MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân chịu nhiều mất mát, 'chúng ta không quan tâm thì quan tâm ai'

Trên 60% dân số là nông dân. Nếu mất mùa, gặp dịch bệnh lớn sẽ khó khăn khi giải quyết đời sống cho người dân. Theo Thủ tướng, “phi nông bất ổn, nông dân chịu nhiều hy sinh mất mát, chúng ta không quan tâm thì quan tâm ai”.

Nhiều điểm sáng nổi bật

Bộ NN-PTNT cho hay năm 2019 nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ dịch tả lợn châu phi, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi. Biến đổi khí hậu cũng dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, nghiêm trọng hơn. Tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam gặp rủi ro, bất ổn; nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao...

Song, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét, trong năm 2019, nông nghiệp cũng có nhiều điểm sáng nổi bật. Ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD,...

Công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản đạt kết quả tích cực. Trái cây mở cửa được nhiều thị trường khó tính, mới đây nhất là quả vải thiều Việt Nam chính thức được xuất khẩu vào Nhật.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành diễn ra ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo điều tra mới nhất, có trên 60% dân số là nông dân sống ở nông thôn. Do đó, nếu mất mùa, gặp dịch bệnh lớn thì sẽ khó khăn khi giải quyết đời sống cho người dân.

“Phi nông bất ổn, nông dân chịu nhiều hy sinh mất mát, chúng ta không quan tâm thì quan tâm ai”, Thủ tướng chia sẻ.

Nông dân chịu nhiều mất mát, chúng ta không quan tâm thì quan tâm ai - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD

Mục tiêu 43 tỷ USD cho năm tớiTheo Thủ tướng, nông nghiệp Việt Nam khó khăn, vất vả nhất trong năm nay nhưng đã đạt nhiều mục tiêu xuất sắc nhất. “Chúng ta phải ủng hộ thị trường chính ngạch để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho mọi người dân, không thể làm theo kiểu cũ”, Thủ tướng nhắc nhở. Buôn bán qua tiểu ngạch có thể nảy sinh nhiều vấn đề như tiêu cực, tham nhũng. Có nhiều tin vui về mở cửa thị trường cho nông sản Việt mà gần đây nhất, trong chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng, nước bạn đã chấp nhận sản phẩm thanh long của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế của ngành. Cụ thể, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch năm đề ra (đạt 86,1%). Trong khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; và giá thịt lợn đang ở mức rất cao,...

Về mục tiêu của ngành nông nghiệp năm 2020, Thủ tướng đồng ý với báo cáo của Bộ NN-PTNT; đồng thời giao chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 59%; đặc biệt là thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp để cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp.

Còn mục tiêu đến 2025, Thủ tướng đề nghị phải đạt mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3-3,5%; có thêm 5 nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất 1 tỷ USD trở lên và tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và thứ 10 thế giới. Phấn đấu thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.

“Ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng giao một số nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT như tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường. Giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn.

Cán bộ ngành nông nghiệp phải giỏi chuyên môn, tận tụy với bà con, cùng xắn quần lội ruộng, lội rừng phòng, chống thiên tai. Tỉnh ủy, UBND phải tìm cho ra Giám đốc Sở Nông nghiệp giỏi, phải tập trung làm kế hoạch trung hạn ngành NN-PTNT 5 năm tới sát đúng, hiệu quả, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Tâm An

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên