MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn từ vụ Uber chấm dứt hoạt động tại Việt Nam: Công việc có trở nên bấp bênh hơn thời cách mạng 4.0?

Nhiều người đã bỏ việc, mua xe để tham gia mạng lưới của Uber. Nhưng khi hãng này không còn hoạt động ở Việt Nam, họ bỗng trở nên bơ vơ.

Cách hiểu sai lệch về kinh tế chia sẻ

Ngay trước khi chấm dứt hoạt động, nhiều đối tác của Uber đã diễn hành trên phố. Trong không khí tiếc nuối đó, một số người chia sẻ nỗi niềm bơ vơ khi chưa biết làm công việc gì tiếp theo. Chiếc ô tô có thể cũng sẽ được bán để cắt lỗ. Trước đó, họ bật ứng dụng vào mỗi sáng, chạy theo những con đường được hiển thị trên chiếc điện thoại. Trong gần 4 năm, nhờ có công nghệ, kinh tế chia sẻ đã trở nên quen thuộc theo cách rất tự nhiên.

"Mục đích cao nhất của Uber, Grab là tận dụng xe nhàn rỗi. Nhưng câu chuyện đã không còn như vậy. Nhiều người bỏ việc, mua ô tô mới để trở thành lái xe. Hình ảnh một người có chiếc xe không dùng tới, tự lái xe chở người khác đi cùng rồi nhận lại chút tiền đã mất. Họ đã không còn đẹp như hình ảnh ban đầu" – ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói.

Cách hiểu chưa thấu đáo của các "đối tác" đã dẫn đến sự phát triển nóng nhưng lệch lạc của kinh tế chia sẻ mà Uber hay Grab là đại diện. Trong khi đó, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ. Sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực mới là mục đích hướng đến của mô hình này thay vì bỏ dở công việc, mua sắm phương tiện và trở thành người lái xe.

Xu hướng phân cực sẽ diễn ra mạnh mẽ trên thị trường lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, quy mô lực lượng lao động sẽ lên đến 62,638 triệu người vào năm 2025. Nhu cầu lao động tại thời điểm này sẽ đạt 61,141 triệu việc làm. Do đó, tất yếu xảy ra tình trạng thiếu việc làm. Đồng thời, việc thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển dịch, thay thế lao động như đã và đang diễn ra trong ngành vận tải sẽ gây xáo trộn mạnh trên thị trường lao động.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam nhận định, người lao động đang gặp phải một thách thức rất lớn. Cách mạng 4.0 vừa làm một số công việc biến mất nhưng cũng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới. Đó là bối cảnh phức tạp mà cá nhân người lao động phải đối mặt để ứng phó với sự thay đổi.

Nhìn từ vụ Uber chấm dứt hoạt động tại Việt Nam: Công việc có trở nên bấp bênh hơn thời cách mạng 4.0?  - Ảnh 1.

Sophia, robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới.

Thực tế, máy móc đã thay thế con người trong nhiều công việc. Ả Rập Xê Út cũng đã cấp quyền công dân cho một robot. Xe tự lái của nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã bước vào giai đoạn thử nghiệm. Nếu thành công, tiết kiệm nhân lực và giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông là lợi ích hiển hiện. Việc đưa ra các lập luận liên quan đến pháp lý có thể chỉ là sự hòa hoãn của doanh nghiệp, trong khi mỗi người lao động cần tự làm mới mình để thích ứng nhanh hơn.

Theo nghiên cứu của Viện khoa học Lao động xã hội, 2/3 người lao động đang thiếu kỹ năng về lao động và kỹ thuật. 55% số doanh nghiệp được khảo sát cũng cho rằng, tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao là khó khăn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã trở thành yếu tố sống còn của nền kinh tế.

Từ góc độ của người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Software cho rằng, giá thành mỗi robot sẽ giảm còn 1/10 sau 3 năm nữa. Cụ thể, một robot may có giá 200.000 USD hiện nay, sẽ chỉ còn 20.000-30.000 USD vào năm 2020. Không công nhân giá rẻ nào có thể cạnh tranh được vì robot hoạt động 24/7 không cần nghỉ ngơi.

Như vậy, xu hướng phân cực sẽ diễn ra ngày một mạnh mẽ trong thị trường lao động. Máy móc sẽ thay thế con người trong những công việc giản đơn. Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) cảnh báo rằng, khoảng 66 triệu người lao động trên toàn cầu có thể phải nhường công việc cho máy móc.

Mặc dù vậy, ông Tiến khẳng định, xe tự lái vẫn chưa thể thay thế những tài xế tại Việt Nam trong tương lai gần. Nhưng sự phức tạp của giao thông cũng chính là một cơ hội cho người lao động. "Nếu có thể viết được phần mềm để xe tự lái tham gia giao thông an toàn ở Việt Nam thì chúng ta có thể bán sản phẩm này trên toàn thế giới" – ông Hoàng Nam Tiến nói.

Trước ngày 09/4, không ít người đã đã tận dụng công nghệ để có thêm thu nhập từ phương tiện nhàn rỗi. Nhưng cũng có nhiều người đã bỏ việc, mua xe để tham gia mạng lưới của Uber.

Một đối tác từng chia sẻ: "Lúc đó không nghĩ nhiều. Biết thế nào được. Cứ làm đã".

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên