MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây

Trong vài trăm năm, những công tử miền Tây muốn lên Sài Gòn phải mất mấy ngày đi ghe. Nhưng nay với những cây cầu nghìn tỷ, một người dân bình thường đi TP.HCM chỉ mất vài giờ đồng hồ.

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 1.

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 2.

Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng lớn nhất cả nước với diện tích trên 40.000 km2. Nơi đây có 13 tỉnh, thành phố cùng dân số hơn 17 triệu người (số liệu năm 2019). Sông Tiền, sông Hậu và hàng loạt kênh rạch đã mang đến nguồn nước ngọt, phù sa dồi dào biến miền Tây thành “thúng gạo" của cả nước. Nhưng cũng chính những con sông này đã ngăn cách vùng đồng bằng với phần còn lại. Hệ thống giao thông đường thuỷ với ghe, phà đóng vai trò chủ đạo trong suốt mấy thế kỷ. Nhưng chỉ trong hơn 20 năm, với việc xây dựng hàng loạt cây cầu lớn, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 3.

Mở màn cho sự thay đổi lớn ấy có lẽ là cầu Mỹ Thuận. Cầu bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Công trình được khởi công tháng 7 năm 1997 trong sự chào đón của người dân địa phương. Họ chủ động bàn giao mặt bằng, chủ động mời công nhân vào nhà ở khi chưa làm được lán trại, có gì ngon cũng đem mời công nhân. Và đến tháng 5 năm 2.000, hàng chục nghìn người dân đến tham quan đã phủ kín cây cầu trong dịp khánh thành. Có cụ già râu tóc bạc phơ, đầu đội nón lá, đi đôi dép nhựa cũ mòn đã nói: “Hôm nay, qua (tôi- xưng hô của người miền Tây) nhất định phải đi bộ lên cầu Mỹ Thuận, rồi về nhà qua chết cũng được!”‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 4.

Sự hồ hởi đó được tạo ra bởi cầu Mỹ Thuận là phát súng lớn đầu tiên để phá thế “qua sông luỵ phà", giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi từ miền Tây đến TP.HCM trong một ngày. Và số liệu về tăng trưởng kinh tế cũng phần nào phản ánh vai trò của cầu Mỹ Thuận. Từ năm 1996-2000, tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL bình quân 8%/năm nhưng giai đoạn 2000-2005 (có cầu Mỹ Thuận hoàn thành và đưa vào sử dụng) thì mức tăng trưởng vọt lên 10,5%/năm và lên tới 13%/năm trong giai đoạn 2006 đến năm 2010.‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 5.

Cầu Mỹ Thuận có chiều dài 1.535m trong đó phần cầu dây văng dài 350m; rộng gần 24 m; cao 116,5m. Tổng nguồn vốn đầu tư gần 91 triệu đô la Australia. Trong đó Chính phủ nước bạn tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%. Bên cạnh đó, cầu Mỹ Thuận 2 đang được xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là gần 3.400 tỷ đồng.‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 6.

Đường từ Tiền Giang sang Vĩnh Long đã thông nhưng đường từ Bến Tre sang vẫn còn là vấn đề lớn. Do địa hình 3 mặt giáp sông, một mặt giáp biển nên quê hương xứ Dừa như một ốc đảo khổng lồ. Và cầu Rạch Miễu đã ra đời như một nhịp cầu kết nối những bờ vui. Trong dịp khánh thành cầu vào tháng 1/2009, chị Thuý Hằng (người dân Bến Tre) chia sẻ: ‏

‏Vậy là Tết này, em sẽ được về trên chiếc cầu yêu thương mà em hằng mong đợi và được đặt chân lên đó, đi từng bước để hưởng thụ cảm giác sung sướng, hạnh phúc như thế nào. Em rất cảm ơn nhà nước và đặc biệt là các kỹ sư Việt Nam đã làm nên thành tích để đời thế này, như vô địch AFF Cup vậy. Sáng nay, em lên mạng sớm nhằm xem tin tức mới nhất về chiếc cầu em hằng mơ ước. Em cố ngăn nước mắt lại, em gần như rất muốn khóc vì vui mừng.”‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 7.

Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng hiện đại đầu tiên do người Việt tự thiết kế. Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 8.331m, trong đó cầu số 1(cầu dây văng dài 504m, khẩu độ nhịp chính 270m), cầu số hai phía Bến Tre dài 381,8m, bề rộng mặt cầu 15m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.400 tỷ đồng. Hiện cầu Rạch Miễu 2 đã được khởi công tháng 3/2022 với tổng mức đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 8.

Nếu như trên sông Tiền đã có 2 cây cầu lớn thì trên sông Hậu, việc đi lại vẫn phải dựa hoàn toàn vào phà. Thời gian đi từ Tây Đô Cần Thơ đến TP.HCM vẫn mất từ 6-7 tiếng. Vì thế, việc cầu Cần Thơ được khánh thành tháng 4/2010, hoàn thành mảnh ghép cuối cùng để quốc lộ 1 được thông suốt là một sự kiện lớn. Anh Lê Thành Đức, lái xe tải chuyên chở thức ăn cho tôm tuyến Vĩnh Long - Cà Mau cho biết: “Trước đây, muốn qua sông Hậu thì phải đi phà mà phà thì hay kẹt. Tôi nhớ mãi ngày 28 Tết vừa qua kẹt xe dài 20 km. Tôi ở bến phía Vĩnh Long từ 5 giờ sáng mà cho đến 21 giờ đêm vẫn chưa qua được bờ Cần Thơ. Nay cầu hoàn thành, tôi và những đồng nghiệp mừng không thể tả. Đó là mơ ước từ hơn 15 năm làm nghề lái xe của tôi”.‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 9.

Khi hoàn thành, cầu Cần Thơ giúp rút ngắn thời gian đi từ Tây Đô đến TP.HCM chỉ còn 3-4 tiếng. Đồng thời, nó chấm dứt sứ mệnh lịch sử gần 100 năm của cụm phà Hậu Giang. ‏ ‏Cầu dài 2,75 km, rộng 23,1m; tốc độ thiết kế 80km/h với 4 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ. Phần đường dẫn vào cầu dài 13,1 km với 9 cầu. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam với tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng (khoảng 37 tỷ Yên Nhật).‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 10.

Sau khi có những cây cầu lớn nối liền quốc lộ 1 (Mỹ Thuận, Cần Thơ), quốc lộ 60 (Rạch Miễu, Cổ Chiên) thì việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây dần được đẩy mạnh. Đây là tuyến đường trục dọc thứ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long với những con đường như Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Vàm Cống, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Trong đó, tiêu biểu là việc xây dựng Cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống.

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 11.

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối liền huyện Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Cầu có chiều dài 2.014 m. Trong đó nhịp chính dài dài 350 m. Chiều cao thông thuyền 37,5 m. Trụ tháp chính hình chữ H cao 123,4 m. Các trụ cầu chính được đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính 2,5 m sâu từ 85 đến 120 m. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. ‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 12.

Cầu Vàm Cống dài 2,97 km bắc qua sông Hậu, kết nối quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Cầu được khởi công vào tháng 9/2013 và hoàn thành vào tháng 5/2019. Cầu có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng và là cây cầu đã hoàn thành có tổng mức đầu tư cao nhất miền Tây. Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Nguyễn Ngọc Thắng - giám đốc dự án cầu Vàm Cống (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, nhà thầu thi công) cho biết trụ tháp cầu Vàm Cống cao 150 m và là trụ cầu cao nhất cả nước. ‏

‏Những cây cầu lịch sử giúp đường bộ vươn tới vùng sông nước miền Tây - Ảnh 13.

Cùng với hàng loạt các công trình khác như Năm Căn, Cổ Chiên, Mỹ Lợi … và những dự án sẽ được xây dựng như Đại Ngãi, Đình Khao… các cây cầu lớn đã, đang và sẽ góp phần quan trọng giúp kết nối đồng bằng sông Cửu Long với phần còn lại của cả nước.‏

Việt Hùng - Mai Hoài Thương - Hoàng Thuấn - Nhật Tân

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên