MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ công Việt Nam tăng chóng mặt lên đến 2,3 triệu tỷ đồng, do đâu?

Vốn giao chưa đảm bảo tiến độ nhiều dự án, dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách. Đây là một trong số những nguyên nhân khiến nợ công Việt Nam tăng “không ngừng nghỉ” được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

nợ công đến 31/12/2014 là 2,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ Chính phủ là 1,8 triệu tỷ đồng, bằng 46,4% GDP, chiếm 79,95% nợ công; nợ được Chính phủ bảo lãnh là 0,42 triệu tỷ đồng, chiếm 18,5% nợ công; nợ chính quyền địa phương là 0,035 triệu tỷ đồng, chiếm 1,55%. Tổng nợ ngân sách bằng 58,02% GDP, tăng thêm 17,1% so với năm 2013.

Theo Kiểm toán nhà nước, nợ công năm 2014 so với GDP vẫn nằm trong phạm vi được Quốc hội cho phép, tức là dưới 65% và nợ của Chính phủ so với GDP thấp hơn 55%.

Tuy nhiên, cũng theo Kiểm toán nhà Nước, nợ công và công tác quản lý nợ công vẫn còn nhiều hạn chế, bao gồm:

Danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; tốc độ nợ công tăng nhanh mà theo báo cáo của Bộ Tài chính, dư nợ nợ công giai đoạn 2010 – 2014 tăng bình quân 18,6% năm, đến 31/12/2015, nợ công chiếm khoảng 62,2% GDP và nợ chính phủ khoảng 50,3% GDP.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, báo cáo. Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng làm cơ sở để Kiểm toán nhà nước xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014.

Về quản lý các danh mục nợ, Kiểm toán nhà nước cho hay việc giao kế hoạch vốn ngoài nước tại Quyết định số 2011/QĐ-BKH&ĐT ngày 31/12/2013 của bộ KH&ĐT chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương, chưa đảm bảo theo tiến độ của các dự án.

Cụ thể, 143 dự án theo kế hoạch kết thúc năm 2011, 2012, 2013 nhưng không giao đủ vốn từ năm trước, đến năm 2014 vẫn phải bố trí kế hoạch; 156 dự án kế hoạch phải kết thúc năm 2014 nhưng năm 2015 vẫn phải bố trí kế hoạch vốn.

Điều này dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn, là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định trước đó.

Bộ Tài chính ghi thu – ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng tiến độ. Theo đó với 30 dự án được kiểm toán nhà nước chọn mẫu thì thấy Bộ Tài chính ghi thu – chi thiếu 3.046,8 tỷ đồng, bằng 3,14% tổng số ghi thu – chi.

41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Nhiều sự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ - con số tương đương được tính ra là 1.290,6 triệu USD, nhiều dự án phải dừng kinh doanh, bán, giải thể hoặc phá sản.

Một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay như Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp...Một số khác không bố trí đủ dự toán để trả nợ như Quảng Trị, Hoà Bình, An Giang,... 19/50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại thời điểm 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh theo quy định của luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính chưa phản ánh đầy đủ số liệu của Quỹ tích luỹ trả nợ và chưa sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ để mua trái phiếu Chính phủ theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Quyết định số 01/2013/QĐ-TTg.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên