MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "tư lệnh" nào sẽ ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này?

27-10-2018 - 16:26 PM | Xã hội

Theo chương trình mới có sự điều chỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng sẽ trả lời chất vấn nếu đại biểu QH đặt câu hỏi.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khoá XIV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 30-10 và kéo dài trong 3 ngày, đến hết ngày 1-11.

8 giờ sáng thứ ba (30-10), ngay sau khi Chủ tịch QH phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, QH sẽ nghe các báo cáo.

Tiếp theo đó, đại biểu QH chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Những tư lệnh nào sẽ ngồi ghế nóng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này? - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) chất vấn tại một kỳ họp

Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, từ 15 giờ 50 đến 16 giờ 35 ngày 1-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Như vậy, người đứng đầu Chính phủ sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn trước QH.

Lý do điều chỉnh được đưa ra là "do chương trình hoạt động đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn, chỉ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên chất vấn".

Thông thường, tại kỳ họp giữa năm của QH, Thủ tướng sẽ uỷ quyền cho một Phó thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn. Còn ở kỳ họp cuối năm, đích thân Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu QH.

Vì đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên trong hoạt động chất vấn, QH sẽ không lựa chọn "cứng" danh sách 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề như các kỳ họp thông thường.

Thay vào đó, Theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, QH sẽ nghe các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV, nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5.

Sau đó, các đại biểu QH sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 của QH khóa XIV.

Như vậy, bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng sẽ trả lời chất vấn nếu đại biểu QH đặt câu hỏi.

Các báo cáo QH sẽ nghe trước khi chất vấn

Sáng 30-10, ngay sau khi Chủ tịch QH phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, QH sẽ nghe các báo cáo.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV (25 phút).

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV (15 phút).

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV (15 phút).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV (20 phút).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV (15 phút).

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên