Nông dân chở rau hữu cơ từ Đồng Tháp lên TP HCM bán chỉ 5.000 đồng/bó
Những bó rau hữu cơ của nông dân được gói bằng lá chuối xanh, buộc bằng cọng chuối khô mộc mạc có giá 5.000 - 10.000 đồng/bó được người tiêu dùng TP HCM ủng hộ
- 25-03-2023Từng là khách hàng lớn nhất, quốc gia này bất ngờ quay lưng, kêu gọi châu Âu "tẩy chay" khí đốt của Nga
- 24-03-2023Cứ 9 tiếng lại mở 1 cửa hàng, vì đâu Starbucks vẫn ngậm ngùi nhìn thị phần 'rơi rụng' tại Trung Quốc?
- 23-03-2023Một quốc gia bất ngờ tăng nhập khẩu sắt thép Việt Nam, xuất khẩu tăng 50 lần chỉ trong 2 tháng đầu năm
Sáng 25-3, tại Phiên chợ Xanh tử tế (đường Pasteur, quận 3, TP HCM), người tiêu dùng bị thu hút bởi gian hàng rau hữu cơ "PGS Đồng Tháp" của nhóm nông dân đến từ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Rau hữu cơ gói bằng lá chuối xanh, buộc bằng sợi thân chuối khô
Tuy hình thức rau không được bắt mắt, đóng gói chưa đẹp nhưng gian hàng thu hút bởi sự mộc mạc. Nông dân đã mang lên 15 mặt hàng như: diếp cá, hành lá, ngò gai, rau muống, cải, cà chua, bầu,… và được bán đồng giá 50.000 đồng/kg. Với việc đóng từng bó nhỏ 100 gram, 200gram giá 5.000 - 10.000 đồng/bó rất tiện cho người mua.
Rau hữu cơ có tem QR truy xuất nguồn gốc, bó rau này có giá 5.000 đồng
Chị Trần Thị Hoa (ngụ quận Phú Nhuận) ghé chợ sớm đã chọn mua mỗi loại một bó để dùng dần. "Rau của bà con mẫu mã không đẹp nhưng mùi đậm, rau khô ráo nên chắc để tủ lạnh cũng được vài ngày. Rau cũng được sơ chế qua nên giá 50.000 đồng/kg cũng không quá đắt" – chị Hoa nhận xét.
Xuất phát tại Đồng Tháp lúc 3 giờ sáng, rau chưa bó xong nên công việc tiếp tục khi đang bán hàng
Ông Nguyễn Văn Đỡ, nông dân thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình) thuộc nhóm sản xuất rau hữu cơ Phú Mỹ, đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, cho biết nhóm mang lên 70 kg rau các loại. Đây là lần đầu tiên ông đứng bán rau tại TP HCM.
Nông dân Nguyễn Văn Đỡ (bìa phải) lần đầu lên Sài Gòn đứng bán rau nên còn ngại ngùng
"Tôi thấy rất phấn khởi khi người tiêu dùng chọn mua rau của mình. Lần sau tôi sẽ cố gắng cải thiện để rau nhìn đẹp và tươi hơn bằng cách cải thiện canh tác, sơ chế kỹ và bảo quản mát" – ông Đỡ rút kinh nghiệm.
Ông cho biết bình thường ông bán rau hữu cơ tại địa phương hoặc gửi xe lên TP HCM nhưng giá bán còn thấp. Nếu đầu ra ổn định thì sẽ yên tâm với canh tác hữu cơ.
Chị Ino Mayu (bìa phải) tiếp tục hướng dẫn nông dân kỹ năng bán hàng tại phiên chợ
Có mặt tại phiên chợ còn có chị Ino Mayu, Giám đốc Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) đang thực hiện Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp – trong đó có phát triển các nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ có mặt tại chợ hôm nay.
Chị Ino Mayu cho biết mình đi cùng bà con từ Đồng Tháp lúc 3 giờ sáng nay và có mặt tại chợ lúc gần 6 giờ sáng.
Các nhóm rau hữu cơ nông hộ từ các tỉnh hiếm khi xuất hiện tại phiên chợ nên nhân viên bán hàng tại một quầy rau Đà Lạt cũng đến mua rau đặc sản miền Tây
Ngoài nhóm của anh Đỡ, còn có nhóm sản xuất rau hữu cơ Tân Hội, xã Tân Bình (huyện Thanh Bình), tổng lượng rau 2 nhóm mang đến chợ là 108 kg.
Theo chị Ino Mayu, thị trường chính của rau hữu cơ cho nông dân các tỉnh miền Tây là TP HCM nên việc đưa bà con đến bán hàng như hôm nay rất quan trọng.
"Họ sẽ biết người tiêu dùng cần gì để cải thiện. Họ cũng sẽ học hỏi được cách sơ chế, đóng gói, xem giá cả, cách bán hàng của các đơn vị khác để nâng cao kỹ năng cho bản thân" – chị Ino Mayu bày tỏ.
Người lao động