MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nhận thức mới về chuyển đổi số Việt Nam

01-07-2023 - 17:30 PM | Kinh tế số

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam…

Ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT. Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến hơn 60 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham dự của các doanh nghiệp, các Hội, Hiệp hội trong lĩnh vực TT&TT, các Sở TT&TT, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Khẳng định nhận thức mới dẫn đến các quyết định mới là yếu tố quan trọng số một, người đứng đầu ngành TT&TT đã chỉ ra một số nhận thức mới được phát hiện trong nửa đầu năm nay. Đó là, muốn phát triển bền vững, đi nhanh, đi xa thì cần phải có lý luận; ứng biến linh hoạt, ngắn hạn phải gắn với các định hướng, mục tiêu chung và dài hạn. Lý luận không chỉ ở tầm quốc gia mà phải cả ở tầm các tổ chức; trong một thế giới vạn biến, không có lý luận, người đứng đầu tổ chức khó ra được quyết định lớn.

Những nhận thức mới về chuyển đổi số Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đi đều “2 chân”: Phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc và đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tàu. Từ cái mới triển khai thành công của các đầu tàu thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập là việc quan trọng của quản lý nhà nước.

Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam. Bộ trưởng cũng đã chia sẻ những quan điểm trong quản lý của Bộ TT&TT, đó là: Chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thời chuyển đổi số thì phải có đầu tư tập trung; lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam; bảo vệ an toàn cho người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng; phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đi từ dịch vụ đến công nghiệp và từ đó đến công nghệ; truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vì vậy chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và có ngân sách hàng năm cho truyền thông, đặt hàng báo chí; báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ để mỗi cơ quan báo chí trở thành một nền tảng số...

Được biết, trong nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, 6 tháng đầu năm 2023, ngành TT&TT đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành. Điều đó được thể hiện qua những con số phát triển của lĩnh vực cụ thể.

Lũy kế giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tính đến ngày 18/6/2023 đạt 1.390.531.489 giao dịch; 100% bộ, ngành địa phương đã ban hành, cập nhật kiến trúc chính phủ  điện tử 2.0; 100% địa phương đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, kiện  toàn, thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 100% bộ, ngành, địa phương đã  ban hành kế hoạch/đề án về chuyển đổi số.

Tính đến ngày 18/6/2023, đã có 63/63 địa phương trên cả nước thành lập 74.521 Tổ CNSCĐ với 348.629 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố, trong đó 52/63 địa phương hoàn thành 100% đến cấp xã.

Những nhận thức mới về chuyển đổi số Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Phan Tâm và Nguyễn Thanh Lâm đã trả lời thẳng thắn các vấn đề về ngành TT&TT, đưa ra hướng giải quyết cụ thể ngay tại Hội nghị.

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 được đặt ra đối với công tác chuyển đổi số quốc gia đó là: Hoàn thiện Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; Đôn đốc các bộ ngành, địa phương công bố danh mục, xây dựng lộ trình về kết nối chia sẻ về các cơ sở dữ liệu; Triển khai các giải pháp phát triển các nền tảng số quốc gia;

Tổ chức triển khai hoạt động Cơ quan thường trực UBQG về chuyển đổi số để dẫn dắt, điều phối hoạt động chuyển đổi số trên quy mô quốc gia; Triển khai phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số theo kế hoạch để thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 8/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội; Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.

Trong lĩnh vực Chính phủ số, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05/6/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với chủ đề “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến”.

Đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức phiên họp chuyên đề của UBQG về CĐS nhằm nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Đồng thời, giới thiệu về dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá các Cổng DVC, phương pháp đánh giá, kết quả đánh giá thử nghiệm và đề xuất lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Tỷ lệ DVCTT toàn trình đủ điều kiện đạt 90,66%, đạt 90,66% kế hoạch năm 2023 (mục tiêu năm 2023 là 100%). Hiện có 80/83 bộ, tỉnh đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (còn thành phố Hà Nội, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Nông chưa ban hành); Tính đến ngày 19/6/2023, tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến (HSTT) đạt 53,77% (mục tiêu năm 2023 là 80%); Tỷ lệ HSTT toàn trình đạt 39,21% (mục tiêu năm 2023 là 60%).

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 được đặt ra đó là triển khai các nội dung để cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước tuân thủ Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, đặc biệt là cung cấp DVCTT toàn trình, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mong muốn và thực sự sử dụng hiệu quả DVCTT.

Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục thúc đẩy phát triển các nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử…


Theo Phạm Lê

Vnmedia

Trở lên trên