NHNN xem xét tiếp tục lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Ảnh minh họa
Thông tin này được đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN chia sẻ tại Hội thảo về xử lý nợ xấu ngày 24/11.
- 25-11-2021Lộ diện "room" tín dụng cấp thêm cho 11 ngân hàng: TPBank cao nhất; MB, MSB cũng được nới mạnh
- 25-11-2021Vì sao tỷ lệ bao phủ nợ xấu nhiều ngân hàng đột ngột giảm mạnh?
Chia sẻ tại hội thảo với chủ đề "Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID - 19 và hoàn thiện chính sách pháp luật" do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 24/11, ông Lê Trung Kiên, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết NHNN đang nghiên cứu, xem xét việc lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Trước đó, NHNN cho lùi 1 năm lộ trình áp dụng tỷ lệ "tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn".
Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỉ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.
"Với tình hình hiện nay, nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng Thông tư trên 1 năm nữa để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng" - đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN nói.
Cũng theo thông tin do ông Lê Trung Kiên cung cấp, trong giai đoạn triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, sự ra đời của Nghị quyết 42 đã đóng góp nhiều kết quả trong xử lý nợ xấu: Nợ xấu giảm từ 1,99% cuối năm 2017 xuống 1,91% năm 2018, 1,63% năm 2019. Tuy nhiên đến năm 2020 con số này tăng trở lại lên 1,69%, và cuối tháng 9/2021 là 1,9%, gần như trở lại ban đầu của năm 2017 – trước khi có NQ 42. "Từ đó có thể thấy tác động ghê gớm của đại dịch tới các tổ chức tín dụng như thế nào", ông Kiên nói.