MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những câu chuyện buồn tại thị trường BĐS Trung Quốc: Đặt cọc tiền 2 năm vẫn chưa có nhà, những gì nhận lại chỉ là chứng rụng tóc và mất ngủ

28-11-2023 - 09:47 AM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng nhà ở tác động rất lớn đến cuộc sống người dân.

Vụ vỡ nợ hồi năm 2021 của nhà phát triển Evergrande và hàng chục công ty cùng ngành đã mở ra một kỷ nguyên ‘mới’ cho lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Từ giới đầu tư, nhà phát triển đến người dân đại lục, tất cả đều đang phải chật vật phục hồi trong bối cảnh niềm tin thiếu hụt ngày càng gia tăng. 4 câu chuyện sau đây sẽ cho bạn thấy rõ hơn tác động của cuộc khủng hoảng này.

An Huy

Zhang, chuyên viên trang điểm 42 tuổi đến từ tỉnh An Huy, vẫn mơ ước được chuyển đến căn hộ mới cùng cha mẹ vào tháng 8. Tuy nhiên, 2 năm sau khi trả hết khoản tiền đặt cọc cho căn hộ rộng 667 m2 trị giá 80.000 USD, mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu.

“Tôi đã dùng hết tiền tiết kiệm của mình để trả tiền đặt cọc và thanh toán trước một phần cho căn hộ chưa hoàn thiện. Tôi không dám báo tin này cho bố mẹ. Nếu tôi làm vậy, họ sẽ lo phát ốm mất”, Zhang nói.

Được biết, người phụ nữ này đã làm rất nhiều công việc khác để trang trải khoản vay thế chấp cho căn hộ hiện tại, từ làm móng đến trang điểm đám cưới. Giờ đây, Zhang vô cùng hối hận vì đã xem nhẹ những tin đồn tiêu cực trước đây.

“Làm sao Evergrande có thể sụp đổ cơ chứ? Tôi mất ngủ và rụng tóc rất nhiều. Tôi không có tâm trí để nghỉ ngơi”, Zhang tâm sự.

Zhang không phải nạn nhân duy nhất bởi trong dự án này, khoảng 25% trong tổng số khoảng 200 căn hộ đã được bán.

“Mất tiền nhưng tôi không nhận lại được gì. Mọi người khuyên tôi nên kiềm chế cảm xúc của mình”, Zhang nói.

Thượng Hải

Giống như nhiều thanh niên Trung Quốc khác, Summer Wang khao khát được sở hữu một căn hộ riêng và kết hôn. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học năm 2008, gia đình nhà chồng giúp Wang thanh toán trước khoản đặt cọc 30% cho căn hộ đầu tiên. Thuận lợi vài năm, cô bán sang tay và ăn chênh lệch.

Thế nhưng, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế đòn bẩy sau sự sụp đổ của Evergrande đã khiến việc mua căn hộ mới trở nên khó khăn hơn. Người mua tiềm năng phải tham gia quay số để giành quyền mua bất động sản và chúng chỉ đặc biệt ưu tiên những cá nhân chưa có nhà. Sau bảy lần thử, Wang giành được một suất vào cuối năm ngoái: mua bất động sản mới vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Wang, nhiều người đang cố gắng đợi giá nhà giảm thêm một chút mới mua. Số khác lại chờ giá nhà tăng hơn một chút mới bán.

“Đó là những gì tôi thấy trên thị trường hiện nay, cả người bán và người mua đều đang lưỡng lự”, Wang nói.

Theo Zou Shengji, một nhà môi giới bất động sản ở Nam Xương, dư luận tiêu cực về những căn hộ lỡ dở đã khiến nhiều khách mua tiềm năng sợ hãi và lo lắng. Trong kỳ nghỉ Lễ Lao động vào đầu tháng 5, thời điểm vốn bận rộn để mua bán nhà, nhóm của ông Zou chỉ bán được chưa đến 20 căn.

Quảng Đông

Đầu bếp Gary Lai vẫn đang chờ hoàn thiện căn hộ rộng khoảng 1.000 m2 mua ở Triệu Khánh 2 năm về trước. Bất chấp bối cảnh không mấy tích cực, ông Lai vẫn vô cùng lạc quan bởi dự án này được phát triển bởi một công ty thuộc sở hữu nhà nước.

“Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và là quốc gia tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Sống ở đây sẽ rất tốt”, ông Lai nói.

Chia sẻ với FT, ông cho biết mình không có kế hoạch bán tài sản nên giá giảm mất cũng chẳng sao. “Đây có thể là thời điểm tốt nhất để mua những bất động sản mới hoàn thiện”, ông nói.

Giang Tây

Không đủ khả năng mua một căn hộ tại thành phố đông dân đắt đỏ, Emily và chồng người Anh quyết định đến tỉnh Giang Tây phía nam để chọn mua tổ ấm thuộc dự án của Evergrande. Căn hộ nằm trên tầng 14 - con số không được may mắn cho lắm vì 4 là ‘tử’.

Khi vấn đề thanh khoản tiêu cực bắt đầu gia tăng, Emily và một số người mua trong nhóm WeChat 500 thành viên đã nhanh chóng kiến nghị với chính quyền địa phương. Rất may, dự án đã được chính quyền địa phương hỗ trợ. Căn hộ của cô dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 1 năm nữa.

Được biết, cơ quan quản lý Trung Quốc đang xem xét cho phép các ngân hàng phát hành khoản vay vốn lưu động đối với một số nhà phát triển. Nếu biện pháp hỗ trợ này được thông qua, đây sẽ là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Trung Quốc nhằm bù đắp khoản vốn thiếu hụt cũng như ổn định lại ngành này.

Niu Chunbao, giám đốc quản lý quỹ tại Shanghai Wanji Asset Management, cho biết đây là cơ hội để xoa dịu nỗi lo của người mua nhà. Doanh số bán nhà tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ hồi phục sau 3 tháng áp dụng chính sách.

Việc cung cấp các khoản vay vốn lưu động có thể giúp giảm bớt những thách thức về nguồn vốn ngắn hạn, song hiện vẫn chưa rõ động thái này sẽ tác động như thế nào để khả năng thanh toán nợ.

Được biết hồi năm ngoái, Bắc Kinh và chính quyền địa phương đã tung ra nhiều biện pháp khuyến khích để thu hút người mua nhà quay trở lại, đồng thời thúc giục các ngân hàng cho vay và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn nhất của Trung Quốc khởi sắc trong 4 tháng đầu năm sau đà trượt dốc kéo dài, song đáng tiếc, quá trình phục hồi mất dần sức sống và không đồng đều.

“Trung Quốc đã xây dựng bất động sản và hỗ trợ cơ sở hạ tầng với tốc độ chóng mặt trong nhiều thập kỷ. Giờ đây, lợi nhuận đang giảm dần”, ông Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Harvard, nói.

Theo: FT, The New York Times

Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên