MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đại án làm rúng động ngành ngân hàng 20 năm qua

09-09-2017 - 11:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ từ đầu tháng 8 tới nay, nhiều lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng đã bị khởi tố. Trước đó, hàng loạt các đại án gây thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng cũng được xét xử như vụ Bầu Kiên, Huyền Như, Agribank, Epco Minh Phụng, Ngân hàng Việt Hoa...

Ngày 8/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, sinh năm 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.

Ông Bình bị khởi tố, cấm đi khởi nơi cư trú vì liên quan đến vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đây là lần đầu tiên, một cán bộ ngân hàng cấp cao đến Phó Thống đốc bị khởi tố.

Và trước vụ việc này, nhìn lại lịch sử ngành ngân hàng từ năm 1997 tới nay cũng có rất nhiều đại án làm rúng động thị trường.

Vụ án EPCO – Minh Phụng

Vụ án Epco-Minh Phụng là một trong những vụ án kinh tế nổi tiếng trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Vụ án đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho một số bên liên quan, đặc biệt là các ngân hàng cấp tín dụng, với số tài sản, tiền phải thi hành án gần 6.000 tỷ đồng. Hai công ty Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 ngân hàng gồm Incombank (nay là VietinBank), Vietcombank, Eximbank, Saigonbank, Ngân hàng Đại Nam và Ngân hàng Gia Định (nay là Vietcapitalbank) tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD…

Vụ án đã khiến những đại gia có tiếng và nhiều cán bộ ngành ngân hàng phải vào tù vì những sai phạm trong quản lý tài chính, vi phạm các quản lý nhà nước. Trong vụ án này, tòa án đã tuyên 6 án tử hình (sau đó 2 trong 6 người được giảm xuống chung thân) trong đó có 2 cán bộ ngân hàng là Phạm Nhật Hồng (nguyên Phó giám đốc VietinBank chi nhánh TPHCM); Nguyễn Ngọc Bích (nguyên phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM). Có 6 bị cáo khác bị tuyên án chung thân và các mức án khác nhau dành cho các bị cáo còn lại.


Tăng Minh Phụng (ảnh Internet)

Tăng Minh Phụng (ảnh Internet)

Vụ án Ngân hàng Việt Hoa

Vụ án xảy ra vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 với 58 người bị khởi tố về tội tham ô, cố ý làm trái và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Trương Kiệt Tường nguyên Tổng giám đốc Việt Hoa và Tào Bình Thâm nguyên giám đốc chi nhánh Hùng Vương qua đời do bệnh nên được đình chỉ, còn 8 bị can khác bỏ trốn nên cũng đình chỉ điều tra.

Cáo trạng cho thấy, để rút tiền của Việt Hoa, Trần Tuấn Tài (nguyên Chủ tịch HĐQT Việt Hoa), Trương Kiệt Tường (nguyên Tổng giám đốc Việt Hoa), Nguyễn Văn Minh (nguyên Phó tổng giám đốc Việt Hoa), Phùng Ngọc Lợi (nguyên giám đốc Công ty THNN XNK tổng hợp Long An) cùng nhiều người khác dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của Nhà nước và công dân hơn 293 tỷ đồng và 84 triệu USD. Trong đó, tham ô của Nhà nước là 213 tỷ đồng và 69 triệu USD, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN 15 triệu USD và 15 tỷ đồng; lừa đảo của công dân 65 tỷ đồng.

Năm 2002 khi xét xử, có 4 bị cáo lĩnh án cung thân (gồm Phùng Ngọc Lợi, Lô Ký Ngươn, Nguyễn Hữu Thanh và Nguyễn Văn Minh), 16 bị cáo được hưởng án treo, 2 người được thả tự do tại tòa còn các bị cáo khác bị các mức án khác nhau.

Cho đến nay, cái tên Ngân hàng Việt Hoa vẫn tồn tại mà chưa thể phá sản do vẫn chưa trả nợ xong.


Ngân hàng Việt Hoa (ảnh internet)

Ngân hàng Việt Hoa (ảnh internet)

Vụ án Huyền Như

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ xảy ra tại VietinBank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam tính đến thời điểm lúc bấy giờ (xử đầu năm 2014) và là một trong những đại án kinh tế lớn nhất với 23 bị cáo hầu tòa cùng 47 luật sư bào chữa.

Nếu xét về số tiền thiệt hại, tuy không bằng vụ Epco Minh Phụng nhưng mức độ thiệt hại thực tế thì lại là lớn nhất trừ trước đến nay, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2007 đến năm 2011. Tổng số tiền các đối tượng đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thông qua lãi suất cao, đánh tráo hồ sơ, làm giả chứng từ…


Huỳnh Thị Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP.HCM, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân. Các ngân hàng bị lừa là VietinBank, ACB, Navibank, TPBank, VIB chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và 5 công ty Phương Đông, Hưng Yên, An Lộc, SBBS, Hoàn Cầu gần 1.100 tỷ.

Kết thúc phiên tòa năm 2014, Huyền Như bị tuyên án chung thân và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, ngân hàng, còn các bị cáo khác lĩnh các mức án khác nhau. Tòa cũng tuyên hủy một phần vụ án liên quan 5 công ty để xét xử lại, cũng như đề nghị điều tra bổ sung Huyền Như tội tham ô.

Nhưng đến tháng 5/2017, một lần nữa tòa án tại TPHCM lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung thêm.

Vụ Bầu Kiên và các cựu lãnh đạo ACB

Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB phải hầu tòa năm 2014 vì cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế. Cùng ra tòa còn có 5 cựu lãnh đạo ACB “cố ý làm trái”. Tổng số tiền thiệt hại do bầu Kiên gây ra được cơ quan điều tra xác định là gần 1.700 tỷ đồng, chưa kể hơn 400 tỷ lỗ kinh doanh vàng. Các cựu lãnh đạo ACB bị cho là cố ý làm trái, chủ trương sai khiến ngân hàng thiệt hại 719 tỷ đồng.


Bầu Kiên

Bầu Kiên

Sau 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Bầu Kiên bị tòa tuyên án 30 năm tù giam, nguyên Tổng giám đốc Lý Xuân Hải bị 8 năm còn các bị cáo khác chịu án 2-4 năm tù.

Ngoài ra, nhóm 6 công ty của bầu Kiên còn vay nợ hơn 8.600 tỷ đồng ở ngân hàng ACB và đến nay ngân hàng này vẫn chưa giải quyết xong số dư nợ ấy (còn hơn 500 tỷ nữa). Biến cố bầu Kiên cũng khiến ACB lao đao trong một thời gian dài từ 2012, đến nay mới bắt đầu phục hồi.

Đại án tham nhũng tại Agribank

Vụ án xảy ra tại Agribank Nam Hà Nội với 18 bị cáo phần lớn là nguyên cán bộ lãnh đạo của ngân hàng Agribank. Theo VKS nhân dân tối cao, hành vi của các bị cáođã gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về tài chính, làm mất lòng tin của nhân dân với hệ thống ngân hàng


Nguyên Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân hầu tòa

Nguyên Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân hầu tòa

18 bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ đại án này và bị truy tố về 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 Bộ luật Hình sự, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 Bộ luật Hình sự và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự. Tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại cho ngân hàng là gần 2.500 tỷ đồng.

Qua phần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, cựu Tổng giám đốc Agribank bị án 22 năm tù, nguyên giám đốc Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương 30 năm tù, các bị cáo còn lại từ 30 tháng đến 15 năm tù.

Vụ Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng

Tính đến thời điểm này thì vụ Phạm Công Danh mới là đại án lớn nhất với số tiền được xác định thiệt hại lên đến 18.000 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 1, Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng VNCB, Phan Thành Mai – nguyên tổng giám đốc cùng các đồng phạm nguyên là cán bộ ngân hàng, cán bộ tập đoàn Thiên Thanh đã thụ án tổng cộng 122 năm tù, trong đó Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, Phạm Công Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.


Xét xử vụ Phạm Công Danh

Xét xử vụ Phạm Công Danh

Cũng liên quan đến ngân hàng Xây dựng, cơ quan điều tra còn khởi tố 4 cựu cán bộ của tổ giám sát đặt tại VNCB trong năm 2015 là các ông Hà Tuấn Phước, nguyên Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát VNCB; Phạm Thế Tuân, nguyên tổ phó tổ giám sát VNCB, thành viên Hội đồng thành viên VNCB cùng 2 thành viên tổ giám sát NHNN là Ngô Văn Thanh, Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Long An và Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN, Chi nhánh Long An.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an xác định hành vi thiếu trách nhiệm này của nguyên 4 cán bộ Tổ Giám sát nêu trên nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả thiệt hại tài sản rất lớn tại VNCB. Trong số hơn 18.000 tỉ đồng mà Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã rút ra có hơn 9.000 tỉ đồng có xin ý kiến Tổ Giám sát, việc làm này đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại VNCB.

Tiếp tục mở rộng vụ án ở VNCB, hồi đầu tháng 8 năm nay cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bắt tạm giam hai cựu lãnh đạo to nhất của Sacombank là ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang vì ký duyệt cho ông Phạm Công Danh vay trái quy định, gây thất thoát 1.800 tỷ đồng.


Ông Trầm Bê

Ông Trầm Bê

Cùng với hai người này còn có 23 bị can khác cũng bị khởi tố trong đó 16 người bị bát giam, 5 bị can được tại ngoại và một số bị can đang thi hành án ở vụ khác, cùng với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 ngân hàng gồm: VNCB, Tiên Phong Bank, BIDV và Sacombank.

Và mới đây nhất, vụ án mở rộng với diễn biến mới là khởi tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Vụ Hà Văn Thắm

Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm đang được đưa ra xét xử (3 bị cáo được xử vắng mặt do bệnh nặng) với các hành vi tham ô, cố ý làm trái, làm sai quy định gây thiệt hại nghiêm trọng...tổng số tiền là hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hành vi cố ý làm trái là chi lãi suất ngoài trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỷ đồng.


Hà Văn Thắm tại tòa tháng 9/2017

Hà Văn Thắm tại tòa tháng 9/2017

Vụ án vẫn đang trong giai đoạn xét xử, nhưng là vụ án ghi nhận kỷ lục mới về số người liên quan – tới hơn 720 người, cùng hơn 50 bị cáo. Số cá nhân đã nhận lãi ngoài của OceanBank được xác định là hơn 51.000 người và có 239 doanh nghiệp. Do thời gian điều tra đã hết, một số hành vi còn được tách ra để xử lý ở các vụ án sau.

Liên quan vụ án này, một đại gia khác trong lĩnh vực ngân hàng là bà Hứa Thị Phấn cũng phải hầu tòa. Bà Phấn từng là chủ của Ngân hàng Đại Tín – Tiền thân của ngân hàng Xây dựng.

Ngoài ra, ngày 1/9 vừa qua, một loạt cựu lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng bị khởi tố, trong đó có 2 người bị bắt giam, vì cố ý làm trái liên quan đến vụ Hà Văn Thắm.

Sau phiên xét xử lần này, vụ Hà Văn Thắm giai đoạn 2 sẽ tiếp tục với hàng loạt các cá nhân và doanh nghiệp lớn liên quan.

Tùng Lâm (tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên