MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ninh Thuận nỗ lực giải ngân đầu tư công: "Ai không làm tỉnh sẽ kiểm điểm"

Tính đến thời điểm này, Ninh Thuận giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 52%. Thời gian còn lại, các chủ đầu tư phải cam kết về tiến độ hoàn thành dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, quý.

Hiện UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn, nhất là các dự án trọng điểm, kết nối về giao thông, thuỷ lợi… phấn đấu đến cuối năm 2023 giải ngân trên 95% - 100% kế hoạch vốn được giao.

Vướng thủ tục, cơ chế

Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 là một trong 4 dự án trọng điểm trong năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận. Dự án dài hơn 10 km với tổng vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng (vốn trung ương hơn 600 tỷ đồng), được khởi công cuối năm 2022, đến nay, thi công đạt khoảng 45% khối lượng công trình và giải ngân vốn hơn 143 tỷ đồng, đạt 57%. Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng cuối 3/2024.

Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ thực hiện dự án trên là rất nhanh, tuy nhiên do đang trình Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh nguồn vốn trung hạn nên dự án cũng đang chờ vốn.

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Hiện nay tỉnh có hai dự án, do khó khăn vướng mắc chuyển đổi rừng, đất rừng nên khả năng tiến độ giải ngân không hết. Một là dự án đường từ xã Ma Nới đi Tà Năng, dự án này từ tháng 7 tỉnh đề xuất với Trung ương nhưng do quy trình theo luật là phải lấy ý kiến của các bộ, ngành. Đến nay Bộ Kế hoạch đầu tư đã trình Thủ tướng, khi Thủ tướng chấp thuận thì tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân".

Ninh Thuận nỗ lực giải ngân đầu tư công: "Ai không làm tỉnh sẽ kiểm điểm" - Ảnh 1.

Các nhà thầu đang thi công đắp nền đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 (Ảnh: Đoàn Sĩ)

Dự án đường từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có tổng chiều dài hơn 41km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Thuận gần 24 km. Hiện dự án đang chờ xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi rừng, đất rừng do dự án nằm trong phạm vi rừng phòng hộ. Liên quan đến vướng mắc chuyển đổi rừng, đất rừng còn có dự án Hồ sông Than, với 112 ha trong lòng hồ vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.

Tính đến ngày 16/10, kết quả giải ngân trên 1.500 tỷ đồng, đạt 51.9% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước hơn 1.183 tỷ đồng, vốn nước ngoài hơn 367 tỷ đồng.

Ngoài vướng mắc về thủ tục, cơ chế, việc giải ngân chưa đạt mục tiêu đề ra còn một phần do nguồn thu sử dụng đất. Hiện các dự án được bố trí từ nguồn vốn này chưa có nguồn để giải ngân.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, tổng nguồn thu sử dụng đất của tỉnh là 200 tỷ đồng, nhưng đến giữa tháng 10 chỉ thu được 25 tỷ đồng.

Liên quan vấn đề trên, ông Lê Minh Sơn, Phó trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết, riêng nguồn vốn sử dụng đất, kế hoạch tỉnh giao 40 tỷ đồng, huyện cân đối thêm hơn 40 tỷ nữa, nhưng do năm nay thị trường bất động sản trầm lắng, nên gặp khó.

Ninh Thuận nỗ lực giải ngân đầu tư công: "Ai không làm tỉnh sẽ kiểm điểm" - Ảnh 2.

Cầu Sông Trăng trên đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 (Ảnh: Đoàn Sĩ)

"Hiện nay nguồn vốn này giải ngân thấp là do khả năng thực hiện mới đạt hơn 10 tỷ đồng, xấp xỉ gần 10-11%" - ông Sơn cho biết thêm.

Kiên quyết với các chủ đầu tư

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 đạt mục tiêu đến cuối năm giải ngân 95-100% kế hoạch được giao, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp tăng thu ngân sách từ đất đai nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn đế thực hiện các dự án theo kế hoạch đã giao. Thường xuyên kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ dự án, chất lượng công trình.

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm: "Đối với các chủ đầu tư, phải cam kết về tiến độ hoàn thành dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, quý. Trong thời gian còn lại của quý 4 này, ai không làm tỉnh sẽ kiểm điểm, thậm chí xử lý về hành chính".

Ninh Thuận nỗ lực giải ngân đầu tư công: "Ai không làm tỉnh sẽ kiểm điểm" - Ảnh 3.

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Đoàn Sĩ)

"Đối với các nhà thầu chây ỳ, thiếu năng lực thì xử lý theo đúng quy định pháp luật. Còn về giải phóng mặt bằng, tỉnh có chỉ đạo mặt trận, tổ chức chính trị vào cuộc, để đi vận động, tinh thần cái gì khó cho dân thì gỡ, ngược lại cái gì đã giải quyết hết quyền lợi chính đáng cho người dân, luật đã hết khung thì phải xử lý theo luật" - ông Hoàng nói.

Trong năm 2023, Ninh Thuận xác định các công trình trọng điểm gồm: Dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - tiểu dự án TP. Phan Rang – Tháp Chàm; dự án Hồ sông Than; dự án đường kết nối liên vùng; dự án đường nối cao tốc cần tập trung triển khai.

Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, để tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt mục tiêu kế hoạch, ngoài việc nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương cũng cần sự chung tay của các bộ, ngành Trung ương trong việc tháo gỡ các vướng mắc.

Theo Đoàn Sĩ

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên