MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận

Tỷ trọng đóng góp của khai khoáng vào thu ngân sách, thuế, thu hút FDI, năng suất lao động là những vấn đề nóng, được tranh luận trong hai ngày (25-26/5/2018) Quốc hội thảo luận.

1. Tranh luận về "khoảng lặng" của tăng trưởng

 Ông Hoàng Quang Hàm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, tăng trưởng tuy vượt mục tiêu, nhưng tăng trưởng từ nội lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ của nền kinh tế không được như kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu. Đây là khoảng lặng của tăng trưởng năm 2017 cần phải được nhìn nhận.

Năm 2017, công nghiệp khai khoáng thực hiện vượt kế họach nhưng cũng chỉ bằng 2,93% của 2016. 1 triệu tấn dầu thô đóng góp 0,2 đến 0,3 điểm tăng trưởng. Vì vậy, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì tăng trưởng năm 2017 chỉ là 6,4%, không đạt 6,81%.

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Chiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng ý kiến ông Hoàng Quang Hàm là không thỏa đáng, nếu nhìn vào số liệu trong báo cáo 198 của Chính phủ: Năm 2016, khai thác 15,2 triệu tấn dầu thô; Năm 2017, kế hoạch đặt ra là hơn 13,280 triệu tấn dầu thô, thực hiện khai thác 13,557 triệu tấn dầu thô.

Như vậy, chỉ khai thác thêm 200 nghìn tấn dầu thô so với kế hoạch 2017. So với năm 2016, khai thác ít hơn khoảng 1,643 triệu tấn. Trong khi 1 triệu tấn dầu thô chỉ đóng góp 0,25 điểm tăng trưởng.

Về than đá, năm 2016 khai thác 38,735 nghìn tấn. Năm 2017, kế hoạch đăt ra là 40,2 triệu tấn, thực tế khai thác 38,237 triệu tấn. So với kế hoạch, sản lượng khai thác than đã ít hơn gần 2 triệu tấn. 1 triệu tấn than đóng góp 0,014 điểm tăng trưởng.

"Chúng ta đã không đạt được kế hoạch khai thác. So với 2016, khai thác dầu thô, than đều tăng trưởng âm. Tôi không biết đại biểu nào nói khai thác vượt, lấy số liệu ở đâu ra. Đánh giá Chính phủ như vậy là không thoả đáng" - ông Trần Quang Chiểu nhận xét.  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, thu từ dầu thô năm 2017 đạt khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu Ngân sách nhà nước là 1.288.660 tỷ đồng.

"Dầu thô chỉ chiếm 3,8% thu ngân sách nhà nước. Con số đóng góp là không lớn. phát biểu như ông Hàm làm cử tri hiểu lầm. Đồng ý rằng tăng dầu thô thì đóng góp vào tăng trưởng. Nhưng nếu nói chủ yếu vào dầu thì không chính xác, mà phải là dựa vào thu nội địa" - ông Nguyễn Quang Dũng khẳng định.

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 3.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ tài chính khẳng định, cơ cấu thu NSNN đã có sự chuyển dịch và tỷ trọng thu từ dầu thô giảm còn 3-4 % thu NS trong hai năm 2016 và 2017. Tỷ trọng thu nội địa bình quân 2 năm (2016-2017) đạt 80% tổng thu cân đối NSNN, trong khi giai đoạn 2011 – 2015 là 68%. Tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu mà NSTW hưởng 100% đều giảm. Năm 2011, thu dầu thô chiếm 16% tổng thu cân đối ngân sách, nay còn 3,8%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2011 chiếm 21,6% tổng thu ngân sách, nay còn 15,4%.  

2. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng ngân sách trung ương lại thiếu hụt

Ông Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, có một mẫu thuẫn trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cần sớm được trả lời. Đó là tình trạng thu cân đối ngân sách trung ương bị thiếu hụt, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đạt cao.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, ngoài nguyên nhân khách quan là tăng trưởng của nước ta đang phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, thì nguyên nhân chủ quan là do luật thuế đang có vấn đề hoặc cơ quan chức năng có vấn đề, hoặc chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Bởi lẽ, Theo báo cáo Kiểm toán 2017, thì tình trạng nộp thuế, kê khai thuế  thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó, tính thiếu thuế GTGT, thiếu thuế TNDN diễn ra khá phổ biến và gây thất thoát lớn cho ngân sách. Kiểm toán nhà nước đã xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.668 tỷ đồng; Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỷ đồng…

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 4.

Ông Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khẳng định sự cố gắng của Chính phủ trong việc cân bằng ngân sách. Nhưng cần suy nghĩ về việc cân bằng ngân sách bằng các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước. Để rồi khi các nguồn này dần cạn kiệt, Nhà nước phải chuyển sang tăng thu từ thuế.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, nếu thực hiện tốt hơn chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, lấy nguồn cho đầu tư thì sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập và tận thu khiến người dân bức xúc.  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc thay đổi chính sách thuế được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Về Luật thuế Giá trị gia tăng, tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan liên quan, Bộ Tài chính sẽ giữ mức thuế phổ thông ở mức 10%, không nâng mức thuế lên 11-12% như dự thảo ban đầu. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ kết cấu lại các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 0%, 5% và không chịu thuế nhằm đảm bảo công bằng, hạn chế chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.

Về thuế Bảo vệ môi trường và thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ tài chính đang nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.

Về thuế Tài sản, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, thêm cơ sở để quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai minh bạch tài sản, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng. Mục tiêu tăng thu cho ngân sách là một mục tiêu nhưng là mục tiêu thứ yếu. Vừa qua mới là phương án nghiên cứu ban đầu thì đã có nhiều ý kiến. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới.  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 6.

3. FDI: Tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn cũng có cái khó!

Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tính từ khi có luật đầu tư nước ngoài 1995, Việt Nam đã thu hút 370 tỷ USD và giải ngân 172 tỷ USD.

Nhưng vẫn còn những vấn đề cần khắc phục như môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, cần một chiến lược định hướng đầu tư FDI. Tiêu chí thu hút FDI được ông Trần Hoàng Ngân đưa ra là: xanh (đảm bảo môi trường), sạch (đảm bảo lý lịch của doanh nghiệp, không có những vết nhơ trong hoạt động kinh doanh, không trốn thuế, gian lận thương mại), công nghệ cao (thích hợp găn với CMCN 4.0), có tính lan tỏa (gắn với công nghiệp hỗ trợ trong nước và chuyển giao công nghệ).  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 7.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cho biết rõ số liệu về chuyển giá mà cơ quan này phát hiện được.

Cụ thể: Năm 2017, ngành tài chính đã thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý tài chính và phát vi phạm hành chính trên 55 nghìn tỷ, trong đó, thanh tra của cơ quan thuế tăng thu ngân sách 19 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 1,8 nghìn tỷ, giảm lỗ 37,6 nghìn đồng (giảm lỗ phần nào là chuyển giá – ông Đinh Tiến Dũng giải thích).  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh rằng, khu vực FDI đã giúp thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam trên cả 3 phương diện: chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư toàn xã hội; chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp, chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, khu vực FDI còn tạo ra sự chuyển dịch ngành nghề trong xã hội, tạo việc làm cho 4,2 triệu lao động.

Vì vậy, cần có cái nhìn tích cực và khách quan đối với khu vực FDI. Khu vực FDI đã trở thành 1 phần không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng.

Vấn đề đặt ra là làm sao để khu vực tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo được sự liên kết giữa 2 khu vực để hỗ trợ bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Hiện tại, doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và thiếu tính liên kết trong kinh doanh.  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 9.

4. Năng suất lao động: Chuyện chính thức và chuyện không chính thức!

Ông Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết, năng suất lao động của Việt Nam có cải thiện đáng kể qua từng năm, tuy nhiên tính theo sức mua tương đương năm 2011, năn suất lao động của VN năm 2017 chỉ bằng 72% của Singapore, 18,4% của Mailaysia, , 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia, 55% của Philippin và 93,2% của Lào.

Năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực ASEAN là do tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và tăng lao động trong khi đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn rất thấp, năm 2017 đạt 45,9%.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt câu hỏi: "Vậy lao động Việt Nam đang ở đâu trong thế giới 4.0 này? Sẽ là quá muộn cho sân chơi kinh tế, mà ở đó luật chơi không dành cho những người không có sự chuẩn bị tâm thế của người trong cuộc"  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 10.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, năng suất lao động của Việt Nam thấp dù đã có nhiều cải thiện. Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá hiện hành, năng suất lao động tăng 6,6%, thuộc nhóm nước có tốc độ cao. Nhưng bình quân 10 năm chỉ tăng 4,4%.

Tuy nhiên, theo tổng hợp của Bộ LDTBXH, các chuyên gia đều cho rằng, nếu áp dụng phương pháp chung phù hợp với xu hướng quốc tế thì sẽ phải tính toán lại về năng suất lao động. Bởi vì, báo cáo hiện nay chưa tính hết kinh tế ngầm, hay nói cách khác là chưa đánh giá chính xác thu nhập không chính thức. "Nếu làm được việc này, tôi tin năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này!" – ông Đào Ngọc Dung nói.  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 11.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năng suất lao động là yếu tố cốt lõi nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc tận dụng cơ hội của các cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra được coi là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao năng suất lao động, giúp các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Nếu không tận dụng được cơ hội này, Việt Nam sẽ lại phải mất rất nhiều năm để có lại được cơ hội như thế.

Năm 2017, TFP tăng 2,6%, đóng góp 40,1% vào GDP. Tuy nhiên sự chuyển dịch này chưa rõ nét, trong khi các yếu tố như vốn, lao động không còn là lợi thế và thậm chí còn trở thành bất lợi cho Cách mạng 4.0.

Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành triển khai xây dựng các đề án về giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh chịu nhiều tác động và tận dụng cơ hội Cách mạng 4.0. Việc xây dựng chiến lược quốc gia phục vụ Cách mạng 4.0 đang được tiến hành. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện thành công các nhiệm vụ, sẽ tạo ra sự đột phá cho các lĩnh vực và cả nền kinh tế.  

Những điểm nóng về kinh tế trong hai ngày Quốc hội thảo luận  - Ảnh 12.

Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên