Những yếu tố nào tạo áp lực lên lạm phát năm nay?
Tổng cục Thống kê cho rằng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm không hề nhỏ dù chỉ số giá tiêu dùng trung bình quý I chỉ tăng 0,29% so với quý I năm ngoái.
- 06-04-2021Lãi suất và áp lực giảm lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
- 19-03-2021Nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh gây sức ép lạm phát
- 10-03-2021HSBC đưa ra nhiều dự báo về định hướng chính sách tiền tệ, lạm phát và tăng trưởng GDP Việt Nam
CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29% so với quý I/2020, mức thấp nhất kể từ 2002. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng áp lực lạm phát không hề nhỏ từ nay đến cuối năm, nhất là trong bối cảnh mức nền lạm phát thấp của năm ngoái, do giá xăng chạm đáy vì chịu tác động của dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết yếu tố đầu tiên tác động đến lạm phát năm nay đó là sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu bởi nhiều nước trên thế giới đã tiêm chủng vaccine Covid-19 rộng rãi. Kinh tế phục hồi, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng lên khiến mặt bằng chung giá cả hàng hóa cũng tăng theo.
Đồng thời, việc doanh nghiệp thích ứng với điều kiện bình thường mới, hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ sôi động trở lại, từ đó nhu cầu về vốn, nhiên, nguyên vật liệu cũng tăng theo. Bên cạnh đó, sức tiêu dùng của người dân cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái thời điểm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những chỉ bảo cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế được thể hiện qua kết quả GDP tăng 4,48% trong 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 5,1%.
Yếu tố thứ hai tác động đến lạm phát đó là diễn biến phức tạp của giá dầu. OPEC và các nước đồng minh đã duy trì mức khai thác sản lượng dầu thấp hơn so với nhu cầu, làm cho giá dầu thế giới tăng. Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê giá dầu Brent bình quân quý I ở mức hơn 60 USD/thùng, tăng hơn 20%/thùng so với tháng 12/2020 và so với quý I năm ngoái.
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng dầu tỷ lệ thuận với mức phục hồi của nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã 5 lần điều chỉnh giá xăng dầu, làm cho giá xăng A95 tăng 2.570 đồng/lít so với tháng 12/2020. Tương tự, giá xăng E5 tăng 2.340 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 1.870 đồng/lít. Bình quân quý I, giá xăng dầu trong nước tăng gần 11% so với tháng 12/2020. Hiện Việt Nam vẫn nhập khẩu lượng lớn xăng dầu để phục vụ nhu cầu trong nước. Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu dầu thô ước đạt 384 triệu USD trong quý I nhưng nhập khẩu lại tăng hơn gấp đôi, ở mức 772 triệu USD. Vì vậy, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước, kéo theo sự biến động về giá các mặt hàng.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân của năm nay sẽ ở mức 60 USD/thùng, tăng 40% so với 2020. Dựa trên dự báo này, Tổng cục Thống kê đã tính toán và dự kiến giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng 25% so với 2020, làm CPI tăng 0,9 điểm phần trăm trong năm nay.
Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương cũng đưa ra những gói tài khóa, nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau khi chịu tác động của dịch Covid-19 trị giá hàng tỷ USD... đây cũng là những áp lực đối với lạm phát.
Ngoài ra, việc điều hành giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý phải tiếp tục thực hiện theo lộ trình điều chỉnh tăng như giá dịch vụ y tế, giáo dục theo đại diện Tổng cục Thống kê cũng sẽ tác động đến CPI.
“Theo quan sát của chúng tôi, với kinh nghiệm điều hành và sự quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành giá, mục tiêu CPI dưới 4% hoàn toàn thực hiện được”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.
Dù vậy, để thực hiện được mục tiêu lạm phát dưới 4%, Tổng cục Thống kê khuyến nghị việc điều chỉnh giá những mặt hàng do nhà nước quản lý cần phải đúng thời điểm và đúng liều lượng, tận dụng những tháng có chỉ số CPI tăng cao để điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, như vậy sẽ hạn chế được lạm phát kỳ vọng. Đồng thời, không tăng giá vào những tháng CPI năm 2020 đã ở mức thấp để giữ được mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 4 này không nên tăng giá những mặt hàng do nhà nước quản lý bởi tháng 4 năm ngoái lạm phát giảm khá sâu, 1,54%.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá các mặt hàng không nên dồn vào những tháng cuối năm. Bởi đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nếu tăng giá những dịch vụ vào thời điểm này sẽ khiến CPI liên tục tăng cao, lạm phát kỳ vọng rất lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát năm sau.
Đối với dịch vụ y tế, Tổng cục Thống kê khuyến nghị nên điều chỉnh chi phí trong dịch vụ khám chữa bệnh vào tháng 7 và 8 như thường lệ. Đối với mặt hàng xăng dầu, cơ quan thống kê đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo sát sao việc thay đổi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới, kết hợp với quỹ bình ổn giá để giá những mặt hàng này không tác động làm tăng quá cao đối với CPI.
Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước được khuyến nghị sử dụng đồng bộ và linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19 để không tạo áp lực cho lạm phát năm nay.
Người đồng hành