Nước mắm công nghiệp ‘lấn sân’ đến bao giờ?
Nếu tất cả sản phẩm đều được gọi là “nước mắm” thì chẳng khác nào lừa dối người tiêu dùng. Việc “đánh lận con đen” chưa biết bao giờ mới chấm dứt?
- 11-10-2016Nước mắm ‘trá hình’ tung hoành
- 10-10-2016Nếu tiếp tục khan hiếm nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nước mắm ở Phú Quốc sẽ giải thể
- 16-09-2016Vì sao nước mắm Phan Thiết yếu thế trên thị trường?
Trên thị trường hiện nay, thành phần thường thấy của một chai nước mắm công nghiệp - chiếm hơn 75% thị phần - chỉ có nước, tinh chất cá, đường, muối, chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo màu, tạo hương...
Như vậy, nếu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước mắm ban hành năm 2012 thì nhiều loại sản phẩm được cho là nước mắm công nghiệp đang bán trên thị trường đều không được sử dụng tên gọi nước mắm.
Cần trả lại đúng tên cho nước mắm
Chị Minh (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) nhận xét thị trường nước mắm đang có sự nhập nhèm, đánh lận con đen khiến người tiêu dùng (NTD) không biết đường nào mà lần.
“Tôi và nhiều bà nội trợ lâu nay cứ nghĩ đơn giản rằng nước mắm nào cũng là nước mắm chứ không phân biệt được đâu là nước mắm công nghiệp làm từ hóa chất và nước mắm truyền thống làm từ cá. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp để các công ty ghi đúng tên nhằm tránh thiệt thòi cho NTD” - chị Minh nói.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, nhìn nhận có một thực trạng đáng buồn là với sự quảng cáo rầm rộ bằng những hình ảnh đẹp mắt như có nhà thùng, đánh bắt cá cơm tươi đi kèm với những mỹ từ kiểu “tinh chất cá trong nước mắm” nên nước mắm công nghiệp đã thu phục NTD. Trong khi đó NTD ra chợ, siêu thị mua nước mắm thường không đọc kỹ thành phần, thấy vị vừa miệng là sử dụng.
Theo ông Tiến, Quy chuẩn quốc gia 2012 đã nói rõ nước mắm là sản phẩm dạng lỏng, trong, không đục, có vị mặn của muối và mùi của cá, thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối. Tổng hàm lượng nitơ (độ đạm) trong sản phẩm không nhỏ hơn 10 g/lít...
Thực tế trên thị trường hiện nay có hai loại sản phẩm gọi là nước mắm công nghiệp. Trong đó một loại có nước mắm pha loãng với nhiều chất phụ gia thực phẩm. Sản phẩm này thường dưới 10 độ đạm. Loại thứ hai không có nước mắm mà toàn hóa chất, chất phụ gia và độ đạm nhân tạo rất thấp (2-4 g/lít) nhưng vẫn sử dụng tên gọi nước mắm.
“Vì vậy, hiệp hội đã kiến nghị cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chuẩn quy định về sử dụng tên gọi nước mắm để NTD không bị nhầm lẫn, chịu thiệt đó là dựa trên độ đạm. Nếu độ đạm trên 10 g/lít là nước mắm, ngoài thành phần cá, muối có thể sử dụng các thành phần khác đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngược lại, độ đạm dưới 10 g/lít thì không được gọi là nước mắm, chỉ có thể coi đó là… nước chấm” - ông Tiến nói.
Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho rằng cơ quan quản lý cần khảo sát thực tế và đưa ra quy định ghi nhãn sản phẩm nước mắm rõ ràng.
“Thậm chí cần quy định kích cỡ chữ ghi trên thông tin nhãn vì thực tế các quy định về ghi nhãn hàng hóa không được nhiều nhà sản xuất thực hiện hoặc ghi lập lờ, ghi chữ nhỏ, nơi khó thấy... nhằm mục đích che giấu, gây sự nhầm lẫn cho NTD” - đại diện công ty trên cho biết.
Cho phép sử dụng 17 loại phụ gia?
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản từ lâu đã đề nghị các ngành chức năng cần minh bạch, rạch ròi khái niệm thế nào là nước mắm và nước chấm chứ không thể đánh đồng tất cả sản phẩm đều là nước mắm. Nếu tất cả sản phẩm đều được gọi là nước mắm thì chẳng khác nào lừa dối NTD.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối thuộc Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: “Các cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ nước mắm truyền thống, tránh tình trạng đánh tráo khái niệm. Đồng thời chống hàng giả, hàng nhái, ăn cắp thương hiệu”.
Tuy nhiên, để mong muốn này đi vào thực tế không dễ. Thực tế đã chứng minh sự nhập nhằng về nước mắm hiện nay chủ yếu là do quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ quy định về tiêu chuẩn nước mắm 5107:2003 áp dụng từ năm 2003 đến nay vẫn quy định chung chung “cho phép sử dụng phụ gia thực phẩm theo quy định hiện hành”.
Không chỉ vậy, nước mắm cũng từng được Bộ Y tế soạn một dự thảo về quy chuẩn cách đây khoảng năm năm nhưng đến nay vẫn không ban hành. Dự thảo của Bộ Y tế vẫn giữ quy định tổng hàm lượng nitơ không nhỏ hơn 10 g/lít, muối không dưới 200 g/lít.
Dự thảo này còn cho phép doanh nghiệp sử dụng phụ gia, có liệt kê 17 loại phụ gia với sáu nhóm chức năng là: Điều chỉnh độ acid, tăng hương vị, tạo ngọt, chất màu, chất tạo nhũ và tạo ổn định, chất bảo quản.
Khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo trên, Bộ NN&PTNT từng có ý kiến cần phân tách rõ ràng giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hoặc nước chấm.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị cần cân nhắc bỏ hẳn mục phụ gia thực phẩm vì đã là sản phẩm truyền thống thì không cho phép thêm phụ gia, chỉ có cá + muối. Bộ này cũng không đồng ý việc bổ sung một số thành phần khác để hỗ trợ quá trình lên men khi chế biến nước mắm.
Thế nhưng cho đến nay tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí cụ thể cho nước mắm, nước chấm vẫn còn lửng lơ, chưa được gút lại. Hệ quả là người dùng lãnh đủ.
Nhận biết nước mắm nguyên chất
Công nghệ chế biến nước mắm truyền thống thu được từ quá trình ủ lên men cá và muối theo tỉ lệ 2,5 ÷ 3 cá : 1 muối, trong thời gian từ sáu tháng trở lên. Các protit, lipit sẽ được phân giải thành acid amin, các acid béo có lợi.
Còn nước mắm công nghiệp (hoặc còn gọi nước mắm pha chế, nước chấm) thu được từ việc dùng muối nhạt pha loãng nước mắm truyền thống, bổ sung đạm khác, phẩm màu, chất điều vị, chất tạo sánh, hóa chất bảo quản, acid và hương cá nhân tạo. Vì thế, nước mắm sản xuất theo quy trình truyền thống có đặc trưng cảm quan khác hẳn từ màu đến mùi vị.
Đặc trưng chung nổi bật của nước mắm truyền thống có vị mặn đầu lưỡi, vào cuối lưỡi và cuống họng thì có vị ngọt hậu. Vị này nhiều hay ít tùy theo hàm lượng đạm và acid amin tự do cao hay thấp. Nước mắm công nghiệp không thể tạo ra vị ngọt hậu vì acid amin rất thấp.
TS Trần Thị Dung, chuyên gia công nghệ chế biến
và bảo quản thủy sản
Khẩu vị đã thay đổi
Một doanh nghiệp nước mắm tại TP.HCM khẳng định việc chế biến nước mắm gặp khó vì... khẩu vị. Cụ thể, trước đây khi pha nước mắm để chấm, người dùng thường phải cho thêm nước để giảm độ mặn. Còn với nước mắm bây giờ, doanh nghiệp đã pha loãng cho vừa khẩu vị hơn và cũng cần nhiều phụ gia hơn. NTD có thể đọc kỹ thành phần ghi trên nhãn để biết doanh nghiệp đã dùng bao nhiêu loại phụ gia.
Pháp luật TPHCM