MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm bệnh ung thư đang gia tăng: Bác sĩ người Việt tại Nhật chỉ 5 bước phòng ngừa hiệu quả

30-05-2022 - 17:13 PM | Sống

Ung thư đường tiêu hoá là một trong những nhóm bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa trong những năm gần đây.

Các dấu hiệu thời kỳ đầu của ung thư đường tiêu hóa thường mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Do đó, khi phát hiện, bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị, rút ngắn thời gian sống của người bệnh.

Để hiểu rõ hơn về ung thư đường tiêu hóa, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh, chương trình Chuyện khó có bác sĩ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với TS.BS Phạm Nguyên Quý, bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản; Người đồng sáng lập - Trưởng dự án  Y học cộng đồng để cùng bàn luận về chủ đề “Vì sao ung thư đường tiêu hoá gia tăng? Làm thế nào phát hiện, phòng ngừa?”. 

Kính mời quý độc giả đón xem chương trình!

Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:

Nhóm bệnh ung thư đang gia tăng và trẻ hoá

Hỏi: Bác sĩ nhận thấy tình trạng ung thư đường tiêu hoá đang diễn ra như thế nào tại nước ta?

Đáp: Hiện nay, trong nước ghi nhận ngày càng nhiều các ca mắc mới được chẩn đoán mắc ung thư đường tiêu hóa. Độ tuổi phát hiện bệnh ở Việt Nam đang có xu hướng ngày càng trẻ hơn.

Độ tuổi phát hiện ung thư đường tiêu hóa ở Nhật thường là trên 40 - 50 tuổi nhưng ở Việt Nam độ tuổi phát hiện ung thư đường tiêu hóa có thể trẻ hơn từ 5 - 7 năm.

Hỏi: Các căn bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất ở nước ta gồm những bệnh nào?

Đáp: Theo GLOBOCAN, trong 5 năm vừa qua, các căn bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất bao gồm ung thư đại tràng, ung thư dạ dày. Ngoài ra, ung thư vòm họng là căn bệnh ung thư xếp thứ 9 trong các căn bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến.

Hỏi: Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa?

Đáp: Mỗi loại ung thư sẽ có một yếu tố nguy cơ khác nhau. Cụ thể như sau:

- Yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày:

+ Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) - một loại vi khuẩn sống trong dạ dày và gây ra tình trạng viêm dạ dày. Do vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày liên tục, làm tăng tần suất tái tạo niêm mạc dạ dày nên vô tình làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

+ Hút thuốc lá, ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

- Yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng:

+ Ăn nhiều thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói...

+ Hút thuốc lá, uống rượu bia

+ Thừa cân, béo phì

+ Yếu tố di truyền: Hội chứng Lynch làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

+ Lối sống ít vận động.

Có một số yếu tố nguy cơ có thể chủ động loại bỏ, tuy nhiên cũng có một số yếu tố nguy cơ không thể nào loại bỏ được ví dụ như di truyền, lão hóa do tuổi tác tăng cao.

Hỏi: Tại sao tình trạng ung thư đường tiêu hoá ngày càng gia tăng và trẻ hoá?

Đáp: Tình trạng gia tăng các ca mắc ung thư có thể đến từ nhiều nguyên nhân:

- Do ý thức người dân tăng cao, chủ động đi thăm khám và phát hiện bệnh sớm.

- Do lối sống của người trẻ thay đổi quá nhiều, ít vận động, ăn ít rau, ăn nhiều thịt, uống nhiều rượu bia, tăng cân, béo phì,...

Dấu hiệu cảnh báo ung thư - Rất dễ nhầm lẫn

Hỏi: Làm thế nào để nhận biết và phân biệt ung thư dạ dày với các bệnh dạ dày thông thường?

Đáp: Ung thư dạ dày phần lớn là không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Khi ung thư tiến triển cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng dù những triệu chứng này không đặc hiệu, bao gồm:

- Đau bụng, khó chịu.

- Nóng ngực.

- Buồn nôn.

- Chán ăn.

- Tắc ruột, táo bón lâu ngày.

- Sụt cân.

Đối với hầu hết bệnh nhân ở độ tuổi 30 - 40, đây chỉ là dấu hiệu của các bệnh dạ dày thông thường ví dụ như viêm - loét dạ dày. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần đi khám khi có dấu hiệu bất thường để biết chắc nguyên nhân gây ra triệu chứng.

Nhóm bệnh ung thư đang gia tăng: Bác sĩ người Việt tại Nhật chỉ 5 bước phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Dấu hiệu của ung thư dạ dày rất giống với dấu hiệu của các bệnh dạ dày thông thường.

Hỏi: Dấu hiệu của ung thư đại tràng là gì? 

Đáp: Cũng giống như ung thư dạ dày, đại tràng là cơ quan nội tạng rỗng, khi tế bào ung thư mới xuất hiện ở niêm mạc của đại tràng, người bệnh thường không có triệu chứng.

Khi ung thư tiến triển, cơ thể mới xuất hiện một số triệu chứng như:

- Đi cầu ra máu, phân đen, hình dáng phân bị thay đổi, phân dẹt, phân lỏng hoặc táo bón và tiêu chảy luân phiên.

- Khi khối u phát triển to hơn gây tắc nghẽn lòng đại tràng, bệnh nhân có thể có triệu chứng tắc ruột như táo bón lâu ngày, đau bụng, chướng bụng.

- Triệu chứng này có thể gây ra tình trạng chán ăn, gây sụt giảm cân nặng, thiếu máu.

- Nếu ung thư di căn gan, bệnh nhân sẽ bị đau tức bụng bên phải hoặc vàng da.

- Nếu khối u di căn phổi có thể bị khó thở, ho ra máu.

Ung thư đại tràng còn có thể làm cho phân chuyển màu đỏ hoặc đi cầu ra máu, dễ gây nhầm lẫn với bệnh trĩ, khiến người bệnh chủ quan không đi khám.

Nhóm bệnh ung thư đang gia tăng: Bác sĩ người Việt tại Nhật chỉ 5 bước phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Ung thư đại tràng có thể làm cho phân chuyển màu đỏ hoặc đi cầu ra máu, dễ gây nhầm lẫn với bệnh trĩ.

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt các dấu hiệu của ung thư vòm họng với các triệu chứng của các bệnh hô hấp?

Đáp: Rất khó để phát hiện ung thư vòm họng nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Nhưng dưới đây là một số triệu chứng có thể cảnh báo bệnh:

- Xuất hiện hạch ở cổ.

- Nghẹt mũi, chảy máu mũi hoặc dịch mũi có máu, mất khứu giác.

- Ù tai, nghe khó.

- Triệu chứng liên quan đến thần kinh như nhìn không rõ, nhìn đôi.

Những triệu chứng trên dù không phải là triệu chứng đặc hiệu nhưng khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng này, bệnh nhân cần đi khám ngay để đảm bảo sức khỏe.

Nhóm bệnh ung thư đang gia tăng: Bác sĩ người Việt tại Nhật chỉ 5 bước phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Rất khó để phát hiện ung thư vòm họng nếu chỉ dựa vào triệu chứng.

Hỏi: Ung thư đường tiêu hóa có thể chữa khỏi được không?

Đáp: Từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 3, bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật hoặc phẫu thuật kết hợp với hóa trị bổ trợ sau mổ để giúp giảm thiểu nguy cơ tái phát và có thể giúp người bệnh chữa khỏi bệnh ung thư.

Với ung thư đường tiêu hóa giai đoạn 4 có di căn, hoặc khối u đã xâm lấn quá rộng và không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u, người bệnh vẫn có thể kéo dài sự sống bằng các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ để bệnh nhân bớt đau đớn.

Theo các số liệu ở Nhật Bản, đối với ung thư dạ dày giai đoạn 0 hoặc giai đoạn 1, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm và không tái phát bệnh lên đến 95 - 99%. Đối với ung thư đại tràng, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm là 60 - 75%.

Ung thư đường tiêu hoá - Phòng tránh thế nào?

Hỏi: Trong quá trình điều trị bệnh ung thư đường tiêu hoá, bệnh nhân cần lưu ý những điều gì?

Đáp: Trong quá trình điều trị bệnh ung thư đường tiêu hoá, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:

- Hiểu tình trạng bệnh của bản thân: giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể của bản thân, các bệnh lý nền (nếu có) để đáp ứng các phương pháp điều trị khoa học, hiệu quả.

- Hiểu rõ các phương pháp điều trị để phối hợp điều trị với bác sĩ hiệu quả.

- Chủ động tìm thêm các tư liệu về những lưu ý khi điều trị bệnh ung thư đường tiêu hóa được chia sẻ trên nhóm Y học cộng đồng để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, khoa học và duy trì lối sống lành mạnh.

Hỏi: Cần thay đổi lối sống như thế nào để phòng tránh ung thư đường tiêu hóa hiệu quả?

Đáp: Việc cắt giảm nguy cơ là điều cần thiết để phòng tránh ung thư đường tiêu hóa. Các nghiên cứu tại Nhật đã chứng minh rằng thực hiện tốt 5 điều sau có thể giảm bớt nguy cơ mắc ung thư từ 35 - 45%.

- Hạn chế tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc lá.

- Hạn chế uống nhiều rượu, bia.

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Tích cực vận động.

- Duy trì cân nặng hợp lý.

Hỏi: Đối tượng nào nên đi khám tầm soát ung thư? Khi nào thì nên đi tầm soát ung thư?

Đáp:

- Đối với ung thư dạ dày: Những người nhiễm vi khuẩn HP hoặc những người trên 40 hoặc trên 45 tuổi nên đi nội soi dạ dày 1 năm/ 1 lần để tầm soát ung thư.

- Đối với ung thư đại trực tràng: Thực hiện phương pháp xét nghiệm phân 2 lần 1 năm có thể giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng từ 25 - 35%. Độ tuổi nên đi tầm soát ung thư đại trực tràng là 40 - 45 tuổi.

Nhóm bệnh ung thư đang gia tăng: Bác sĩ người Việt tại Nhật chỉ 5 bước phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: Tầm soát ung thư là điều cần thiết.

https://soha.vn/nhom-benh-ung-thu-dang-gia-tang-bac-si-nguoi-viet-tai-nhat-chi-5-buoc-phong-ngua-hieu-qua-20220530114826801.htm

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên