MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niềm tin đặt nhầm chỗ, nhà giàu dễ mất tiền tỷ như chơi

11-12-2016 - 15:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Liên tiếp các vụ mất tiền tỷ xảy ra thời gian qua vì người dân đặt niềm tin trọn vẹn vào nhân viên viên ngân hàng. Tiền có lấy lại được hay không còn phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng thứ mất ngay trước mắt là người có tiền hoang mang còn uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Tiền tỷ "bốc hơi"

Mới đây, một cán bộ thủ quỹ của Ngân hàng VIB ở Quảng Ninh tên là Bùi Phương Thảo (42 tuổi) lợi dụng uy tín cá nhân và gia đình đã huy động tới hơn 400 tỷ đồng của người dân ở Quảng Ninh và Hà Nội rồi “biến mất” vì không có khả năng thanh toán.

Khi sự việc xảy ra, nhiều người dân đến nhà của bà Thảo để đòi tiền nhưng không được, sau đó báo lên cơ quan chức năng. Phía ngân hàng VIB sau khi nhận được thông tin đã tiến hành tra soát trên hệ thống cho thấy không có bất cứ thiệt hại nào xảy ra với ngân hàng và khách hàng. Các giao dịch liên quan tới hơn 400 tỷ đồng được đề cập là xảy ra bên ngoài ngân hàng. Ngân hàng này khẳng định rằng, những giao dịch giữa các cá nhân với nhau không thuộc thẩm quyền giải quyết của VIB. Hoạt động của VIB tại Quảng Ninh vẫn diễn ra bình thường, mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được ngân hàng đảm bảo an toàn.

Còn theo xác minh của cơ quan điều tra, với tư cách cá nhân, Bùi Phương Thảo đã huy động của người dân lên đến hơn 400 tỷ đồng. Có người vì tin tưởng bà Thảo đã gửi tới hàng chục tỷ đồng. Chiều ngày 9/12, cơ quan công an đã vận động gia đình, bản thân Thảo đến khai báo và nguyên thủ quỹ của VIB cuối cùng cũng đồng ý ra trình diện công an.

Trước đó hồi tháng 9 cũng xảy ra một vụ việc cán bộ của ngân hàng Eximbank Nghệ An là Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng niềm tin của khách hàng chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng. Cụ thể, lợi dụng vị trí công tác là cán bộ kiểm ngân và mối quan hệ mật thiết với khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch, Lam đã giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống, đề nghị khách hàng ký vào, sau đó, thực hiện giao dịch rút tiền hoặc chuyển khoản tiền của các khách hàng đến các tài khoản khác. Sau một thời gian ngắn chơi trò “mất tích”, Lam cũng ra trình diện cơ quan điều tra.

Một vụ việc khác xảy ra từ năm 2011 mà đến nay vẫn còn “nóng hổi” đó là liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp vì tin tưởng Huyền Như, nguyên cán bộ của VietinBank Nhà Bè, mà gửi hàng trăm tỷ đồng rồi bị Huyền Như chiếm đoạt.

Hàng trăm bài học nhưng vẫn là…mới

Một vài ví dụ trên đây để cho thấy có không ít các cán bộ ngân hàng không có đạo đức nghề nghiệp, đã lợi dụng niềm tin của khách hàng để chiếm đoạt tài sản với số tiền không chỉ vài chục triệu, vài trăm triệu hay vài tỷ đồng mà lên tới hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Nhưng nói đi cũng cần phải ngó lại, những vụ việc để mất tiền không phải lỗi hoàn toàn do phía ngân hàng hay nhân viên ngân hàng, mà có cả lỗi của khách hàng. Bởi lẽ, người có tiền, mà hầu hết là người nhiều tiền, có thể vì niềm tin vào cán bộ ngân hàng, đôi khi còn bị lãi suất cao che mắt, mà không tính đến rủi ro, khiến cho kẻ xấu có cơ hội chiếm đoạt tài sản.

Khi các sự việc xảy ra, tiền có đòi lại được không thì còn phải chờ cơ quan chức năng, công an vào cuộc điều tra, nhưng có điều chắc chắn mất ngay lập tức đó là tiền của họ bị treo một chỗ lại thêm gánh nặng hoang mang, còn uy tín của ngân hàng nơi có những cán bộ kia làm việc thì bị ảnh hưởng ít nhiều.

Và thêm điều đáng chú ý là, các sự việc như đề cập trên không phải chỉ xảy ra một vài lần mà đã xảy ra rất nhiều lần, vụ việc nào cũng để lại bài học đắt giá, cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh xã hội phải cảnh giác, song dường như vẫn còn hoàn toàn mẻ với nhiều người.

Theo chuyên gia, để phòng tránh những trường hợp như vậy xảy ra, người gửi tiền cần hết sức tỉnh táo, chớ vội đặt niềm tin trọn vẹn vào người mang "mác" nhân viên ngân hàng làm việc bên ngoài.

Khi có tiền gửi, người dân cần đến ngân hàng gửi tiền và nhận về chứng chỉ tiền gửi hoặc hợp đồng tiền gửi, hoặc nếu không đến tận nơi thì phải có đầy đủ giấy tờ và phải xác minh rõ với phía ngân hàng. Khi giao dịch online, người gửi tiền cũng phải hết sức thận trọng với các thông tin trên website để tránh vào website giả mạo hoặc bị hack thông tin. Một bước cẩn thận không thừa đó là kiểm tra lại từ phía ngân hàng sau khi thực hiện giao dịch gửi tiền và nên thường xuyên kiểm tra tài khoản. Có như vậy, khi sự việc không may xảy ra thì người gửi tiền vẫn có chứng cứ và ngân hàng sẽ có trách nhiệm hoàn toàn.

Còn nếu các cá nhân tự giao dịch với nhau, không có giấy tờ gì thì rất khó để tìm kiếm người chịu trách nhiệm. Lúc này người dân cần trình báo ngay với cơ quan chức năng để có thể thu hồi lại được tài sản.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên