“Sóng ngầm” thị trường cá tra
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường xuất khẩu cá tra hiện vô cùng xáo trộn bởi có quá nhiều doanh nghiệp (DN) không có nhà máy chế biến; nhiều DN chào giá thấp hơn giá thành sản xuất, làm lũng đoạn thị trường.
Bát nháo thị trường
xuất khẩu
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện tượng các DN chế biến gia tăng xuất khẩu cá
tra nguyên con (giá 1 USD/kg), cá tra bỏ đầu và nội tạng (1,5 – 1,6 USD/kg) khá
phổ biến; do vậy cần phải sớm chấn chỉnh để hạn chế hình thức xuất khẩu kiểu
này. Đáng chú ý, một số DN chế biến đã hạ giá bán sản phẩm rồi quay lại ép giá
thu mua cá nguyên liệu trong nước. Điều này gây bất lợi, bởi các nhà nhập khẩu
lo ngại rủi ro nên hạn chế giao dịch hợp đồng lớn, chủ yếu nhập khẩu nhỏ giọt để
ép giá chính DN Việt.
Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt
Nam (VASEP) cho biết: “Trong số 160 DN đang tham gia xuất khẩu, có khoảng 90 DN
không có nhà máy chế biến, vùng nuôi, vì vậy mà giá nào họ cũng bán được. Sở dĩ
có tình trạng này là do DN mua bán chịu quá nhiều. DN nợ tiền cá của nông dân,
rồi bán chịu cho nhà nhập khẩu, nếu vay ngân hàng, DN phải có tài sản thế chấp,
trả lãi, còn vay của nông dân (bằng việc nợ tiền cá) thì không mất gì, do đó họ
sẵn sàng bán giá thấp”.
Tình trạng lộn xộn trong xuất khẩu cá tra cũng khiến không ít DN bức xúc. Ông
Trần Văn Hùng- chủ DN xuất khẩu cá tra ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) than: “Quá
nhiều DN xuất khẩu đã làm xáo trộn cả ngành cá tra vốn một thời thịnh vượng.
Tôi để ý có một thực tế là sau những cuộc họp bàn về giải quyết khó khăn cho cá
tra, y như rằng “rộ” lên thông tin giá cá tăng, nhằm dụ nông dân nuôi nhiều, để
rồi thua lỗ”.
Ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang) thì tiết lộ một
thực tế: “Mỗi năm Việt Nam mất 300 - 400 triệu USD do không kiểm soát, quản lý
được giá xuất khẩu cá tra. Cũng do không kiểm soát được sản lượng, không xây dựng
bộ tiêu chuẩn chất lượng để quản lý nên dẫn tới hệ lụy là mạnh ai nấy làm, DN,
nhà máy đua nhau mọc lên…”.
Chiếm dụng vốn người nuôi cá
Ông Nguyễn Ngọc Hải- Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn (TP.Cần Thơ)
bức xúc nói: Có sự thiếu công bằng trong chính sách của Nhà nước đối với hộ
nuôi cá và DN, khiến người nuôi cá phải chịu nhiều thiệt thòi. Chúng tôi bán chịu
cá tra cho DN và chỉ cầm trong tay miếng giấy lận lưng không có giá trị pháp
lý, DN thì cứ vô tư nợ tiền mua cá cả năm ròng, phải năn nỉ để họ trả tiền. Đây
là hình thức chiếm dụng vốn có tính toán, người nông dân đang phải còng lưng
nuôi cá trả lãi ngân hàng thay cho DN.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng
Tháp nhấn mạnh: Có sự không công bằng khi người nuôi cá phải chịu thuế VAT,
trong khi DN nuôi cá lại không phải đóng khoản thuế này. Đề nghị nên bỏ thu thuế
đối với nông dân, nếu không thì DN cũng phải đóng. Ngoài ra, cần sớm ban hành
nghị định về nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu, trong đó cần xem cá tra là ngành
kinh doanh có điều kiện, quy định chỉ cấp phép xuất khẩu cho những DN có nhà
máy chế biến, có vùng nuôi mà thôi.
Theo VASEP, việc xây dựng nghị định quản lý sản xuất và tiêu thụ cá tra là rất
cần thiết, nhưng cho đến nay, cách tiếp cận nghị định này vẫn gây nhiều băn
khoăn. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có cách tiếp cận một cách toàn diện cho cả
chuỗi giá trị cá tra, từ khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu với sự tham gia của
các tổ chức và thành phần có khả năng tổ chức thực hiện.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ Nguyễn Minh Thạnh nói: Phải xác định đúng
“nút thắt” của ngành cá tra để sớm tháo gỡ. Phải xem xét lại ý kiến cho rằng xuất
khẩu theo yêu cầu thị trường. Vừa qua có những thị trường rất xấu, thậm chí phá
đám, chỉ có lợi cho vài DN trong một thời điểm mà thôi.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP cho rằng vấn đề nan giải hiện nay là
không kiểm soát được tổng nguồn cung. Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra
vùng ĐBSCL cần dựa trên quy hoạch chung và giao “quota” cho từng địa phương.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Kịch, cách giải quyết hiện nay là các ngân
hàng phải vào cuộc mạnh hơn, theo đó ngân hàng sẽ là “van điều tiết” để DN điều
chỉnh giảm sản lượng, sản lượng giảm sẽ góp phần tăng giá xuất khẩu. Ngoài ra,
ngân hàng cũng nên có quy định DN nào bán thiếu nợ trong một khoảng thời gian
nhất định thì sẽ không cho vay vốn.
Phải có vùng nguyên liệu Ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản ) cho biết, để giải quyết tình trạng DN xuất khẩu cá tra không có nhà máy và nguyên liệu chế biến, hiện các cơ quan chức năng đã dự thảo nghị định của Chính phủ về sản xuất và xuất khẩu cá tra và sẽ đưa ra quy định bắt buộc DN xuất khẩu cá tra phải có vùng nguyên liệu. Thanh Xuân (ghi) |
Theo Đức Khánh