MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu khuấy động sàn HoSE trong nửa đầu năm 2017

Hàng loạt cổ phiếu đã tăng sốc, giảm sâu, có những cổ phiếu tạo bao "sóng", thậm chí có những cổ phiếu liên tục tăng trần, chưa nếm mùi giảm điểm...trong nửa đầu năm 2017 vừa qua trên sàn HoSE.

Cổ phiếu CDO

Chắc hẳn các nhà đầu tư còn chưa quên những cảm xúc đến từ cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị hồi đầu năm nay. Đang ở vùng giá 35.000 đồng/cổ phiếu, CDO bất ngờ lao dốc không phanh với 34 phiên giảm sàn liên tiếp, rơi tự do về vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu – một kỷ lục đáng quên trên thị trường chứng khoán.

Cổ đông của CDO gần như đã "mất trắng" nếu không kịp trở tay cắt lỗ bởi lượng cổ phiếu khớp lệnh trong chuỗi giảm sàn đó là không nhiều, chủ yếu là các giao dịch thỏa thuận.

Nguyên nhân việc cổ phiếu CDO lao dốc sau đó được chính Chủ tịch công ty – ông Vũ Đình Nhân lên tiếng xác nhận – là do tin đồn thất thiệt về việc ông Nhân bị bắt. Tuy sự thật được giải trình, nhưng cổ phiếu CDO vẫn tiếp tục “rớt” do áp lực giải chấp của các CTCK. Chuỗi giảm kỷ lục đã ngừng lại vào ngày 23/1/2017.

Cổ phiếu CDO lại một lần nữa khiến nhà đầu tư tiếc nuối khi chần chừ không bắt đáy khi ngay sau chuỗi giảm sàn là chuỗi tăng phi mã. Nguyên nhân tiếc nuối cũng bởi khó có thể tin rằng cổ phiếu CDO lại có thể phục hồi ngoạn mục với 12 phiên tăng trần liên tiếp.

“Sóng gió” do cổ phiếu CDO gây ra chưa dừng lại ở đó, khi ngay sau 12 phiên tăng trần lại là những sóng giảm sàn, tăng trần liên tục, lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên đều rất lớn. Sau bao sóng gió, hiện cổ phiếu CDO đang giao dịch quanh vùng giá 3.500 đồng/cổ phiếu và giữ được mức này khá lâu.

Tin về dự án Phước Kiển đã ảnh hưởng đến cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng khiến nhà đầu tư băn khoăn từ đầu năm đến nay. Suốt mấy năm liền giao dịch dưới mệnh giá. Thời điểm đầu năm 2017, giá cổ phiếu QCG chỉ 3.800 đồng/cổ phiếu thì nay đã xấp xỉ vùng giá 26.000 đồng/cổ phiếu – mức tăng chóng mặt, trong đó đà tăng chủ yếu chỉ 3 tháng gần đây, khi thông tin về việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển được hé lộ.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng khá nhiều phen “thót tim” với cổ phiếu QCG khi xen giữa những chuỗi phiên tăng trần là những phiên giảm điểm, thậm chí giảm sàn. Nhà đầu tư lại mắc tâm lý lo sợ, không thể xác định đâu là đỉnh sau chuỗi ngày tăng nóng của cổ phiếu QCG.

Cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG

Mãi giao dịch dưới 6.000 đồng một thời gian dài từ cuối năm 2016 đến đầu tháng 2/2017. Cổ phiếu LDG bắt đầu đà tăng điểm từ tầm giữa tháng 2/2017 nhưng mãi đến giữa tháng 4 vừa qua, sau hơn 2 tháng bắt đà tăng, cổ phiếu LDG mới lên giao dịch trên mệnh giá.

Đó cũng là thời điểm cổ phiếu LDG phi mạnh. Tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu LDG thường xuyên bị “cản trở” bởi những phiên giảm điểm chen giữa, thậm chí có nhiều phiên giảm sàn. Điều này đã khiến nhà đầu tư không khỏi lo sợ.

