Nỗ lực thi công đại dự án cầu vượt cửa biển lớn nhất miền Trung
Trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9, các đơn vị trúng thầu vẫn nỗ lực thi công xây dựng dự án cầu vượt cửa biển Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- 02-09-2024Hợp long cầu vượt sông dài nhất cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn
- 30-08-2024Hải Phòng đồng ý chủ trương xây dựng cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện 2
- 25-08-2024Toàn cảnh đường ven biển 3.800 tỷ, có cầu vượt sông dài hơn 2 km, nối 2 khu kinh tế tỷ USD
Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và cầu qua cửa biển Thuận An giai đoạn 1 có quy mô chiều dài tuyến 7,785Km, trong đó cầu dài 2,36Km, còn lại là tuyến đường dẫn đấu nối vào Quốc lộ 49A và 49B.
Dự án này nằm ở xã Hải Dương và phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế và do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, với tổng mức 2.400 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2025.
Đến nay dự án đang triển khai thi công cầu qua cửa biển Thuận An với chiều rộng 20 m, riêng bề rộng nhịp cầu chính từ trụ số 25 đến trụ 28 rộng 23,5m.
Trong kì nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, các đơn vị trúng thầu vẫn tiến hành thi công các hạng mục, công trường nhộn nhịp bất chấp thời tiết nắng gắt.
Được khởi công từ tháng 3-2022, với liên danh nhà thầu gồm Công ty CP xây dựng Tân Nam – Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương – Công ty CP 479 Hòa Bình có giá trị hợp đồng trên 2.000 tỉ đồng, đến nay giá trị thực hiện được khoảng 1.400 tỉ đồng, đạt 68,9%.
Các nhà thầu đang nỗ lực thi công và hoàn thành xây dựng 50 trụ cầu, tiến hành lao dầm, hoàn thành phần đúc hẫng, đổ bê tông bản mặt cầu, lắp gờ lan can các nhịp cầu. Hình hài cây cầu vượt cửa biển lớn nhất miền Trung đang dần lộ diện.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty CP xây dựng Tân Nam – Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương là các nhà thầu thi công các trụ chính từ T26 đến T28 cầu qua cửa biển Thuận An với tổng chiều dài 458m bằng phương pháp nhịp chính Extradosed và dây văng.
Các đơn vị này đang nổ lực thực hiện, trong đó Công ty CP xây dựng Tân Nam đã đúc 46 m nhịp cầu ở trụ T26; Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương đúc được 44 m, căng được 6/34 cáp dây văng. "Phương pháp thi công nhịp cầu là đổ bê tông cốt thép trực tiếp. Mỗi lần đổ là một đốt dài 4 m và trung bình 10 ngày chúng tôi thi công được một đoạn như vậy" - đại diện chủ đầu tư nói.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết theo tiến độ thi công thì dự kiến phải đến đầu năm 2025, cầu vượt cửa biển Thuận An mới thông xe kỹ thuật. "Tuy nhiên, vừa rồi tỉnh có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công để thông xe kỹ thuật vào tháng 10-2024 nhưng có nhiều yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng nên không thể hoàn thành. Các đơn vị đang tập trung thi công để cố gắng thông xe vào cuối năm nay" – ông Cường thông tin.
Theo chủ đầu tư, phạm vi giải phóng (GPMB) cho giai đoạn 1 thuộc xã Hải Dương và phường Thuận An với tổng diện tích đất thu hồi khoảng hơn 31,7 ha, trong đó có 900 ngôi mộ, 120 hộ phải tái định cư. Đến nay, xã Hải Dương đã cơ bản hoàn thành GPMB, bàn giao cho đơn vị thi công.
Tại phường Thuận An, hiện còn 15 hộ chưa di dời mồ mả do đang đi tìm đất hoặc bận việc. Trong số 54 trường hợp đã được phê duyệt đền bù để thi công mố cầu, hiện đã có 32 hộ bàn giao mặt bằng nhưng không có đường vào nên chỉ phá dỡ lấy mặt bằng chứ chưa triển khai thi công được.
Người lao động