MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch GPBank đau lòng vì “hình ảnh sụp đổ”

23-12-2017 - 08:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Chiều 22/12 tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại GPBank, khi nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch GPBank tỏ ra ăn năn xin lỗi thuộc cấp và gia đình của họ, đồng thời nuối tiếc về những gì đã qua.

Đầu tiên, bị cáo Tạ Bá Long bày tỏ sự “tâm phục khẩu phục” đối với cáo trạng của Viện Kiểm sát, cho rằng các bị cáo đã bị xét xử đúng người, đúng tội. Cựu Chủ tịch GPBank cũng nói lời cảm ơn đến các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện để công ty Thành Trung (công ty gia đình của Tạ Bá Long) hoàn trả gần 900 tỷ đồng cho GPBank.

Đại gia sinh năm 1955 tại Ninh Bình gửi lời xin lỗi tới toàn bộ thuộc cấp của mình vì những gì mình đã gây ra: “Tôi xin gửi lời xin lỗi tới các cán bộ của GPBank, gồm TGĐ, Ban Điều hành. Vì sự việc này mà anh Thắng (Phạm Quyết Thắng, cựu TGĐ GPBank – PV), anh Sỹ (Nghiêm Tiến Sỹ, cựu Phó TGĐ GPBank – PV), chị Dung (Nguyễn Anh Dung, nguyên Kế toán trưởng GPBank – PV), anh Nam (Nguyễn Ngọc Nam, nguyên GĐ Công ty Sao Bắc – PV) phải vướng vào vòng lao lý ngày hôm nay. Họ là những cán bộ tâm huyết với GPBank nhưng đã tin tưởng vào HĐQT mà phạm phải vòng lao lý. Tôi rất xin lỗi các anh các chị và gia đình các anh các chị. Các anh ở trong trại giam, gia đình các anh chị ở ngoài không những khổ vì vật chất mà còn khổ vì tinh thần, tôi xin lỗi gia đình các anh chị vì việc này”.

Bị cáo Tạ Bá Long cũng nói lời xin lỗi tới vợ và các con khi cho rằng họ đã phải đối mặt với quan niệm rất nặng nề ngoài xã hội, đồng thời bày tỏ sự hối tiếc về hình ảnh của mình, một doanh nhân tên tuổi, đã bị sụp đổ.

“Cả tài sản, sự nghiệp gây dựng bao năm của tôi đã mất, nhưng cái mất lớn hơn là uy tín, danh dự. Để xây dựng được một hình ảnh được xã hội tôn trọng là khó lắm, không phải một sớm một chiều, cả một quá trình rất lâu dài, nên thực sự tôi cảm thấy rất đau lòng”.

Cựu Chủ tịch GPBank Tạ Bá Long nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Cựu Chủ tịch GPBank Tạ Bá Long nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Cựu Chủ tịch GPBank bày tỏ sự cảm kích khi nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) đã có lời đề nghị HĐXX giảm nhẹ tội danh cho mình.

“GPBank là nguyên đơn dân sự bị hại nhưng họ đã xin giảm nhẹ tội cho tôi, thực sự rất đáng quý, đáng trân trọng. Với tôi GPBank như con đẻ của mình, tôi coi trọng công việc tại đó như đối với gia đình tôi. Tôi không bao giờ muốn GPBank bị như ngày hôm nay. Dù thế nào đi nữa tôi vẫn luôn mong muốn ngân hàng nhanh chóng vượt qua khó khăn. Có thể đến lúc nào đó, tôi hoặc con cái tôi nếu có điều kiện cũng sẵn sàng mua cổ phần GPBank, bởi vì không phải là vấn đề làm kinh tế, mà là sự trân trọng lao động quá khứ của mình”.

Cuối cùng, Tạ Bá Long tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với các cán bộ của GPBank. Cựu Chủ tịch GPBank tỏ ra thấu hiểu với từng hoàn cảnh của các bị cáo khác khi ông kể vanh vách hoàn cảnh của từng bị cáo là thuộc cấp của mình.

Trước đó, VKSND Hà Nội đề nghị mức án cho các bị cáo: Tạ Bá Long (nguyên chủ tịch HĐQT GPBank) mức án 7-8 năm tù, Đoàn Văn An (59 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT GPBank) 13-14 năm tù, Phạm Quyết Thắng (44 tuổi, nguyên tổng giám đốc GPBank) 5-6 năm tù, Nghiêm Tiến Sỹ (44 tuổi, cựu phó tổng giám đốc GPBank) 5-6 năm tù, Nguyễn Anh Dung (39 tuổi, nguyên kế toán trưởng GPBank) 4-5 năm tù và Nguyễn Ngọc Nam (41 tuổi, giám đốc công ty Sao Bắc) 3-4 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự. HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo vào tuần sau.

Theo cáo trạng của VKS, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã làm trái quy định tại Điều 140 Luật các TCTD năm 2010, gây thiệt hại cho GPBank 3.900 tỷ đồng và 858 tỷ đồng tiền lãi tính đến 13/07/2015.

GPBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Ninh Bình, được đổi tên và chuyển đổi mô hình hoạt động vào năm 2007, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trước khi bị NHNN mua 0 đồng vào năm 2015, ngân hàng này có 903 cổ đông gồm các tổ chức và cá nhân. Trong đó Tạ Bá Long và nhóm liên quan sở hữu 34,99% cổ phần; Đoàn Văn An, Phó Chủ tịch HĐQT và nhóm liên quan sở hữu 55,32% vốn điều lệ.

Khi NHNN mua 0 đồng đối với GPBank, 11 pháp nhân là cổ đông bị thiệt hại gồm:

CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) bị mua bắt buộc 9,75 triệu cổ phần, tương đương 97,5 tỷ đồng (tính theo mệnh giá);

Ngân hàng PVCombank bị mua bắt buộc 3,73 triệu cổ phần, tương đương 37,3 tỷ đồng;

Công ty Chứng khoán Agribank bị mua bắt buộc 24,1 triệu cổ phần, tương đương 241 tỷ đồng;

8 đơn vị còn lại bị mua bắt buộc tổng cộng 41,250 triệu cổ phần gồm: CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu, CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT, Công ty TNHH Đầu tư và nắm giữ Thái Sơn, Công ty TNHH Chứng khoán VPBank, Công đoàn GPBank, CTCP Địa ốc Bách Việt, CTCP Đầu tư tài chính Sao Thăng Long, Công ty Thành Trung.

Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên