MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những khó khăn khiến doanh nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam bất lợi khi cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên chính "sân nhà"

Những khó khăn khiến doanh nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam bất lợi khi cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên chính "sân nhà"

Trên thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam, dù doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế nhất định khi nắm rõ hơn điều kiện tự nhiên, hiểu rõ quy chế, quy trình làm việc của từng địa phương đầu tư, nắm bắt nhanh sự thay đổi..., song vẫn còn tồn tại những khó khăn khiến họ gặp bất lợi so với các nhà đầu tư nước ngoài trên chính "sân nhà".

Những năm gần đây, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam liên tục thu hút dòng vốn ngoại lớn, trong bối cảnh nhu cầu nguồn điện carbon thấp của có xu hướng ngày càng tăng. Gần như từ con số 0, chỉ trong vài năm, Việt Nam đã phát triển trở thành thị trường hàng đầu Đông Nam Á về điện mặt trời, với tổng công suất tích lũy vào cuối năm 2020 đạt 9,3 GW, theo số liệu của theo Bloomberg.

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, ông Đỗ Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, một trong những đơn vị đã triển khai nhiều dự án năng lượng ở Việt Nam, cho biết, trên thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam, dù doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế khi nắm rõ hơn điều kiện tự nhiên, hiểu rõ quy chế, quy trình làm việc của từng địa phương đầu tư, nắm bắt nhanh sự thay đổi..., song vẫn còn tồn tại những khó khăn khiến doanh nghiệp Việt gặp bất lợi so với các nhà đầu tư nước ngoài trên chính "sân nhà".

Thứ nhất, hiện nay, hầu hết công nghệ năng lượng tái tạo, từ điện mặt trời đến điện gió và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, doanh nghiệp Việt vẫn đang phụ thuộc các thiết bị vào nguồn nước ngoài. 

Thật vậy, tổng mức đầu tư của các dự án điện tái tạo đã hoà lưới điện thời gian qua đã lên đến 13-15 tỷ USD, song phần lớn thiết bị, đáng kể nhất là pin mặt trời được nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn là Trung Quốc.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, doanh nghiệp tại Việt Nam nhập khẩu 36,2 triệu tấm pin mặt trời với giá trị 844,8 triệu USD trong năm 2019, tăng hơn 224% so với năm 2018. Sang năm 2020, lượng nhập khẩu tăng gấp 3 lần lên 114,6 triệu tấm pin với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD, tăng hơn 185% so với năm 2019.

Mặt khác, thị trường sản xuất tấm pin mặt trời trong nước cũng gần như hoàn toàn nằm trong tay khối doanh nghiệp FDI. Trong số 7-8 nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn tại Việt Nam, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp nội địa. 

Thứ hai, ông Kiên cho rằng, cách thức tiếp cận vốn cho các dự án Việt Nam, cũng như năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam là yếu hơn so với doanh nghiệp ngoại. 

"Mặt khác, năng lượng tái tạo là ngành nghề mới, nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này vẫn còn đang thiếu. Cùng với đó là khó khăn về hợp đồng mua bán điện PPA cũng như việc phải cắt giảm sản lượng do quá tải hoặc nhu cầu tiêu thụ điện giảm trong từng thời điểm" - ông Kiên cho biết thêm.

Bất chấp những khó khăn này, tiềm năng dồi dào, nhu cầu lớn vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện sẽ tạo hành lang cho các doanh nghiệp có thể tham gia cạnh tranh trên thị trường năng lượng tái tạo.

Do đó, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, để thực sự khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cần có những cơ chế chính sách cụ thể và đủ mạnh. Các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia nếu được hỗ trợ và có sân chơi bình đẳng… Cụ thể, trước mắt có thể miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ giá hoặc thiết bị cho các hộ nghèo, vùng sâu vùng xa và nông thôn…

Hoàng Hà

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên