Những thế hệ doanh nhân giàu hoài bão làm rạng rỡ Việt Nam
Hơn 30 năm đổi mới đã tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, với khát vọng đưa các sản phẩm Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng cao, vươn tầm thế giới.
Trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, không thể không nhắc tới đóng góp của lực lượng doanh nhân. Nếu như trong thời chiến, mỗi người lính là một mặt trận - xung kích trên chiến trường, tô thắm cho lá cờ quyết thắng, thì ở thời bình, mỗi doanh nhân là một chiến sỹ trên mặt trận kinh tế-xã hội. Hơn 30 năm đổi mới đã và đang tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, với khát vọng và thành tựu lớn hơn, mong mỏi đưa thương hiệu, đưa các sản phẩm Việt Nam có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, vươn tầm thế giới.
“Một trong những ý tưởng của chúng tôi là đem trí tuệ Việt Nam ra khỏi biên giới của đất nước, mở rộng bờ cõi trí tuệ đất nước. Ý nguyện rất lớn, nhưng khi làm thì chúng tôi lập tức vấp phải thất bại. Chúng tôi đã sang Mỹ mở công ty tại Silicon Valley và tại Ấn độ và tất cả phải đóng cửa trong vòng 2 năm, nhưng đó là cái giá phải trả, không chỉ nhằm thành công ở Việt Nam mà lan ra toàn cầu”, doanh nhân Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Không nản lòng sau vấp ngã, doanh nhân Trương Gia Bình cùng các cộng sự vun đắp ý chí, tập trung ba thế mạnh cốt lõi: tư duy nghĩ lớn - tiếp cận thông minh - phát triển tốc độ; nguồn nhân lực chất lượng cao và nền tảng công nghệ - đưa FPT lớn mạnh như ý nguyện ban đầu. Từ một công ty chuyên gia công phần mềm, FPT trở thành đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn quốc tế, với những công nghệ trọn gói made in FPT-Made in Việt Nam. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - đòi hỏi về chuyển đổi số nhanh, mạnh - FPT cũng đang là một trong những doanh nghiệp tiên phong…
"Đất nước muốn phát triển thì nhiều doanh nghiệp phải lớn mới tạo ra được công ăn việc làm, mới tạo tăng trưởng được".
Ở một lĩnh vực khác có đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế đất nước, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn du lịch Thiên Minh (TMG Group) là ví dụ điển hình về sức sáng tạo không ngừng. Dù không được đào tạo bài bản về kinh tế, du lịch, nhờ học hỏi, sáng tạo, doanh nhân này xây dựng được thương hiệu và nhân hiệu đáng nể.
Từ một công ty nhỏ với mô hình hoạt động hoàn toàn mới - du lịch mạo hiểm, Thiên Minh đã phát triển tới 18 quốc gia, trở thành một trong những công ty lữ hành hàng đầu Châu Á với giá trị vốn hóa cao, sở hữu chuỗi khách sạn hạng sang ở nhiều khu vực trung tâm cùng nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp. Thiên Minh đang “lấn sân” hoạt động hàng không dân dụng, với tiềm năng lớn. “Muốn phát triển được, phải nghĩ lớn, phải cạnh tranh lành mạnh, công bằng” là nguyên tắc, cũng là mối quan tâm thường trực trong doanh nhân Trần Trọng Kiên.
“Đất nước muốn phát triển thì nhiều doanh nghiệp phải lớn mới tạo ra được công ăn việc làm, mới tạo tăng trưởng được. Tập đoàn TMG chúng tôi mong muốn tăng trưởng tiếp. Chúng tôi sẽ cố gắng để trở thành công ty tỷ USD, có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến tầm chục triệu người và đóng góp cho sự phát triển phồn thịnh của Việt Nam”, ông Trần Trọng Kiên nói.
Không chỉ nỗ lực vươn ra biển lớn, nhiều doanh nhân như ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn xây dựng Hòa Bình còn hy vọng, “đưa xây dựng Việt Nam lên vị trí số một trên trường quốc tế”.
“Việt Nam có nhiều cái là số một: số một về cà phê, số 1 về xuất khẩu gạo. Trong chiến tranh, Việt Nam là đội quân xuất sắc nhất thế giới... Tại sao xây dựng không thể trở thành số một? Được tiếp thu công nghệ mới nhất, Vinfast họ làm nhà máy trong 21 tháng; Hoà Phát làm nhà máy hàng chục triệu tấn thép cũng chỉ trong 18 tháng đã có sản phẩm. Đó là những kỷ lục về đầu tư xây dựng. Chúng ta có cơ hội để đưa xây dựng trở thành số 1. Một doanh nghiệp không thể làm nên tên tuổi cả ngành, chúng ta cần sự cộng hưởng các nguồn lực, phải có những phát minh riêng, khai thác năng lực sáng tạo của Việt Nam”, doanh nhân Lê Viết Hải cho hay.
Họ là những doanh nhân “đời đầu”, vượt qua nhiều khó khăn, đã và đang tạo dựng thương hiệu, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đáng chú ý, cùng với khát vọng phát triển doanh nghiệp, phát triển thương hiệu nội ngành, họ dành nguồn lực “vun trồng” những thế hệ doanh nhân mới, với năng lực sáng tạo vượt trội, hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ cao. Họ coi đó là trách nhiệm xã hội của doanh nhân-doanh nghiệp trưởng thành.
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ khẳng định: “Sau 20 năm phát triển, Câu lạc bộ Sao đỏ đã có khoảng 100 doanh nhân và cũng có 20 năm sản sinh ra các doanh nhân hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài phát triển đóng góp về mặt kinh tế, chúng tôi còn đóng góp xây dựng cộng đồng. Chỉ riêng dịch Covid-19 hồi đầu năm, Câu lạc bộ đã đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện 194 tỉ đồng. Một trong 5 mục tiêu lớn nhất của Sao đỏ là hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Chúng tôi cam kết không những về mặt trí tuệ, chất xám mà còn đồng hành với sự thành công của các ý tưởng này, phải làm ra tiền, ra sản phẩm, ra nhiều doanh nhân tài năng tương lai cho xã hội, ích lợi với cộng đồng”.
Để đạt được ý nguyện này, để kinh tế Việt Nam có được thế hệ doanh nhân giàu bản lĩnh, có được những doanh nghiệp có sức cạnh tranh lớn trên thương trường, các doanh nhân Sao đỏ cho rằng, ngoài sức sáng tạo, doanh nghiệp trẻ cần được vun đắp ý chí từ thế hệ đi trước.
Còn điều kiện đủ, theo doanh nhân trẻ Mai Duy Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng: “Cần phải có một đường băng đủ tốt. Tạo ra các đường băng thôi. Đó phải là những cơ chế mới, hoàn toàn cho phép phá vỡ những cách thức truyền thống, lối mòn, vì nếu đi theo đường mòn, không bao giờ thành công được. Không cần phải đổ xăng cho các doanh nghiệp, không cần bơm vốn cho doanh nghiệp, chỉ cần tạo ra đường băng- hành lang thông thoáng cho các nhà đầu tư, để họ đổ xăng cho doanh nghiệp Việt Nam cất cánh, lớn lên”./.
VOV