MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NSND Lê Khanh: Xấu hổ vì đạo diễn Pháp cắt vai, bị Thành Lộc hỏi "có xứng đáng với lời khen không?"

13-12-2023 - 09:35 AM | Lifestyle

Thành Lộc chia sẻ rằng, anh hoang mang vì người ta khen Lê Khanh tới mức chạm tới đỉnh của đỉnh, hàn lâm lắm rồi.

Nữ diễn viên trẻ nhất được phong NSND

Lê Khanh tên thật là Trần Mai Khanh, sinh năm 1963 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật bề thế đến tận 4 đời.

Cha cô là NSND Trần Tiến, người từng có nhiều vai diễn kịch nói để đời, mẹ là NSƯT Lê Mai, con gái của nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh và diễn viên Đinh Ngọc Anh. Lê Khanh còn có chị gái là diễn viên điện ảnh nổi tiếng Lê Vân.

Nhờ sinh ra trong cái nôi nghệ thuật nên tài năng của Lê Khanh sớm nở rộ và được gia đình ủng hộ theo nghề diễn. Từ khi còn nhỏ, cô đã được cha mẹ dạy dỗ về nghề và học hỏi từ họ hàng, chị em mình những kinh nghiệm diễn xuất, hóa thân vào nhân vật trên sân khấu.

NSND Lê Khanh: Xấu hổ vì đạo diễn Pháp cắt vai, bị Thành Lộc hỏi "có xứng đáng với lời khen không?" - Ảnh 1.

Mới 7 tuổi, Lê Khanh đã được nhận vai diễn đầu tiên. Sau này, cô được học hành bài bản và tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh vào năm 1982.

Khi tốt nghiệp, nhờ kết quả học tập xuất sắc và những cống hiến nhiệt tình, Lê Khanh được đặc cách không phải qua thời gian thực tập mà được ghi tên luôn vào biên chế Nhà hát. Sau đấy, cô cũng được đặc cách phong NSƯT trước niên hạn, dù không đủ huy chương.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Lê Khanh không ngừng nghỉ phấn đấu, gặt hái nhiều thành tích ở cả trong và ngoài nước. Có sự nghiệp gắn liền với hàng trăm vai diễn sân khấu khác nhau cùng nhiều phim điện ảnh, truyền hình, cô diễn xuất vô cùng đa dạng, linh hoạt từ những vai diễn ăn mày rách nát tới nhiều vai chính kinh điển.

Nữ nghệ sĩ được mọi người ví như một "biểu tượng sống" trong làng kịch của Việt Nam. Khả năng diễn xuất và tài năng làm đạo diễn của cô không chỉ giúp cho sân khấu kịch ngày càng phát triển mà còn đem đến cho khán giả những cái nhìn sâu sắc hơn về mọi mặt trong đời sống.

Năm 2001, Lê Khanh được phong danh hiệu NSND khi mới bước sang tuổi 38. Tính tới thời điểm hiện tại, nữ nghệ sĩ là diễn viên sân khấu trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Không chỉ tài năng, Lê Khanh còn là người có niềm say mê sâu sắc với nghề, coi sân khấu kịch là cả cuộc đời mình, để sống trọn vẹn với nhân vật.

Xấu hổ vì bị đạo diễn Pháp cắt vai diễn

Vai Jeanne D'Arc là một trong những vai diễn nổi bật nhất, đánh dấu chặng đường sự nghiệp của Lê Khanh thời trẻ, đưa cô lên một tầm cao diễn xuất mới và được báo chí ca ngợi hết lời.

NSND Lê Khanh: Xấu hổ vì đạo diễn Pháp cắt vai, bị Thành Lộc hỏi "có xứng đáng với lời khen không?" - Ảnh 2.

Nhưng ít ai biết, Lê Khanh từng gặp sự cố lớn khi thử vai Jeanne D'Arc tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Năm đó, Lê Khanh đã 23 tuổi và là diễn viên chính của nhà hát nên nghiễm nhiên những vai chính như vậy phải phân cho cô chứ không phải ai khác. Hồi đó, vở kịch này đã được ekip phía Việt Nam chuẩn bị dàn dựng, phân vai xong xuôi, chỉ đợi đạo diễn người Pháp sang chỉ đạo nữa là hoàn thành.

Lúc đạo diễn người Pháp sang, đoàn kịch của Lê Khanh phải diễn cho ông ấy xem để duyệt. Vị đạo diễn ngồi yên lặng xem đoàn kịch diễn, rồi đột nhiên nghiêm giọng nói: "Xin lỗi, Jeanne D'Arc không phải diễn như thế này. Đây không phải Jeanne D'Arc".

Lê Khanh tự nhận tại chương trình Chị chị em em: "Câu nói đó của ông đạo diễn như gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi, khiến tôi xấu hổ vô cùng. Nhưng vì sĩ diện nên tôi vẫn phải cười cười, làm như không có chuyện gì xảy ra".

NSND Lê Khanh: Xấu hổ vì đạo diễn Pháp cắt vai, bị Thành Lộc hỏi "có xứng đáng với lời khen không?" - Ảnh 3.

Sau đó, vị đạo diễn ấy loại Lê Khanh ra khỏi vở diễn và chọn một cô gái khác trong đoàn kịch lên diễn. Theo con mắt của ông ấy, đó mới là Jeanne D'Arc. Lê Khanh về nhà trong sự buồn bã, tự chất vấn mình đã quá tự tin vào bản thân. Cô chợt nhận ra, ở Việt Nam cô có thể là diễn viên chính, nổi tiếng như ở Pháp không ai biết cô là ai để ưu ái.

Những lần tập sau đấy, Lê Khanh vẫn đến nhưng chỉ dám ngồi nép ở hàng ghế sau cùng của nhà hát để quan sát.

Với niềm đam mê sân khấu lớn lao, Lê Khanh không bỏ cuộc, âm thầm học hỏi rồi tự nghĩ ra màn diễn Jeanne D'Arc của riêng mình. Cô tự nhìn ra những cái diễn sai của cô gái kia để sửa cho mình.

Khoảng chục ngày sau, vị đạo diễn người Pháp thấy Lê Khanh ngồi đó mới thương tình bảo cô: "Tôi có một đoạn diễn ngẫu hứng như thế này, bạn có thể lên diễn thử được không?".

Vừa nghe vị đạo diễn hỏi vậy, Lê Khanh lập tức đồng ý rồi lên diễn theo đúng những gì mình nghĩ và tự tập trong 10 ngày trước đó. Lúc cô diễn, tất cả đều bất ngờ. Riêng vị đạo diễn người Pháp đứng lặng một lúc rồi nói: "Cô chính là Jeanne D'Arc".

Từ đó, tất cả hào quang quay trở lại với Lê Khanh. Nữ nghệ sĩ tự xoay chuyển được mọi thứ và Jeanne D'Arc lại là Lê Khanh.

Bị Thành Lộc hỏi có xứng đáng với lời khen tặng hay không

Vở diễn đó công chiếu năm 1986 và trở thành một hiện tượng đặc biệt trong năm đó, được báo chí khen ngợi lên tới mức hàn lâm.

Chính điều này đã khiến Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, bạn thân của Lê Khanh phải hoài nghi hỏi cô rằng: "Ê Khanh, tao hỏi thiệt mày. Tao rất tò mò, mày có thấy mày xứng đáng với lời khen đó không?".

Thành Lộc chia sẻ rằng, anh hoang mang vì người ta khen Lê Khanh tới mức chạm tới đỉnh của đỉnh, hàn lâm lắm rồi. Anh tự hỏi không biết Lê Khanh có hoang mang khi đọc những bài viết như vậy hay không.

Lê Khanh nghe vậy liền trả lời Thành Lộc: "Lúc đó tao nghĩ sao thì diễn như vậy thôi, tao cũng chả biết nó hay đến như vậy".

Nữ nghệ sĩ cũng chia sẻ thêm tại chương trình Kịch và nghệ: "Tôi cũng tiếc lắm, có những vai diễn, vở diễn tôi tiếc vô cùng vì khán giả miền Nam, khán giả ngày nay không được xem nữa. Có những vở diễn làm thay đổi cả một quan niệm. Ví dụ, vở Nàng Jeanne d'Arc làm thay đổi quan niệm về diễn anh hùng.

Ở sân khấu Việt Nam trước giờ, vai anh hùng không làm mọi người rung động, cứ có một khoảng cách, giả giả. Bài học Nàng Jeanne d'Arc là như thế. Tôi có một bài học sâu sắc cho cả sân khấu lẫn điện ảnh về việc sáng tạo một nhân vật anh hùng".


Theo Tùng Ninh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên