Nữ "trùm" lừa đảo bị đề nghị án tù chung thân, ngân hàng phải trả lại tiền
Viện kiểm sát xác định Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu, cầm đầu, dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo 3 ngân hàng nên đã đề nghị mức án chung thân.
- 11-03-2023Vụ lừa hơn 430 tỉ đồng 3 ngân hàng: Màn đối chất giữa siêu lừa và vị đại gia Hà Thành
- 10-03-2023Kẽ hở khâu thẩm định của nhân viên ngân hàng giúp “siêu lừa” chiếm đoạt 433 tỷ đồng
Ngày 16-3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội khi nêu quan điểm luận tội đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án đối với Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi) cùng 25 bị cáo khác liên quan vụ chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) cùng 4 cá nhân.
Nguyễn Thị Hà Thành (áo nâu) tại phiên toà
VKSND đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành mức án chung thân, đề nghị tuyên các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô) cùng mức án 16-18 năm tù. Bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank) bị đề nghị 15-17 năm tù, Nguyễn Thanh Tùng 15-16 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 30 tháng đến 36 tháng tù treo đến 15 năm tù.
Về dân sự, VKSND đề nghị bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành bồi thường cho VietABank 248,9 tỉ đồng; bồi thường cho PVcomBank 49,4 tỉ đồng; bồi thường cho NCB 47,5 tỉ đồng và cho những cá nhân gửi tiền đồng sở hữu mà Thành đã chiếm đoạt.
VKSND cũng đề nghị VietABank trả lại cho ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) 20 tỉ đồng, đề nghị NCB trả lại cho ông Toàn 50 tỉ đồng, PVcomBank trả cho ông Toàn 52 tỉ đồng. Tuy nhiên, đối với các số tiền liên quan bị cáo Thành ở những ngân hàng này, VKSND đề nghị ngân hàng giữ lại để giải quyết trong vụ án dân sự về vay mượn.
Trên cơ sở hồ sơ vụ án và diễn biến xét xử, Viện kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng (đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam) cùng làm ăn nên quen biết nhau. Năm 2017, doanh nghiệp này dừng hoạt động nhưng Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Sau đó, Thành và Tùng sử dụng pháp nhân này để vay tiền của các ngân hàng.
Ngoài ra, Hà Thành muốn có vốn đầu tư kinh doanh nên vay những người có tiền với lãi suất cao, hoặc đề nghị đối phương gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu vào các ngân hàng. Sau đó, bị cáo đề nghị đồng sở hữu đưa sổ tiết kiệm cho mình quản lý. Khi có sổ tiết kiệm trong tay, Hà Thành lợi dụng sơ hở khâu thẩm định của ngân hàng hoặc cấu kết với nhân viên ngân hàng để thế chấp để vay tiền.
Cụ thể, tại ngân hàng NCB, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 50 tỉ đồng theo hình thức yêu cầu ông Toàn gửi sổ tiết kiệm vào NCB rồi đem sổ cho Thành giữ. Song Thành mang sổ tiết kiệm này đem thế chấp cho ngân hàng, chiếm đoạt 47,5 tỉ đồng. Để Hà Thành thực hiện được hành vi lừa đảo, có sự giúp sức của cựu cán bộ ngân hàng NCB.
Đại diện VKSND thực hành quyền công tố tại phiên toà
Tương tự, tại VietABank, Thành vay của 9 đại gia gần 340 tỉ đồng, đồng thời cấu kết với nhân viên ngân hàng là Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Quỳnh Hương và Quản Trọng Đức phát hành hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu trái quy định, sau đó giả mạo chữ ký của người đồng sở hữu để vay, chiếm đoạt của VietABank hơn 273 tỉ đồng. 8 cựu cán bộ, nhân viên khác của VietABank bị cáo buộc có hành vi duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho các khoản vay của Thành mà bỏ qua nhiều khâu kiểm soát.
Còn tại PVcomBank, Thành vay ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang 52 tỉ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi sổ tiết kiệm vào ngân hàng. Sau đó, Thành cầm sổ tiết kiệm đi thế chấp, vay và chiếm đoạt của PVcomBank 49,4 tỉ đồng. Nhân viên của ngân hàng này có sơ hở trong quá trình thẩm định, ký hồ sơ giải ngân.
Đại diện VKSND cho rằng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Hà Thành cùng các bị cáo cơ bản khai nhận hành vi, thừa nhận cáo buộc hoặc thừa nhận một số nội dung trong cáo trạng. Các bị cáo cũng đưa ra nhiều lời khai lý giải cho hành vi của mình để mong HĐXX xem xét.
Trong vụ án, cơ quan truy tố nhận định Hà Thành là chủ mưu, cầm đầu, dùng nhiều thủ đoạn và nhiều lần thực hiện hành vi gian dối để ngân hàng tin tưởng, cho vay tiền. Còn 17 cựu cán bộ các ngân hàng có mức sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, họ phạm tội trong thời gian dài, tạo điều kiện cho "siêu lừa" chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Người lao động