MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đêm trực cấp cứu của bác sĩ Viện 198: Bệnh nhân còn 0,1% cơ hội, bác sĩ vẫn sẽ làm đến cùng

04-07-2023 - 22:44 PM | Sống

Những đêm trực cấp cứu của bác sĩ Viện 198: Bệnh nhân còn 0,1% cơ hội, bác sĩ vẫn sẽ làm đến cùng

Đó thường là những đêm rất dài bởi sau 10h đêm, các ca cấp cứu thường là do tai nạn. Có những hôm bác sĩ phải thức trắng xuyên đêm vì liên tục cấp cứu cho 5-10 ca tai nạn giao thông.

Gần 4 năm trôi qua, bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Anh (Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 198) vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại ca cấp cứu cho các nạn nhân trong một vụ thảm sát vào cuối năm 2019. 

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Anh chụp ảnh cùng các đồng nghiệp.

Các nạn nhân vào viện được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 198 (Bộ Công an) trong tình trạng bị đa chấn thương, vết thương nghiêm trọng. "Quá thương tâm" là những gì bác sĩ Hải Anh có thể nghĩ được thời điểm đó. 

Tuy nhiên không dành nhiều thời gian để phân tâm, vị bác sĩ nhanh chóng bình tĩnh phối hợp cùng các chuyên khoa khác như lồng ngực, chấn thương chỉnh hình... để tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân trong suốt nhiều giờ đồng hồ.

Nhắc đến bác sĩ răng hàm mặt, người ta nghĩ đó là một công việc nhàn hạ, thường liên quan đến nhổ răng, niềng răng, chữa tủy răng... Tuy nhiên với những bác sĩ tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 198 như bác sĩ Hải Anh, công việc hàng ngày còn liên quan đến điều trị các bệnh lý u nang vùng hàm mặt, đặc biệt là cấp cứu các chấn thương vùng đầu mặt do tai nạn. Đó cũng là lý do tại sao bác sĩ Hải Anh và các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt có mặt trong các ca trực cấp cứu.

"Bệnh nhân còn thở, bác sĩ còn cứu"

Một ngày làm việc của bác sĩ Hải Anh thường bắt đầu vào lúc 7h sáng. Khi đến viện, sau khi thăm khám một vòng các bệnh nhân của mình, anh bắt đầu khám bệnh hoặc đi mổ phiên.

Hàng tuần, bác sĩ sẽ có 1-2 đêm trực. Đó thường là những đêm rất dài bởi sau 10h đêm, các ca cấp cứu thường là do tai nạn. Có những hôm bác sĩ phải thức trắng xuyên đêm vì liên tục cấp cứu cho 5-10 ca tai nạn giao thông. Những ca nhẹ chỉ cần khâu vết thương, nặng hơn thì bác sĩ sẽ cần phải phối hợp với nhiều chuyên khoa khác để làm phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Anh xem phim chụp X-quang bệnh nhân bị chấn thương vùng răng hàm mặt.

Không phải mọi ca phẫu thuật đều có tiên lượng tốt, một vài trong số đó tỉ lệ tử vong rất lớn nhưng các bác sĩ vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng tới cùng.

"Có những trường hợp vào viện trong tình trạng nghiêm trọng, có ca tiên lượng sống gần như rất thấp. Tuy vậy các bác sĩ răng hàm mặt như tôi vẫn đảm nhiệm vai trò xử lý các vết thương đang chảy máu vùng mặt bệnh nhân một cách hiệu quả nhất có thể.

Bởi dù chỉ cần bệnh nhân còn 0,1% cơ hội, còn dấu hiệu sinh tồn thì bác sĩ đều sẽ làm đến cùng. Bởi bệnh nhân còn thở, bác sĩ còn cứu, đó là trách nhiệm của những người làm nghề y", bác sĩ Hải Anh tâm sự.

Các chấn thương hàm mặt rất là phổ biến, nó có thể đến từ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động... Do đó, đối tượng vào viện cấp cứu cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ răng hàm mặt cũng rất đa dạng, có cả thanh niên, người già, trẻ nhỏ... với những tình trạng khác nhau. Điều đó đòi hỏi các bác sĩ trong ca trực phải luôn tập trung, nhạy bén để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bác sĩ Hải Anh nhớ mãi trường hợp bệnh nhi 12 tuổi mà mình mới tiếp nhận trong ca trực tuần trước. 

"Bệnh nhi đi học về, trong lúc đi qua đường bị xe máy tông phải, dẫn đến vỡ hết xương ổ răng và mất hết toàn bộ răng. Việc xương gãy hết như vậy cực kỳ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng ăn nhai của cháu. 

Với người lớn can thiệp đã khó, với trẻ em thì càng phức tạp hơn vì xương ổ răng của bé đang trong thời kỳ phát triển, hơn nữa bé còn quá nhỏ để đón nhận sự đau đớn...

Tôi đã cố gắng gắn lại răng cho cháu tuy nhiên chỉ cứu được khoảng 2-3 chiếc. Từ giờ đến năm 18 tuổi, bé sẽ cần theo dõi định kỳ để xem xương hàm phát triển như thế nào. 

Điều đáng nói rằng khi hàm không còn răng thì xương sẽ lép đi, dẫn đến việc sau này làm răng giả sẽ khó đi rất nhiều. Chắc chắn bé sẽ còn phải thực hiện rất nhiều cuộc phẫu thuật nữa, bao gồm ghép xương, tái tạo lại chức năng ăn nhai, cũng như thẩm mỹ khuôn mặt", bác sĩ kể lại.

Những đêm trực cấp cứu của bác sĩ răng hàm mặt Viện 198: Chỉ cần bệnh nhân còn 0,1% cơ hội, bác sĩ nhất định sẽ làm đến cùng - Ảnh 3.

Hàng ngày phải tiếp nhận không ít trường hợp bị tai nạn thương tâm, nhất là các cháu nhỏ, bác sĩ Hải Anh chia sẻ, đúng là nghề bác sĩ rất cần tinh thần sắt đá. Bác sĩ luôn phải minh mẫn, tập trung cao độ chứ không để cảm xúc phân tâm, rồi ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh. 

Bác sĩ nha khoa không khác nào "kiến trúc sư": Cần thẩm mỹ và sự chính xác khoa học

Tính đến nay, bác sĩ Hải Anh đã có 21 năm công tác trong ngành bác sĩ răng hàm mặt. Anh nói lý do chọn nghề của mình là vì một chữ "duyên", bởi dường như nó đã nhen nhóm trong anh kể từ những ngày còn nhỏ.

"Mẹ tôi là một bác sĩ, từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với môi trường bệnh viện vì thường đến viện cùng mẹ những lúc không phải đi học. Cứ thế, tôi dần quen với môi trường của bệnh viện, thấy nó không chỉ có mùi thuốc khử trùng hay những câu chuyện buồn. Mà tôi nhận ra sự ý nghĩa tại nơi đây, tôi chứng kiến rồi cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh.

Ngoài tiếp xúc với môi trường bệnh viện, tôi cũng có cơ duyên tiếp cận với ngành Răng Hàm Mặt từ nhỏ. Do vậy từ nhỏ, tôi đã thấy nghề y hay nghề bác sĩ nha khoa có gì đó rất thân thuộc", bác sĩ Hải Anh tâm sự.

Từ thấy thân thuộc, đến yêu thích và muốn chinh phục, vị bác sĩ trẻ năm đó đã cố gắng học tập hăng say để thi đỗ Đại học Y Hà Nội. 6 năm học bác sĩ đa khoa, anh tiếp tục dành 2 năm học chuyên khoa Răng Hàm Mặt, 2 năm học chuyên khoa 1 và tiếp tục 2 năm học chuyên khoa 2, chưa kể vô số khoá học trong và ngoài nước.

Anh chia sẻ, răng hàm mặt là một chuyên ngành cực rộng. Người nha sĩ ngoài đôi bàn tay, khối óc và sự rèn luyện thì còn cần góc nhìn tốt về thẩm mỹ. Ví dụ như niềng răng, bác sĩ Hải Anh chia sẻ nó thực sự nó là phương pháp không hề dễ dàng. Cũng giống như kiến trúc sư, các bác sĩ nha khoa phải vừa thẩm mỹ vừa tính toán chính xác khoa học để răng về đúng phương án chuẩn. Do đó, có thể mỗi bác sĩ sẽ đem lại kết quả niềng răng khác nhau.

Trải lòng về nghề bác sĩ Răng Hàm Mặt, bác sĩ Hải Anh chia sẻ: "Tôi từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với nghề, từ những lúc mưu sinh kiếm tiền chỉ để được học các khóa nâng cao chuyên môn mà mình thích. Rồi chạy đi khắp các phòng khám Hà Nội, Sài gòn cứ đâu được làm, được học thật nhiều thì đi. Rồi những ca trực thâu đêm, những chuỗi ngày kết thúc công việc lúc 11, 12h đêm. Mọi thứ dần dần cũng đi vào quỹ đạo rồi tốt lên, càng ngày tôi càng yêu nghề và càng muốn cống hiến nhiều hơn nữa!".

Những đêm trực cấp cứu của bác sĩ răng hàm mặt Viện 198: Chỉ cần bệnh nhân còn 0,1% cơ hội, bác sĩ nhất định sẽ làm đến cùng - Ảnh 5.

21 năm trong nghề, vừa làm viện công vừa làm phòng khám, bác sĩ Hải Anh tâm sự bản thân mình đã gặt hái được 2 niềm hạnh phúc lớn nhất. Điều đầu tiên là anh đã giúp không ít bệnh nhân thay đổi ngoại hình, tự tin trong giao tiếp. Họ gặp lại bác sĩ và bày tỏ cuộc sống như được "lột xác" sau khi có hàm răng đẹp. Điều thứ hai đó là có thể giúp đỡ các bác sĩ trẻ có cơ hội phát triển nhanh hơn nhờ những kinh nghiệm mình đã trải qua. 

Những niềm hạnh phúc đó sẽ còn là động lực để giúp anh có thêm năng lượng, thêm say mê để cống hiến trong nghề và nỗ lực trong những đêm trực cấp cứu thật dài...

Theo Đậu Đậu

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên