Nút thắt và áp lực với các động lực tăng trưởng
Nền kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn, nếu không có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả, hiệu lực thì khó có thể vượt qua áp lực này.
- 30-09-2021Sau 30/9, TP. HCM chính thức bỏ giấy đi đường, không còn chốt chặn như trước
- 29-09-2021Chuyên gia quốc tế lý giải việc dự báo GDP giảm sâu: 'Nhìn những cửa hàng dọc phố Việt Nam đã cho thấy rõ tổn thất mà dịch bệnh gây ra'
- 28-09-2021Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt 4,8%
Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhìn vào mức tiêu thụ điện cho chúng ta thấy, trong 2 tuần đầu tháng 9/2021 so với thời kỳ trước giãn cách, mức tiêu thụ điện trên cả nước giảm tới 25%, mức độ tiêu thụ điện riêng tại khu vực phía Nam giảm đến gần 30%. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng của quý 3/2021 chắc chắn sẽ thấp hơn các quý trước.
TS. Vũ Thành Tự Anh.
Mức tăng trưởng doanh số bán lẻ, trong đó tiêu dùng tư nhân giữ vai trò đặt biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 trong tổng GDP. Doanh số bán lẻ cũng là chỉ số sớm cho tăng trưởng kinh tế.
Bối cảnh “bất thường” nên cần quyết tâm “bất thường”
Nếu mức giảm của doanh số bán lẻ của tháng 5 và 6 thấp thì tháng 7 mức giảm lên tới 20%, đến tháng 8 là hơn 33%. Điều này cho thấy tình trạng trong quý 3 và 4 sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng, nếu Việt Nam không mở cửa nền kinh tế, cho phép giao thương và đi lại thì nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, thậm chí sụp đổ là rất lớn.
Nếu nhìn vào động lực tăng trưởng khác của Việt Nam là công nghiệp, nếu ngành này tăng trưởng vẫn tốt cho đến tháng 5, chậm lại một chút trong tháng 6, nhưng sang tháng 7 đã không có tăng trưởng và bắt đầu giảm mạnh vào tháng 8, với mức độ giảm khoảng 74%.
Trong khi đây là một trong những động lực tăng trưởng trụ cột của nền kinh tế nhưng đang suy giảm, và nếu không có giải pháp cấp bách thì động lực này sẽ tiếp tục suy giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến nền kinh tế mà còn tác động đến việc làm, nguồn thu ngân sách và những chỉ tiêu phát triển khác của đất nước.
Nhìn sâu thêm vào việc sử dụng lao động, cho đến thời điểm này chỉ số lao động sử dụng của cả nước chỉ bằng 89,4% so với năm 2020. Mặc dù sản xuất công nghiệp tại một số tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng đã phục hồi, nhưng lại suy giảm tại các tỉnh, thành phía Nam, như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai.
Nếu nhìn cụ thể vào các ngành công nghiệp thì hầu như tất cả các ngành công nghiệp quan trọng chế tạo, chế biến đều tăng trưởng âm. Ví dụ, dược phẩm âm khoảng 38%, giày dép âm 28%, đồ uống âm 23%, nội thất âm 21%...
Nếu nhìn vào doanh nghiệp, tình trạng tạm ngừng hoạt động, giải thể, người lao động không tìm được việc làm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, có điều thú vị theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì mức độ thất nghiệp lại rất thấp, chỉ khoảng 2,6%.
Điều này cho thấy một thực trạng ở Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều số liệu thống kê không phản ánh đúng thực trạng kinh tế. Như vậy sẽ rất khó để đưa ra chính sách đúng nếu số liệu đầu vào không chính xác.
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng, đây cũng là bài học của Việt Nam trong năm 2020. Đó là đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2020, nhưng nếu nhìn vào đầu tư công của năm 2021 thì bắt đầu suy giảm. Cụ thể, nếu tính đầu tư công sau khi đã trừ lạm phát thì 8 tháng đầu năm đầu tư công đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, thêm một lần nữa trụ cột quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế lại đang suy giảm.
Chỉ có một điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam đó là xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm tốc độ kim ngạch xuất khẩu vẫn ở mức độ 21,8%. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng cũng lại đang suy giảm, kim ngạch tháng 8 đã giảm 2,3% so với tháng 7. Tương tự, nhập khẩu tăng khá mạnh, 8 tháng đầu năm tăng 34%, nhưng tốc độ này cũng đang suy giảm. Nhập khẩu tháng 8 so với tháng 7 đã giảm 6,1%.
Có một thuận lợi là nền kinh tế và nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam có khả năng duy trì ở mức độ nhất định, áp lực lạm phát không cao, lãi suất giảm... đây là cơ sở có thể phát hành thêm trái phiếu để hỗ trợ nguồn lực cho ngân sách cũng như chống dịch.
Về định hướng chính sách, với chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trong quý 4/2021, chúng ta không cần thêm chính sách, vì thanh khoản trên thị trường vẫn tương đối dồi dào. Điều cần ưu tiên hiện nay là tiếp tục giảm lãi xuất cho vay, tập trung giúp các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và tái cơ cấu nợ vay.
Năm 2022 nhiệm vụ quan trọng nhất là làm thế nào cho hệ thống chính sách tiền tệ linh hoạt, không để lãi suất tăng cao. Với Ngân hàng Nhà nước, mặc dù có thể đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng khoảng 13% trong năm 2022, nhưng không áp đặt định mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Việc đặt định mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có thể giúp Ngân hàng Nhà nước đảm bảo ổn định vĩ mô, nhưng nếu ưu tiên phục hồi kinh tế vào năm 2022 là mục tiêu quan trọng thì hạn mức này sẽ làm mất đi tính chủ động của các ngân hàng. Khi đã có một tỉ lệ lớn các ngân hàng đạt được tiêu chuẩn Basel 2, thì nên để các ngân hàng được chủ động tăng trưởng tín dụng phù hợp với điều kiện thị trường, điều kiện tuân thủ các chỉ số an toàn.
Giám sát chặt chẽ phát sinh nợ xấu, vì nếu xảy ra tình trạng sụp đổ phần lớn của nền kinh tế, đặc biệt tại khu vực doanh nghiệp thì có thể phát sinh tình trạng nợ xấu. Đây là chính sách mà Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi chặt chẽ.
Về chính sách tài khóa, mặc dù gói hỗ trợ tài khóa đã được ban hành nhưng quy mô nhỏ, hiệu lực thấp. Do đó, ưu tiên trong quý 4/2021 và năm 20222 là làm sao giải ngân hiệu quả nhất các gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ. Phê chuẩn và triển khai ngay gói chính sách ngân hàng, thuế mà Quốc hội đã thảo luận trước đây, đồng thời khởi động lại các dự án đầu tư công.
Năm 2022, Quốc hội cần cương quyết trong việc chấp nhận một gói hỗ trợ kích cầu kinh tế cao hơn so với năm 2021, chấp nhận một tỉ lệ bội chi ngân sách cao hơn trong điều kiện lãi suất, lợi suất trái phiếu đang giảm, tỉ lệ bội chi ngân sách đang trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh “bất thường” thì cũng cần một quyết tâm “bất thường” đó là chấp nhận tỉ lệ bội chi ngân sách cao hơn.
Về đầu tư công trung hạn, với những dự án đầu tư lớn như đường cao tốc Bắc – Nam, cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long, sân bay Long Thành, các dự án năng lượng, các dự án hạ tầng cơ hạ tầng đô thị... cần ưu tiên.
Chính sách nào cần quan tâm trong tương lai?
Chúng ta nhìn thấy động lực tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở Việt Nam là sức mua tiêu dùng nội địa, đầu tư tư nhân, FDI, xuất khẩu. Đến năm 2020 sức mua tiêu dùng nội địa đã không còn là động lực tăng trưởng, chỉ còn 2 động lực đầu tư công và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Năm 2021 động lực đầu tư công không còn, động lực duy nhất là xuất khẩu nhưng cũng đang suy giảm. Điều này có nghĩa nền kinh tế đang rơi vào trạng thái xấu một cách bất thường, do đó đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh mẽ để khôi phục và đảo ngược chiều hướng.
Để đạt được mục tiêu hồi phục kinh tế, theo tôi cần có 3 ưu tiên lớn. Thứ nhất, khôi phục, phát triển khu vực doanh nghiệp. Thứ hai, kiến tạo ra lao động việc làm. Thứ ba, đảm bảo an sinh xã hội.
Về ưu tiên chiến lược và chính sách trong giai đoạn tới, chúng ta cần có một khung chiến lược phát triển hoàn toàn khác so với khung đang có hiện nay. Đặc biệt là nhận dạng được các động lực phát triển mới từ đó định hình lại cơ cấu kinh tế.
Chúng ta đã nói câu chuyện này 20 năm nay về tái cơ cấu kinh tế, nhưng đang vẫn tiếp tục nói, vì chúng ta vẫn chưa thành công trong tái cơ cấu kinh tế. Các bài toán lớn của đất nước, như thể chế, quản trị, tài chính công, vai trò khu vực tư nhân... cũng chưa giải quyết dứt điểm.
Đơn cử, liên quan đến quản trị nhà nước, tình trạng chống dịch vừa qua cho thấy có rất nhiều bất cập như hợp tác liên kết vùng kém đã tạo ra sự đứt gãy chuỗi giá trị, không có sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn, thông suốt giữa các địa phương trong chiến lược cũng như chính sách chống dịch. Điều này tạo ra nhiều bất cập cho doanh nghiệp và người dân.
Liên quan đến quy hoạch đô thị, kinh nghiệm thực tế tại TP.HCM cho thấy quy hoạch và phát triển đang rất bất cập, tạo ra nhiều khu nghèo, khu xóm trọ, xóm liều... đây lại là nơi tập trung nhiều nhất các ca bệnh COVID-19.
Như vậy, nếu không có định hướng và tái định hướng lại để tạo ra chiến lược phát triển không gian mới cho đô thị thì một mặt đô thị không trở thành vùng phát triển, mặt khác đô thị tạo ra nguy cơ lây nhiễm và các đợt dịch bùng phát mới.
Về chuyển đổi số, chúng ta đã nói rất nhiều đến 4.0, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số... nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn. Cụ thể, đơn giản liên quan đến app liên quan đến tiêm chủng vaccine hay các app tạo sự lưu thông thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên đường còn làm chưa tốt.
Ngoài ra, có 3 chính sách về mặt xã hội cần phải tập trung trong giai đoạn tới. Thứ nhất, chính sách bảo trợ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách cho các nhóm yếu thế. Đây sẽ phải là ưu tiên lớn vì giai đoạn vừa qua nhóm này đã chịu tác động nhiều nhất và rất khó “gượng dậy”.
Thứ hai, chính sách y tế và tổ chức y tế. Chúng ta đã nói nhiều đến khám chữa bệnh điện tử nhưng chưa làm được. Nếu TP.HCM và Hà Nội chưa làm được thì các địa phương khác cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ ba, chính giáo dục và hệ thống giáo dục. Chúng ta cần một hệ thống và chính sách giáo dục khác, nếu vẫn như hiện nay thì sẽ không tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số. Đồng thời, mất đi lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực và chất xám trong giai đoạn tới, đặc biệt là khoa học công nghệ.
Diễn đàn doanh nghiệp