MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người khổ nhất trên siêu du thuyền trở thành ổ dịch corona lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc: Thủy thủ đoàn

13-02-2020 - 11:36 AM | Tài chính quốc tế

Một thành viên thủy thủ đoàn trên tàu du lịch Diamond Princess, đang bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản để ngăn chặn virus corona lây lan, nhấn mạnh rằng họ chính là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Không được cách ly giống hành khách, hơn 1.000 thành viên thủy thủ đoàn trên siêu tàu du lịch Diamond Princess vẫn phải làm việc để phục vụ hơn 2.600 người đang bị cách ly. Hàng trăm người dương tính với virus corola là lý do khiến Chính phủ Nhật Bản không cho phép người trên tàu xuống đất liền, biến nó thành ổ dịch lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Chở theo 3.700 hành khách và thành viên phi hành đoàn, tàu Diamond Princess buộc phải vật vờ ngoài khơi thành phố Yokohama sau khi hàng chục trường hợp được phát hiện dương tính với virus corona chủng mới hồi đầu tháng. Với số ca mới tăng từng ngày, hiện tại, có 175 người trên tàu được xác nhận đã nhiễm bệnh. Họ được đưa tới các bệnh viện địa phương để chữa trị trong khi thủy thủ đoàn và hành khách tiếp tục bị cách ly.

Thế giới đang rất quan tâm đến tình trạng của hành khách trên tàu Diamond Princess, những người tới từ nhiều quốc gia trên thế giới, bỏ ra hàng nghìn USD cho hành trình đáng mơ ước này nhưng đang bị cô lập trên biển. Thời gian cách ly dự kiến kết thúc vào ngày 19/2. Tuy nhiên, từ nay tới lúc ấy, hành khách vẫn chỉ được rời khỏi buồng trong một thời gian giới hạn. Hít thở không khí trong lành là điều xa xỉ.

Những người khổ nhất trên siêu du thuyền trở thành ổ dịch corona lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc: Thủy thủ đoàn - Ảnh 1.

Trong khi hành khách bị cách ly, thủy thủ đoàn vẫn tiếp tục phải làm việc, cung cấp thực phẩm hay tương tác với hành khách có nguy cơ nhiễm bệnh trên tàu. Dù mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay nhưng nguy cơ phơi nhiễm là điều không thể tránh khỏi.

Trao đổi với CNN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Gaku Hashimoto cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Chúng tôi cũng biết rằng các thành viên thủy thủ đoàn không có phòng riêng như hành khách và họ phải làm việc và điều đó hoàn toàn không giống nhau. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng đưa cho mọi người hướng dẫn để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh".

Trong tuyên bố chính thức, Princess Cruises, công ty sở hữu con tàu, cho biết tất cả thành viên thủy thủ đoàn đề được Bộ Y tế Nhật Bản kiểm tra sức khỏe và đang "hoàn thành tốt nhiệm vụ". Khi không làm việc, những thành viên thủy thủ đoàn cũng được yêu cầu ở trong phòng của họ, công ty nói thêm.

Về phần mình, các thành viên thủy thủ đoàn cho biết họ chỉ muốn được an toàn. Sonali Thakkar, 24 tuổi, tới từ Mumbai. Cô làm việc cho Princess Cruises được 2 năm. Thakkar là nhân viên an ninh trên tàu, phụ trách đón và trả hành khách. Thakkar cho biết cô và đồng nghiệp, người ở chung phòng, đều có biểu hiện đau đầu, ho và sốt 2 ngày trước. Người phụ trách yêu cầu cô ngừng làm việc và ở yên trong phòng của mình.

"Tôi thấy khó ăn và bị sốt. Tất cả chúng tôi đề sợ hãi và căng thẳng", Thakkar chia sẻ với CNN thông qua cuộc gọi Skype. Cô gái 24 tuổi lo sợ rằng virus có thể lây lan giữa các thành viên thủy thủ đoàn. Ít nhất 5 người trong số họ đã nhiễm bệnh. Trước đó, họ sống, làm việc gần gũi với nhau, cùng ở chung buồng, cùng ăn uống.

Chính việc không thể xác định ai nhiễm virus, ai khỏe mạnh làm dấy lên nguy cơ lây lan nhanh giữa những người thường xuyên phải tiếp xúc với nhau. Việc tiếp xúc với hành khách cũng làm tăng nguy cơ bị phơi nhiễm sau khi được kiểm tra y tế.

"Chúng tôi chỉ mong muốn mọi thành viên thủy thủ đoàn đều được xét nghiệm và tách biệt với những người nhiễm bệnh", Thakkar chia sẻ.

Những người khổ nhất trên siêu du thuyền trở thành ổ dịch corona lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc: Thủy thủ đoàn - Ảnh 3.

Cô gái 24 tuổi cũng nói rõ bản thân cô không chỉ trích công ty hay chính quyền. Thủy thủ đoàn cũng tận tâm làm việc nhưng họ chỉ muốn được đảm bảo làm việc trong một môi trường an toàn, nơi họ chắc chắn rằng "mình sẽ không phải người tiếp theo bị nhiễm bệnh".

"Chúng tôi chỉ muốn được an toàn. Chúng tôi không thấy mình được an toàn ở đây bởi có rất nhiều người", Thakkar nói.

Hôm 12/2, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản cho biết một nhân viên kiểm soát dịch bệnh, người lên trên tàu để hỗ trợ cách ly những người dương tính với virus corona, đã bị nhiễm bệnh.

Trong khi Nhật Bản tiến hành cô lập tàu Diamond Princess, nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của phương pháp này. Peter Hotez, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới của trường y khoa Baylor College, cho biết có những quan ngại cho thấy Nhật Bản và tàu Diamond Princess đã không xử lý tình huống đúng cách.

"Chúng tôi biết rằng chúng tôi biết rằng có những người nhiễm bệnh và được đưa khỏi tàu. Vì sao không đưa tất cả khỏi tàu một cách an toàn để làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho những người khác", ông Hotez nói.

Trong khi đó, Giáo sư miễn dịch học Eric Rubin của trường Harvard, cho biết: "Giữ tất cả mọi người trên tàu làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho thủy thủ đoàn. Tôi thấy người ta nghĩ nhiều cho hành khách mà không mấy để tâm đến rủi ro cho thủy thủ đoàn. Tàu là một môi trường khép kín, nơi hoàn hảo cho mọi căn bệnh truyền nhiễm".

Về phần mình, Phó chủ tịch điều hành Princess Cruise Rai Caluori nhấn mạnh việc phục vụ đồ ăn cho hành khách trên tàu hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Y tế Nhật Bản. Những người làm việc trên tàu sẽ được nhận "lương bình thường, tiền thưởng cũng như thời gian nghỉ có lương sau khi thời gian cách ly kết thúc".

Những người khổ nhất trên siêu du thuyền trở thành ổ dịch corona lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc: Thủy thủ đoàn - Ảnh 4.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên