quê vì không trả được tiền nhà, không trụ được lại khi không có việc làm. Một điều có thể nhận thấy, khi dịch bệnh qua đi, những người công nhân, những người lao động lại quay trở lại thành phố, khu công nghiệp và tiếp tục tìm phòng trọ. Nhưng những căn phòng họ vừa rời đi có thể khó có thể lấp đầy trở lại, đó là những gì chủ nhà nhận về.

Ở đâu đó tại một khu đô thị, cư dân đang vui mừng khi chủ đầu tư quyết định lắp vô số phòng khử khuẩn toàn thân tại tất cả các cửa ngõ vào khu vực, các tòa nhà và tặng cho một số đơn vị quanh khu vực. Nơi đó, ngay từ những ngày đầu có dịch chủ đầu tư đã thực hiện công tác vệ sinh, khuyến cáo cư dân đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn....Tất cả cùng chung tay chống dịch thì ít nhất cư dân nơi đó thấy yên tâm hơn khi trở về nhà sau một ngày vất vả, vẫn thấy yên tâm hơn khi con cháu được sống và vui chơi trong môi trường an toàn nhất có thể.

Quay trở lại với anh bán bánh mỳ đầu câu chuyện. Nếu anh làm bánh là người trung thực, bán hàng bằng cái tâm, chắc chắn số bơ anh nhận về là đúng. Nhưng nếu anh không trung thực, cái anh nhận về còn thiệt hại hơn rất nhiều.

Có một nghịch lý, chúng ta luôn nói "bí quyết của thành công chính là cho đi" – đó cũng là một trong những quy luật được đúc rút trong cuốn sách nổi tiếng "Người dám cho đi". Tuy vậy, nếu đọc kỹ, bạn sẽ nhận thấy, Joe, nhân vật chính trong truyện cũng đã rút ra được một quy luật khác khi nói chuyện với Pindar – người được gọi là Chủ tịch trong cuốn sách ấy là "mọi sự cho đi chỉ có thể diễn ra nếu đó cũng đồng thời là sự nhận lại".

Theo đó, Joe cho rằng "Tất cả sự cho đi trong thế giới này đều không mang lại thành công, cũng chẳng đem đến kết quả mong đợi, trừ khi bạn cũng biết tự cải tạo chính bản thân mình để nhận lấy một cách xứng đáng. Bởi vì nếu bạn không biết cách nhận từ người khác nghĩa là bạn đang từ chối quà tặng từ họ, vô tình bạn đã làm nên con đê chặn mất dòng chảy".

Cho đi – nhận lại – quy luật đó không hẳn ai cũng áp dụng được, cũng không hẳn được tách rời. Những ngày gần đây, nhiều người nhắc đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng với việc thuê nguyên chiếc máy bay thân rộng 787 Dreamliner để đưa công dân Ukraine đang kẹt tại Việt Nam về nước và đón công dân Việt Nam từ Uckraine trở về quê hương.

Theo thông tin, đây là chuyến bay nhân đạo, "trả nghĩa" cho Ukraine khi đây chính là nơi tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng gây dựng sự nghiệp, đây cũng chính là chuyến bay nhân đạo đưa những người Việt còn mắc kẹt tại Ukraine trở về nước.

Cũng trong những ngày này, khi loạt các trường học phải đóng cửa vì dịch bệnh, trong khi vô số trường đang đứng trước khó khăn do không có nguồn thu trong khi chi phí các loại vẫn phải trả, thì thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie vừa có thư ngỏ với thông tin chính là nhà trường sẽ "không thu bất kỳ khoản phí nào trong thời gian học sinh không đến trường để phòng, chống dịch (từ 3/2 đến 15/4), kể cả việc học online". Cùng với đó là lời kêu gọi mọi người chung tay nhắn tin tới tổng đài 1407 với cú pháp CV n nhằm quyên góp cho "Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19".

Thầy Khang cũng khiến nhiều người, đặc biệt là các giáo viên trong trường ngạc nhiên, yên tâm hơn khi tuyên bố trả 100% tiền lương cho giáo viên mùa dịch Covid-19. "Quý vị hãy yên tâm, tôi vẫn lo được cho đời sống của các thầy cô giáo và nhân viên trong trường" là lời nhắn trong thư ngỏ của thầy Khang.

Cũng vậy, trong quyển sách "Người dám cho đi", Joe đã rút ra kết luận "Bí quyết của thành công, để giành được, để đạt được chính là phải cho đi, cho đi và cho đi. Bí quyết để giành lấy chính là cho đi. Và bí quyết của cho đi chính là bản thân phải mở lòng để sẵn sàng nhận lấy".

Nhìn những nghĩa cử dịp Covid-19: Cho đi là bí quyết của thành công! - Ảnh 1.

Phương Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên