Gia cầm nhiễm kháng sinh: đáng lo không?
Cận Tết, thông tin thịt gia cầm nhiễm kháng sinh càng dễ khiến người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, để biết có đáng lo hay không, còn cần phải tính đến hàm lượng nhiễm và thời gian dùng.
- 07-12-2013Bắt giữ lượng thuốc “thổi” rau mầm, giá đỗ lớn nhất từ trước tới nay
- 27-11-2013Việt Nam yếu trong quản lý an toàn thực phẩm
- 12-11-2013Bát nháo thị trường chất làm nhừ thực phẩm cấp tốc
Gà mổ sẵn hay gà sống?
Chị Hiền ở huyện Mê Linh, Hà Nội bán hàng ở chợ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết, trước đây gà thường mổ sẵn ở quê rồi đưa xuống chợ bán. Nhưng gần đây khách hàng không thích gà mổ sẵn mà muốn mua sống rồi mổ, vì sợ gà mổ sẵn là gà bệnh.
Lo lắng của khách là có cơ sở khi mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đưa ra kết quả chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hoá chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Bắc trong tháng 11, cho thấy nhiều mẫu gia cầm, trong đó có thịt gà nhiễm vi khuẩn và thuốc kháng sinh.
Cụ thể, 4/54 mẫu thịt gà (7,4%) có chứa Campylobacter spp, vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Có 2/40 mẫu (5%) và 4/40 mẫu (10%) dương tính lần lượt với Chloramphenicol và Furazolidon (hai chất cấm). Có 4/40 mẫu phát hiện Tetracycline vượt giới hạn cho phép. Thông tin này đưa ra cận tết khiến người tiêu dùng hoang mang khi gà là món không thể thiếu trong mâm cỗ mỗi gia đình.
“Chỉ phát hiện có thì không ý nghĩa”
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hoá học (đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội), phân tích, các chất trên có trong gia súc, gia cầm là dư lượng còn lại sau khi dùng để chữa bệnh cho chúng. Dư lượng trong thực phẩm được giới hạn ở mức nhất định.
Ở mức độ cho phép thì không ảnh hưởng nhưng vượt quá giới hạn thì tác hại do các kháng sinh gây ra khi cơ thể không cần. “Không thể nhận biết các chất trên bằng các giác quan mà chỉ có thể phân tích xác định bằng các phương pháp tiêu chuẩn”, PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
Lương y Vũ Quốc Trung, phòng khám đông y, chùa Cảm Ứng, Hà Nội, phân tích thêm, những kháng sinh trên vẫn được sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, để biết có gây hại cho sức khoẻ hay không phải dựa vào hàm lượng cũng như thời gian sử dụng. Có thể nhận biết các chất trên bằng khứu giác nhưng không chính xác tuyệt đối. Gia cầm có các chất này nếu nhiều mùi kháng sinh. Còn nhiễm vi khuẩn thì dễ ôi thiu.
“Nếu chỉ nói là “có hay phát hiện thấy có” thì không có ý nghĩa và không có trách nhiệm, chỉ gây hoang mang cho cộng đồng; mà phải nói là phát hiện có ở mức độ nào, đã đủ gây tác hại hay chưa” – PGS.TS Trần Hồng Côn nhận xét.
Để mua được gà “sạch” Theo tài liệu của cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), chỉ nên mua gà ở những điểm bán có sự giám sát của cơ quan chức năng, có đăng ký kinh doanh, uy tín. Quan sát thấy da gà có màu vàng mà lớp mỡ bên trong trắng thì đó là gà được nhuộm hoá chất. Da gà ta mỏng, mịn, độ đàn hồi cao. Chọn thịt gà trông phải tươi, không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Không chọn những con gà đen sạm vì đó là gà đã chết trước khi thịt. Ngoài ra, để tránh mua phải gà bơm nước, hãy dùng tay ấn vào vị trí bị nghi là bơm nước (chủ yếu là đùi, lườn) để kiểm tra, nếu thấy nhão, trơn hoặc biến dạng thì nên tránh, không mua nữa. Nếu mua gà sống, gà phải trông khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Mào gà phải đỏ tươi, mắt nhìn linh hoạt, không lờ đờ. Lông bóng mượt, áp sát thân. Mỏ gà bén nhọn, không có hiện tượng chảy nhớt ở mỏ. Chân gà thẳng, thon nhỏ; da chân vàng đều và sáng bóng. Vạch lông xem thấy da gà mỏng, mềm mại, bóng; có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh. Qua lớp da có thể nhìn thấy thịt, tia máu ở phần nách, dưới cánh vì da không có mỡ. Hậu môn hồng hào, nhấp nháy, co bóp tốt, không có hiện tượng ướt, ra nước hoặc phân ra bất thường. Lật cánh kiểm tra kỹ dưới nách, nếu gà bị tiêm bơm nước sẽ có một chấm đỏ nhỏ. Xung quanh vết bơm nước phồng lên và có màu đen, để một thời gian màu đen sẽ phát tán rộng ra. Vi Thoại |
Theo Lệ Hà