Những câu chuyện truyền cảm hứng sống cho các bệnh nhân đang chống chọi với ung thư suốt năm qua: Hãy lạc quan, bạn không bao giờ đơn độc!
Căn bệnh ung thư như một bóng đen bao trùm cuộc sống của những người không may mắn mắc phải nó. Nhưng vẫn có những bệnh nhân ung thư trở thành "ngọn lửa sáng" truyền cảm hứng đến cho cuộc sống này. Cách họ vượt qua quá trình điều trị dài ngày nhiều đau đớn, sợ hãi, cách họ mạnh mẽ tiếp tục sống tiếp cuộc đời tươi đẹp này chính là thông điệp ý nghĩa dành cho tất cả mọi người.
- 24-12-2018"Dù bạn là ai, ở đâu, địa vị sang hèn thế nào, nếu bên cạnh bạn có một đứa trẻ, hãy trở thành ông già Noel của chúng!"
- 23-12-2018Mẹ trẻ bị xơ gan, bận nuôi con nhỏ không đi chữa, 2 năm sau khám lại thì gan đã "vữa"
- 17-12-2018Chỉ trong 3 ngày, 2 kỳ tích ấn tượng, làm nên lịch sử sau 10 năm mòn mỏi chờ đợi này đã khiến người hâm mộ vỡ òa trong sung sướng
Chuyện về bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời: “Con muốn khi mất đi, những bộ phận vẫn sống trên cơ thể người khác”
Hải An là từng là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn, tinh nghịch. Nhưng Hải An cũng là một cô bé kiên cường và mạnh mẽ hơn tuổi thật, bởi em sớm biết rằng mình bị ung thư khi mới chỉ 5 tuổi. Nhận thấy nốt ruồi trên cơ thể con gái có dấu hiệu lạ, chị Dương (mẹ Hải An) đã đưa bé đi tầm soát ung thư và nhận về kết quả chỉ số báo hiệu ung thư có tăng.
Cho đến tháng 9/2017, các dấu hiệu rõ hơn khi em có hiện tượng đau đầu, đi đứng loạng choạng, đôi khi khó nói… Khi đó, các kết quả mới chỉ rõ em bị u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm ở trẻ em. Khối u nằm ở vị trí rất nguy hiểm nên không thể phẫu thuật, biến chứng u não đến quá nhanh nên cũng không thể xạ trị được, Hải An nhập viện vào ngày 15/1/2018 và gia đình chỉ nhận được những cái lắc đầu bất lực của các bác sĩ đầu ngành.
Chuỗi ngày đấu tranh với bệnh tật của em rất ngắn, chỉ hơn 1 tháng đôi ngày. Đó là những ngày cả Hải An, gia đình và các bác sĩ chạy đua với “tử thần” khi các triệu chứng bệnh của em nặng dần. Em bị đau đầu nhiều, liệt nửa người, liệt nhiều dây thần kinh sọ, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ) ăn qua xông, thở oxy... Nhưng chưa bao giờ em tỏ ra yếu đuối hay khóc lóc về nỗi đau mà mình đang trải qua. Thậm chí em còn sợ làm phiền bố mẹ, các bác sĩ y tá.
Cho đến những giờ phút cuối cùng, An vẫn lạc quan, dùng đôi mắt cười sáng long lanh nhìn từng người trong gia đình. Hải An từng tâm sự với mẹ: "Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác...".
Đó không phải là suy nghĩ thường thấy ở một cô bé 7 tuổi, nhưng Hải An sớm đã hiểu ý nghĩa của việc hiến tạng cho y học nhờ những lần cùng mẹ đến lớp học y khoa. Thiên thần nhỏ chia tay cuộc sống vào ngày 22/2/2018, để lại ánh sáng cho hai bệnh nhân cần ghép giác mạc.
Cả chị Dương và chắc chắn cả Hải An đều muốn được hiến tặng nhiều hơn cho y học nhưng vì chưa đủ 18 tuổi nên theo quy định, An không chỉ có thể hiến tặng giác mạc của mình. Dẫu rằng con người mất đi rồi là hết, cát bụi lại trở về với cát bụi nhưng những gì bé An để lại cho đời, chúng ta vẫn luôn tin rằng đã đem ánh sáng cho nhiều người còn sống, đó mới là giá trị.
Thủy Muối và hành trình rất đẹp của các chiến binh K: Không ai phải đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư
Trương Thanh Thủy được cộng đồng công nghệ ở Việt Nam gọi bằng nickname Thủy Muối. Cô từng được báo BBC ca ngợi là “Nữ hoàng khởi nghiệp” và được Forbes Vietnam vinh danh trong danh sách “Forbes 30 Under 30” năm 2015, “Forbes Vietnam’s 50 MostInfluential Women” năm 2017. Những tưởng mọi điều cô gái này có trong tay đều tuyệt vời, thành công và viên mãn thì đầu năm 2016, Thủy phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Bạn sẽ nói gì, làm gì khi ai đó thông báo bạn bị ung thư? Với Thủy Muối, cô chọn cách sống một lần nữa, yêu thương một lần nữa, chân tình một lần nữa với những người xung quanh. Cô không đếm ngược số ngày mình còn được sống, mà Thủy bắt đầu từ con số 0 - từ ngày đầu tiên trên chặng đường chiến đấu với ung thư.
Cô gái ấy chọn thái độ chủ động với cuộc đời của chính mình chứ không muốn bất cứ một ai định đoạt, dù đó là căn bệnh quái ác từ trên trời rơi xuống. Trong cuộc chiến với ung thư, cô gái đầy lạc quan và bản lĩnh đã thành lập một dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam có tên Salt Cancer Initiative (SCI).
Tháng 4/2017, Thủy tổ chức Hackathon đầu tiên (buổi gặp gỡ để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư) tại trường Đại học University of Southern Califonia (USC). Buổi gặp gỡ đã thu hút hơn 50 cơ quan và đại diện của các tổ chức Sức khỏe và Y tế trên toàn thế giới. Đến nay, những dự án của Thủy Muối vẫn đang vận hành và lan tỏa.
Những niềm tin và nghị lực của Muối chưa bao giờ tắt trước mọi sóng gió, truyền cảm hứng sống, nghị lực tới nhiều người cùng hoàn cảnh mà #ToiLaBenhNhanUngThu là một dự án như thế. Thủy Muối không muốn ai cô độc trong cuộc chiến này, nên cô cũng chẳng bao giờ phải đơn phương chiến đấu.
Đây là tên bộ ảnh của Thủy cùng nhiều chiến binh K khác, sẵn sàng đối diện và chia sẻ về chặng đường chiến đấu với ung thư của mình. Mỗi người có một số phận khác nhau nhưng ở họ luôn có sự lạc quan, ý chí kiên cường và niềm tin vào hạnh phúc. Cũng giống như Thủy, họ phải chịu nhiều đau đớn khi ung thư tìm đến nhưng họ tuyệt đối không sợ cái chết. Họ vẫn từng ngày tận hưởng cuộc sống, sống trọn vẹn và chan hòa, cho đi nhiều hơn để nhận về sự an tĩnh cho tâm hồn.
Ngày hội hoa hướng dương và ngọn lửa cộng đồng: Chiến dịch vì bệnh nhân ung thư thu hút sự chú ý nhất năm 2018
Hẳn chúng ta không quên được câu chuyện của Lê Thanh Thúy, sinh ngày 6/1/1988, được biết đến như một tấm gương kiên cường, lạc quan chống chọi lại căn bệnh ung thư. Sau 4 năm mắc bệnh ung thư xương, ngày 2/11/2007, Lê Thanh Thúy qua đời, để lại một ước nguyện là muốn quyên góp một quỹ từ thiện giúp đỡ bệnh nhân ung thư. Câu chuyện ngày đó của Thúy như một tấm gương lớn của nghị lực và nhân ái.
Sau khi Thúy qua đời, nhờ sự chung tay giúp đỡ của bạn bè, các tổ chức, cá nhân, một quỹ từ thiện mang tên “Ước mơ của Thúy” đã được ra đời, nhằm giúp đỡ các bệnh nhân ung thư khác trên chặng đường chiến đấu gian nan.
Một trong số những khoản ‘đóng góp’ nổi bật nhất cho quỹ chính là chương trình Hoa Hướng Dương đóng góp 30.000 đồng mỗi status trên Facebook do Công ty cổ phần dược phẩm Eco phối hợp với báo Tuổi trẻ thực hiện (trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Hoa hướng dương lần thứ 11 - Vì bệnh nhi ung thư năm 2018 do báo Tuổi Trẻ cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và Hà Nội tổ chức).
Theo như thể lệ, với mỗi một status có đính kèm hình ảnh tranh vẽ hoa hướng dương và hashtag #ngayhoihoahuongduong2018, #uocnguyenhong2018, tag mời thêm 3 người bạn trên facebook cùng tham gia thì Công ty Eco sẽ đóng góp vào quỹ “Ước mơ của Thúy” 30.000 đồng. Chương trình đã thực sự gây ra một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội, khiến “Hoa hướng dương” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tháng 11/2018.
Từ mạng xã hội ảo, chiến dịch đã thu về được những kết quả rất thực! Công ty Eco đã trao tặng 5,5 tỷ đồng sau chiến dịch – tương đương với 314.823 bài viết chia sẻ hoa hướng dương (bao gồm 6.833 bài viết chia sẻ hợp lệ và chưa hợp lệ 307.990 bài). Có rất nhiều đơn vị khác cùng tham gia chương trình, với số tiền đóng góp lên tới 6.6 tỷ đồng. Đây là một con số ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng đối với cuộc chiến chống ung thư không chỉ của các bệnh nhân K mà còn của cả xã hội.
Những câu chuyện của cô bé Hải An, của Thủy Muối hay chiến dịch Hoa hướng dương dậy sóng cộng đồng là minh chứng cho thấy những dịch chuyển tất yếu của xã hội trước căn bệnh đáng sợ này. Nếu trước kia người bệnh ung thư không dám đối diện với bệnh tật thì ngày nay, họ hoàn toàn chủ động và thậm chí tích cực đón nhận. Xã hội cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến ung thư, đến những con người đang ngày ngày đối mặt với “tử thần” và sát cánh cùng họ để chiến thắng sự sắp đặt của số phận. Bởi thế, hãy lạc quan. Bạn không bao giờ cô độc!