MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những địa phương có lượng vốn FDI vượt mốc 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm

Theo số liệu về tình hình thu hít đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng đầu năm 2023

Theo số liệu về tình hình thu hít đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến 20/8/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 69,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD (tăng 39,7% so với cùng kỳ); có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD (giảm 39,7% so với cùng kỳ); có 2.268 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 6,5% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,47 tỷ USD (tăng 62,8% so với cùng kỳ).

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, tổng vốn đầu tư đăng ký tiếp tục duy trì mức tăng và tăng mạnh hơn so với 7 tháng (tăng 3,7 điểm phần trăm). Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, Hà Nội và Hải Phòng là hai địa phương ghi nhận lượng vốn FDI vượt mốc 2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, dự án đã đem lại nguồn vốn đầu tư lớn cho hai thành phố này phải kể đến việc điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD của Tập đoàn LG cho dự án LG Innotek tại Hải Phòng. Còn tại Hà Nội, lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 64% tổng vốn FDI đăng ký vào Hà Nội trong 8 tháng đầu năm.

Những địa phương có lượng vốn FDI vượt mốc 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT)

Không chỉ có Hà Nội và Hải Phỏng, những địa phương ghi nhận có tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm còn có TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương và Bắc Ninh, với tổng vốn FDI đăng ký đầu tư lần lượt đạt 1,6 tỷ USD; 1,4 tỷ USD; 1,07 tỷ USD và 1,05 tỷ USD.

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,6%), số lượt dự án điều chỉnh (23,4%) và GVMCP (67%).

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai,…

Tính lũy kế đến ngày 20/08/2023, cả nước có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Xét theo địa bàn đầu tư, báo cáo cho biết, các nhà đầu tư FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 57,12 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40,16 tỷ USD (chiếm gần 8,9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với gần 39,3 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư).

Hoàng Nguyễn

Tổ quốc

Trở lên trên