MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nóng" chuyện cổ tức ngân hàng

09-04-2024 - 09:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Chia cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt, mục tiêu lợi nhuận, cổ phiếu ngân hàng có còn sóng… là những vấn đề được quan tâm trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Ngân hàng (NH) TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2024 với thông tin đáng chú ý về cổ tức. Trước đó, Nam A Bank, ACB, VIB… là những NH đầu tiên tổ chức đại hội với tỉ lệ chia cổ tức khá cao.

Vui, buồn cổ tức

Theo dự thảo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 của VietinBank sẽ trình đại hội cổ đông năm 2024, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi gần 14.000 tỉ đồng sẽ được đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu. Kế hoạch này sẽ được triển khai sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, VietinBank là NH tiếp theo thông báo "nhập cuộc" làn sóng chia cổ tức trong năm nay.

Nam A Bank là ngân hàng đầu tiên họp đại hội cổ đông, thông qua phương án chia cổ tức tỉ lệ 25% Ảnh: BÌNH AN

Nam A Bank là ngân hàng đầu tiên họp đại hội cổ đông, thông qua phương án chia cổ tức tỉ lệ 25% Ảnh: BÌNH AN

Cổ đông của nhiều NH khác cho biết đang chờ đại hội để thông qua phương án chia cổ tức. Đáng chú ý, NH Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) dự kiến trình đại hội mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20% trên tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm hoặc 4%-5% vốn chủ sở hữu của NH tại thời điểm đầu năm. Như vậy, cổ đông của NH này có thể nhận khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu. Nếu kế hoạch được thông qua, cổ đông của Techcombank sẽ được chia cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên sau 10 năm.

Bà Ngọc Bích (ngụ quận 4, TP HCM) cho biết bà đang nắm giữ cổ phiếu của 2 NH thương mại là VIB và Sacombank. Đại hội cổ đông NH Quốc tế (VIB) vừa diễn ra vài ngày trước đã chốt phương án chia cổ tức với tỉ lệ 29,5% (gồm tỉ lệ 12,5% cổ tức bằng tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng). Riêng cổ tức tiền mặt, trong 3 tháng đầu năm nay NH đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 6%.

Trong khi đó, NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lại không đề cập thông tin cổ tức trong tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận cho năm tài chính 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024. Lợi nhuận hợp nhất lũy kế tới thời điểm hiện tại của Sacombank hơn 18.300 tỉ đồng. Tính đến năm 2023 đã là năm thứ 8 Sacombank không chia cổ tức.

"Tôi nắm giữ cổ phiếu để nhận cổ tức hằng năm chứ không lướt sóng, nên rất quan tâm tới thông tin này trong mùa đại hội cổ đông năm nay" - bà Bích nói.

Ghi nhận của phóng viên tại mùa đại hội cổ đông NH những năm trước, vấn đề cổ tức luôn được nhà đầu tư quan tâm và chất vấn lãnh đạo NH. Thống kê sơ bộ, đến nay một số NH đã tổ chức đại hội thành công và thông qua phương án chia cổ tức, như ACB sẽ chia cổ tức với tỉ lệ 25% gồm cả cổ phiếu và tiền mặt; Nam A Bank chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 25%.

Một số NH khác công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với phương án chia cổ tức như HDBank dự kiến chia 25% cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu; MSB xin ý kiến đại hội cổ đông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 30%...

Còn sóng cổ phiếu ngân hàng?

Mùa đại hội cổ đông NH năm nay rộn ràng không chỉ bởi thông tin chia cổ tức cao mà còn trong bối cảnh nhiều cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí vượt đỉnh lịch sử khi VN-Index đã có chuỗi tăng nhiều tháng liên tiếp.

Tại đại hội cổ đông của NH Nam Á (Nam A Bank), một số nhà đầu tư đặt câu hỏi về triển vọng giá cổ phiếu liệu còn tăng tiếp sau khi chính thức lên sàn HOSE? Cổ phiếu NAB của NH này đã có chuỗi tăng một mạch từ vùng 7.000 đồng/cổ phiếu đầu năm nay lên 16.900 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 3. Hiện giá cổ phiếu NAB đang giảm nhẹ nhưng vẫn ở vùng đỉnh lịch sử.

Lãnh đạo Nam A Bank cho biết giá cổ phiếu tăng giảm do cung cầu thị trường quyết định, riêng với mục tiêu chia cổ tức, NH dự kiến duy trì mức chia cổ tức hằng năm từ 20% trở lên, muốn vậy thì mục tiêu lợi nhuận cũng phải tăng như kỳ vọng.

Hiện tại, thị trường chứng khoán đang bước vào đợt điều chỉnh, dao động quanh vùng 1.250 điểm. Các chuyên gia cho rằng việc giảm chỉ trong ngắn hạn và cơ hội để VN-Index tăng tiếp là rất lớn. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích - Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận định theo thống kê sau chuỗi tăng 5 tháng liên tiếp, thị trường thường điều chỉnh giảm ở tháng tiếp theo. Dự phóng thị trường tháng 4 này sẽ dao động trong vùng 1.235 - 1.310 điểm và mùa đại hội cổ đông, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 đang diễn ra sẽ góp phần hạn chế rủi ro cho nhịp giảm sâu của VN-Index.

Với dòng cổ phiếu NH, nhiều cổ phiếu giảm trong tuần qua nhưng vẫn đang ở vùng cao nhất trong lịch sử như ACB, BID, VCB, HDB… Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024, nhiều NH đã báo lãi hàng ngàn tỉ đồng, như SeABank báo lãi hơn 1.506 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; VIB báo lãi hơn 2.600 tỉ đồng, ACB báo lãi trước thuế 4.900 tỉ đồng. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cổ phiếu tăng tiếp.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu - Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng lợi nhuận ngành NH đã bắt đầu tạo đáy từ giữa năm ngoái và phục hồi vào quý IV/2023 đến nay. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành dự kiến đạt khoảng 15% trong năm nay, với động lực đến từ sự phục hồi của biên lãi ròng (NIM) ở hầu hết NH lớn.

"NIM tăng nhờ chi phí vốn thấp khi nền lãi suất huy động thấp và sự phục hồi của CASA (tiền gửi không kỳ hạn), cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm lãi suất từ nửa cuối năm 2024. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng dự báo có xu hướng gia tăng mạnh từ nửa cuối năm theo yếu tố chu kỳ sẽ góp phần vào lợi nhuận của các NH" - ông Dương nói. 

Kiểm soát chặt bán bảo hiểm qua ngân hàng

Một trong những vấn đề "nóng" khác được cổ đông NH quan tâm là chuyện bán bảo hiểm qua NH (bancassurance) sau những lùm xùm trên thị trường vừa qua. Tại đại hội cổ đông VIB, ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc, cho biết bán bảo hiểm qua NH là hoạt động rất phức tạp về nghiệp vụ, đòi hỏi sự cẩn trọng và chuyên môn ở mức cao vì có sự tham gia của cả 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những yêu cầu bắt buộc và khuyến cáo của cơ quan quản lý, VIB đều rất tuân thủ.

"Bancassurance không phải là sản phẩm bán kèm, mà phải giới thiệu để khách hàng hiểu quyền lợi của mình. VIB thường xuyên huấn luyện, đào tạo để cán bộ, nhân viên nắm rõ quy định và tuân thủ" - lãnh đạo VIB nói.

Tại đại hội cổ đông NH Á Châu (ACB) vừa diễn ra, cổ đông cũng chất vấn về vấn đề này. Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết phân khúc này trong năm nay dự kiến có sự sụt giảm do khó khăn chung của thị trường và cái nhìn của người tiêu dùng đối với mảng này đang thiếu tích cực nhưng sẽ minh bạch, rõ ràng hơn. Hiện NH đã tách bạch mảng tư vấn và giới thiệu dịch vụ bảo hiểm.


Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên