"Nhỏ mà có võ" như iVIVU: Nền tảng du lịch thuần Việt đã làm gì để tăng 50% doanh thu so với trước dịch, bất chấp sức ép từ đối thủ ngoại Traveloka, Agoda, Booking?
Trên một thị trường trị giá 9 tỷ USD phần lớn đang thuộc về những thương hiệu quốc tế như Traveloka, Booking, Agoda…, một nền tảng Việt Nam đã làm gì để doanh thu đều đặn tăng gấp đôi sau mỗi năm và hồi phục nhanh chóng sau đại dịch?
Lối đi nào cho các nền tảng du lịch nội địa?
Theo dự báo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng khách du lịch trực tuyến tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 24 triệu người vào năm 2025, tăng 25% so với năm 2020. Một số liệu khác từ Google và Temasek cho biết quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam dự kiến lên tới 9 tỷ USD vào năm 2025.
Trên một thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài lại tỏ ra lấn át các thương hiệu nội địa. Theo bảng xếp hạng OTA được yêu thích nhất Việt Nam quý 1/2023 do The Outbox Company công bố, 5 vị trí dẫn đầu đều thuộc về những cái tên nước ngoài, lần lượt là Traveloka, Booking.com, Agoda, Expedia và Trip.com.
Hồi cuối năm 2017, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết các OTA nước ngoài đang chiếm tới 80% thị phần. Nhiều lý do được đưa ra, bao gồm việc các OTA ngoại thường có nhiều kinh nghiệm hơn về giao dịch trực tuyến, hoạt động trên quy mô toàn cầu, tiềm lực tài chính tốt…
Mặc dù vậy, các OTA trong nước vẫn có thể tìm lối đi riêng trong bối cảnh ngành du lịch không ngừng phát triển, biến đổi và đa dạng hóa theo thời gian. Trả lời chúng tôi về vấn đề cạnh tranh với các OTA nước ngoài, ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc CTCP iVIVU.com cho biết mô hình của họ có khá nhiều khác biệt.
“iVIVU.com không phục vụ tất cả khách hàng với mọi loại sản phẩm, dịch vụ du lịch ở nhiều phân khúc. Chúng tôi lựa chọn chỉ tập trung vào phân khúc khách hàng trung và cao cấp, với những sản phẩm khách sạn 4-5 sao.
Hướng đi này giúp chúng tôi hoạt động hiệu quả và tập trung hơn, mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn bởi họ không phải “bơi” giữa hàng trăm ngàn sản phẩm khác nhau, dễ dàng tìm thấy thứ phù hợp cho mình.
Vì vậy, có thể nói trong kinh doanh sẽ có cạnh tranh nhưng iVIVU.com không ở thế đối đầu. Chúng tôi chọn phân khúc để phục vụ và làm tốt thay vì cố gắng đáp ứng nhu cầu của toàn thị trường”, ông Công phân tích.
Doanh thu tăng 50% so với trước dịch, đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu khách trong và ngoài nước
iVIVU.com là nền tảng du lịch trực tuyến thuộc Tập đoàn Thiên Minh (TMG) - doanh nghiệp sở hữu 16 thương hiệu trong ngành du lịch, khách sạn, trực tuyến và hàng không đã tồn tại 30 năm trên thị trường. Ra mắt từ năm 2014, iVIVU hiện đã xây dựng được hệ sinh thái bao gồm mọi dịch vụ du khách cần như combo du lịch, khách sạn, tour, vé máy bay, xe, vé vui chơi giải trí… Hệ thống của iVIVU gồm hơn 30.000 khách sạn, gần 10.000 điểm vui chơi ở cả Việt Nam và quốc tế.
Trước đại dịch, mỗi năm doanh thu của iVIVU đều tăng gấp đôi so với năm trước đó. Được biết, thời điểm năm 2019 doanh thu công ty đạt 470 tỷ đồng và có lãi.
Sau Covid-19, iVIVU cũng hồi phục nhanh chóng với doanh thu năm 2023 tăng trưởng 50% so với trước dịch, ước tính chiếm 20% thị phần du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam. Sản phẩm chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất là combo du lịch. Tới nay, công ty đã phục vụ khoảng 600.000 khách Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước.
Kể từ sau dịch, thói quen du lịch của người Việt đã thay đổi đáng kể: đề cao trải nghiệm, quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, môi trường, sức khỏe… Điều này khiến việc cá nhân hóa trải nghiệm từng khách hàng trở nên thiết yếu để có thể đáp ứng những nhu cầu đa dạng.
Nhanh chóng nhận ra xu hướng này, iVIVU dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm “Bespoke Journey”, nhằm tạo ra hành trình mang đậm dấu ấn cá nhân cho khách hàng. Mục tiêu hướng đến là những nhóm khách 6-12 người. Đội ngũ chuyên gia du lịch của iVIVU sẽ kết hợp với các KOC và hướng dẫn viên địa phương để tạo khung chương trình ban đầu. Sau đó, mỗi chuyến đi sẽ được tinh chỉnh theo sở thích và yêu cầu cụ thể của khách.
“Bespoke Journey sẽ là một bước tiến mới về sản phẩm du lịch cho người Việt, đồng thời là cơ hội để iVIVU mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, kết hợp với các văn phòng của Tập đoàn Thiên Minh ở châu Âu và châu Á để phục vụ không chỉ du khách Việt, mà còn là khách hàng trên khắp thế giới. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu khách trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Trung Công chia sẻ.
Dự báo về thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam, giới chuyên gia cho biết trước những tiềm năng to lớn, các doanh nghiệp mới có thể sẽ gia nhập cùng với nhiều sản phẩm mới xuất hiện, đem lại sự đa dạng và tăng tính cạnh tranh trong ngành. Vì vậy, các công ty buộc phải phát triển những sản phẩm đúng “insight” khách hàng, tìm cách giảm chi phi và tiến hành các chiến lược tiếp thị hiệu quả.
An ninh tiền tệ
Sự kiện: Doanh nghiệp chuyển mình
Xem tất cả >>- Bỏ việc ngân hàng để khởi nghiệp, xây nên tài sản triệu USD rồi vỡ nợ 30 tỷ đồng: Bài học từ CEO 9X trở về từ bờ vực phá sản
- Một hãng bia đánh bại "rào cản nồng độ cồn", tăng trưởng ngược sóng tới 8%, đẩy mạnh tiếp thị bán hàng giữa bối cảnh lo ngại "ngày tàn của bia rượu"
- Founder startup bán bánh chưng đắt nhất Việt Nam: "Đưa sản phẩm xuất ngoại không phải mong muốn quá mơ mộng"
- Startup biến bã bia thành đũa, thìa, ống hút muốn tăng quy mô lên gấp 10 lần trong năm 2024
- Ông chủ ...Ka Coffee bày kế giúp các quán cà phê Việt "đấu" lại chuỗi ngoại: Có tiền cũng không mua được ngay, rất khó làm giả