Những điều cần biết về việc thành lập "siêu Ủy ban 100 tỷ USD"
Yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải tách ra khỏi bộ chủ quản, song Dự thảo Nghị định về việc thành lập Ủy ban đại diện chủ sở hữu lại cho các địa phương giữ các doanh nghiệp này.
- 18-07-2016Khối tài sản 100 tỷ USD mà "Siêu ủy ban" doanh nghiệp quản lý có những gì?
- 17-07-2016“Siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước: Bộ nào bị đụng đến “nồi cơm” nhiều nhất?
- 15-07-2016Sắp thành lập “siêu Ủy ban” 5 triệu tỷ đồng, DNNN sẽ phải tách khỏi Bộ chủ quản
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa chính thức công bố dự thảo Nghị định về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước (Ủy ban) đối với 30 DNNN. Dưới đây là một số thông tin cơ bản cần biết được trích từ dự thảo.
Q: Siêu Ủy ban có quản lý, giám sát tất cả các DNNN?
A: Dự thảo Nghị định nêu rõ, Ủy ban sẽ chỉ quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước đối với 30 DN trong các lĩnh vực như điện lực, dầu khí, than khoáng sản, dệt may, viễn thông, hóa chất, cà phê, đường sắt, hàng hải, hàng không…
Các DNNN trực thuộc Ủy ban cấp tỉnh thì vẫn do cơ quan này quản lý. Các DN quốc phòng và an ninh sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước là do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Các Bộ quản lý ngành, chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu với các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.
Q: Việc thành lập siêu Ủy ban có mục tiêu gì?
A: Việc quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước là mục tiêu hàng đầu. Thực hiện chuyên trách, chuyên nghiệp chủ sở hữu Nhà nước, tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi các chức năng khác của nhà nước trong nền kinh tế.
Cải cách, cải thiện quản trị DNNN và quản trị tài sản. Đổi mới cách thức quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại DN theo quy luật thị trường.
Q: Chức năng của siêu Ủy ban quản lý giám sát vốn Nhà nước là gì?
A: Đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư. Thực hiện đầy đủ các thẩm quyền chủ sở hữu trừ thẩm quyền của Thủ tướng.
Trực tiếp hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách sở hữu nhà nước; tái cơ cấu và đổi mới DNNN; đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN trong toàn bộ nền kinh tế.
Q: Ủy ban sẽ thuộc cơ quan nào?
A: Đây là cơ quan trực thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực và không có chức năng ban hành văn bản pháp luật.
Ủy ban sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư.
Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ giám sát hoạt động của Ủy ban trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, Ủy ban sẽ chịu sự đánh giá, giám sát của nhân dân, báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội.
Q: Nhiệm vụ đặt ra với Ủy ban trong thực hiện quyền chủ sở hữu vốn Nhà nước là gì?
Bên cạnh việc thực hiện các quyền sở hữu có liên quan, Ủy ban sẽ xây dựng kế hoạch 05 năm và hàng năm trình Chính phủ về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước.
Thực hiện các hoạt động tái cơ cấu lại vốn theo phương án được Chính phủ phê duyệt; xây dựng danh mục đầu tư, đánh giá hiệu quả hoạt động; tổng hợp và công bố thông tin liên quan; kiến nghị với Chính phủ các vấn đề liên quan.
Ủy ban cũng có nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, thừa ủy quyền báo cáo Quốc hội các hoạt động định kỳ, hoặc đột xuất các vấn đề liên quan đến hoạt động của DNNN. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN; tham gia góp ý xây dựng các dự thảo quy định; quản lý tài chính, lao động, tiền lương…
Q: Ủy ban sẽ có quyền hạn gì đối với DNNN?
A: Bên cạnh việc thành lập mới DNNN theo chủ trương đã được Thủ tướng phê duyệt, Ủy ban sẽ quyết định các vấn đề theo đề nghị của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty như vốn điều lệ; điều lệ hoạt động; tổ chức lại hoặc chuyển đổi, giải thể, phá sản DN.
Ủy ban cũng có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương… cho Chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên; Kiểm soát viên; Tổng giám đốc…
Ngoài ra, các nội dung liên quan đến hoạt động của DNNN như chiến lược, kế hoạch phát triển; phương án huy động vốn; dự án đầu tư, mua bán trong và ngoài nước; góp vốn, chuyển nhượng vốn; báo cáo tài chính… Ủy ban cũng có quyền quản lý, giám sát.
Q: Các cơ quan sẽ thực hiện giám sát hoạt động của Ủy ban như thế nào?
A: Chính phủ sẽ thực hiện giám sát tình hình thực hiện và nhiệm vụ được giao trong quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại DN bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau.
Bên cạnh việc phải có báo cáo hàng năm trước ngày 31/5, Ủy ban có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động. Đồng thời, thực hiện kiểm toán độc lập các Báo cáo hoạt động thường niên; Ủy ban cũng là đối tượng thuộc kiểm toán nhà nước hàng năm và kiểm toán theo chuyên đề.
Các nội dung giám sát gồm: tài chính; thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh; tình hình quản trị, tổ chức quản lý, chế độ tiền lương, tiền thưởng, công tác quản lý cán bộ và lao động...