Mới đây nhất, cổ phiếu LDG đã đạt đỉnh ở vùng giá 16.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay sau đó tâm lý chốt lãi, nhà đầu tư xả hàng và cổ phiếu “lao dốc” xuống 13.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng mất đi 17% giá trị chỉ trong vòng nửa tháng. Có những phiên đến hơn 6 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Nếu so với thời điểm đầu năm, thì mức giá hiện đã tăng gần gấp 3 lần. Thanh khoản mỗi phiên cũng rất lớn với hàng triệu cổ phiếu. Và, có đến 2 “sóng” lớn với nhiều “sóng” nhỏ trong biểu đồ biến động giá của LDG trong 6 tháng đầu năm vừa qua.

POM của Pomina

Tăng sốc rồi giảm sâu, cổ phiếu POM của Thép Pomina cũng đã khiến các nhà đầu tư tốn không ít công sức trong nửa đầu năm 2016 vừa qua.

Đang giao dịch dưới mệnh giá một thời gian khá dài, bất ngờ đầu năm 2017, khi những tin tốt về kết quả kinh doanh cũng như tác động chung của thị trường ngành thép đã khiến những cổ phiếu ngành thép nói chung và POM nói riêng bật tăng mạnh mẽ.

Đầu tiên, tin vui liên tiếp đến từ Thép Việt Ý, Tisco khi kết quả kinh doanh năm 2016 lạc quan ngoài mong đợi. Thậm chí cả Gang thép Thái Nguyên, SMC và Pomina đều cùng nhau thoát lỗ lũy kế, bắt đầu có tích lũy.

Số nợ lũy kế để lại từ trước đến đầu năm 2016 của Pomina lên đến hơn 212 tỷ đồng. Nhờ con số lãi bất ngờ hơn 300 tỷ đồng năm 2016 mà Pomina đã xóa hết lỗ lũy kế, tích lũy được hơn 89 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Pomina còn 35 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và hơn 700 tỷ đồng ở quỹ đầu tư phát triển. Tổng vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2.674 tỷ đồng.

Kết quả này giúp cổ phiếu POM bật tăng mạnh mẽ lên chạm ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu – đỉnh cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, đà tăng bị “chững” lại bằng 4 phiên giảm sàn trong 5 phiên giao dịch tiếp đã làm nhà đầu tư xuất hiện tâm lý dè chừng. Hơn nữa, việc cổ phiếu của một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không có nhiều nổi trội trong nhiều năm gần đây bật tăng mạnh cũng đã không thu hút được sự quan tâm quá mức của nhà đầu tư. Lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên không nhiều.

Bên cạnh đó, tâm lý chốt lãi liên tục đã khiến cổ phiếu POM một lần nữa “tạo sóng” theo tâm lý nhà đầu tư. Với những chuỗi tăng giảm liên tục, cổ phiếu POM đã có lúc “rơi” lại vùng giá 13.500 đồng/cổ phiếu rồi lại vụt tăng lên chạm đỉnh 20.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại cổ phiếu POM đang về quanh vùng giá 16.100 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu LEC của CTCP Bất động sản điện lực Miền Trung (Land Central)

Toàn bộ 26,1 triệu cổ phiếu LEC của Land Central chào sàn HoSE từ 14/6 vừa qua với giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu. Riêng 3 cổ đông lớn đã sở hữu hơn 60% vốn điều lệ. Về hoạt động kinh doanh, từ năm 2014 đến nay công ty đang thực hiện xây dựng khu dân cư Phú Lộc An và Khu phức hợp EVN-Land Central Đà Nẵng và phân phối trực tiếp các sản phẩm này ra thị trường.

Bên cạnh đó, Land Central đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 44,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên thêm 170%.

Tuy nhiên, từ khi lên sàn đến nay, khá bất ngờ là cổ phiếu LEC đã liên tục tăng trần 13 phiên liên tiếp, lên xấp xỉ vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên cũng không đột biến, chỉ mấy nghìn đến mấy chục nghìn đơn vị.

Cặp đôi BHS, SBT

Việc gọi hai cổ phiếu ngành mía đường là BHS của Đường Biên Hòa và SBT của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh là “cặp đôi” giờ không còn mới mẻ với nhà đầu tư. Thông tin về việc 2 doanh nghiệp lớn ngành mía đường đã thông qua phương án sáp nhập đã đẩy bộ đôi cổ phiếu này tăng mạnh những tháng gần đây.

TTF của Gỗ Trường Thành

Nhắc đến gỗ Trường Thành (TTF), các nhà đầu tư lại nhớ ngay đến scadal về hàng tồn kho mà doanh nghiệp dính phải. Việc xảy ra từ năm 2016 nhưng hệ lụy của nó là việc giá cổ phiếu TTF giảm sâu.

Giảm nhanh nhưng phục hồi cũng khá mạnh mẽ, TTF mở cửa phiên giao dịch đầu năm ở mức giá gần 5.400 đồng/cổ phiếu. Qua 6 tháng, cổ phiếu TTF biến động giá liên tục, lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên khá lớn. Giữa tháng 6 vừa qua đã có lúc khớp lênh ở mức giá 9.300 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó lại giảm về 7.700 đồng/cổ phiếu.

Gỗ Trường Thành vừa quyết định tái cơ cấu công ty một cách quyết liệt. Dự kiến công ty sẽ bán hết lượng hàng tồn kho không phù hợp dù xác định lỗ khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra còn phát hành 100 triệu cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; đặt mục tiêu năm 2017 đạt doanh thu thuần 1.254 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 35,4 tỷ đồng. Đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2021 doanh thu cán mốc 2.622 tỷ đồng và lợi nhuận ròng khoảng 319 tỷ đồng.

KAC của Địa ốc Khang An

Ngoài ra, còn mã chứng khoán khác như KAC của Địa ốc Khang An cũng tăng mạnh từ gần 4.300 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên xấp xỉ 27.000 đồng/cổ phiếu. Địa ốc Khang An đã tạo ra nhiều “sóng” trên thị trường nửa đầu năm qua. Ngay từ những phiên đầu năm, cổ phiếu này đã “phi” một mạch từ 4.300 đồng lên 17.300 đồng/cổ phiếu bằng những phiên tăng trần liên tiếp.

Sau sóng tăng mạnh đó, KAC còn tạo ra mấy lần nổi sóng tiếp theo, leo thẳng lên đỉnh ở mức 34.000 đồng/cổ phiếu rồi lại giảm sàn liên tục đến nay.

VCF của Vinacafe Biên Hòa

Vinacafe Biên Hòa (VCF) hiện tăng mạnh lên mức giá 230.000 đồng/cổ phiếu, sắp sửa phá đỉnh đạt được năm 2013. Trong đó, đáng chú ý 10 ngày cuối tháng 6 vừa qua đã nhảy vọt từ 167.000 đồng/cổ phiếu lên 230.000 đồng/cổ phiếu tương ứng mức tăng 38%.

Trước đó, từ đầu năm đến nay, tuy không có những “sóng lớn” những Vinacafe Biên Hòa đã tạo ra hàng chục con sóng nhỏ biến động giá cổ phiếu. Tuy nhiên, do thị giá cao, nên biên độ giá mỗi con sóng mà Vinacafe Biên Hòa tạo ra lại rất lớn, hàng chục nghìn đến mấy chục nghìn mỗi cổ phiếu.

Đáng chú ý, bất chấp thông tin VCF vừa báo lỗ lớn quý 1 vừa qua, thông tin này lại không hề ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Nhưng, với cơ cấu cổ đông cô đặc như Vinacafe Biên Hòa, thì việc giá biến động tăng trần giảm sàn không khó hiểu. 2 cổ đông lớn của VCF nắm giữ gần 92% vốn điều lệ công ty. Lượng cổ phiếu VCF khớp lệnh mỗi phiên rất ít.

Ngoài ra, còn nhiều cổ phiếu đáng được nhắc đến nữa như TCM vủa Dệt may Thành Công, CMG của Tập đoàn công nghệ CMC, IBC của Apax Holdings, hay CTF của City Auto, PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam….

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên