Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng sẽ không giải quyết được gì
Theo số đông bạn đọc Báo Người Lao Động, cơ quan soạn thảo phải tính toán kỹ để người dân thấy được lợi ích khi tham gia BHXH, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
- 27-06-2022Cập nhật cuộc đua "quán quân" hút khách du lịch 6 tháng đầu năm: Có địa phương thu hơn 2 tỷ USD
- 26-06-2022Bất ngờ một tỉnh miền Tây có tỷ lệ lao động chất lượng cao nhất cả nước
- 26-06-2022Chi tiết bảng tính lương hưu khi nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi
Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần" và đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Bạn đọc Lê Xuân Cường bày tỏ: "Cám ơn Quý Báo, rất nhiều người lao động thực sự quan tâm bài viết này. Theo ý kiến riêng mình, cách tính bình quân để xác định mức hưởng lương hưu là hợp lý nhưng nên áp dụng nếu đủ thời gian đóng, đủ tuổi hưu thì tỷ lệ hưởng là 100% thay vì 75% như hiện tại, bởi giá trị tích lũy còn kém xa mức độ trượt giá nên vẫn không tạo được niềm tin cho người lao động". Bạn đọc tên Dương đặt câu hỏi: "Hãy thống kê xem từ nay tới 1--/2025, khi luật BHXH sửa đổi cơ hiệu lực người lao động có thời gian đóng BHXH từ 15-20 năm có quyết định hưởng BHXH 1 lần hay không nhê. Dự báo là sẽ rút ồ ạt cho xem". Bạn đọc Lê Đình Thuyên cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm của chúng tôi là phải giảm tuổi nghỉ hưu xuống. "Nên áp dụng từ 55 tuổi thì có thể nghỉ hưu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hướng ít. Có như vậy moi người mới nghĩ đến chuyện nghỉ hưu. Rất cảm ơn Báo Người Lao Động đã nói lên được lòng mong muốn của đại đa số người lao động".
Theo nhiều bạn đọc, với đề xuất này, cơ quan soạn thảo nêu chỉ nêu phần có lợi cho NLĐ chứ không nêu ra những bất cập. Lương hưu 5,4 triệu đồng/người/tháng, xin hãy nêu rõ có bao nhiêu % hưu trí là lao động ngoài quốc doanh hưởng mức trên? Việc giảm năm đóng xuống 15 năm không có tác dụng nếu tuổi hưu không giảm vì không có ai có thể bắt đầu tham gia BHXH từ 47 tuổi Nam hoặc 45 tuổi nữ vì không ai thuê tuổi này cả. Tính lương hưu bình quân theo cả quá trình thì đóng càng lâu càng lỗ vì cách tính trượt giá không bù được lạm phát. Bên cạnh đó, nếu không siết chặt được việc nợ hoặc xù đóng BHXH của doanh nghiệp thì NLĐ vẫn còn bị treo hoặc không thể nhận được quỹ an sinh khi nghỉ việc, do vậy NLĐ nghỉ đâu rút đó cho chắc. "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã tạo điều kiện để NLĐ có thể nói lên tiếng nói của mình. Hy vọng những tâm tư nguyện vọng của NLĐ được các vị lãnh đạo Nhà nước cũng như Quốc hội xem xét vì NLĐ chúng tôi khổ lắm rồi" – một bạn đọc nói.
Theo bạn đọc Nguyễn Ngọc Giao, tiền của người lao động và doanh nghiệp đóng vào quĩ BHXH thì phải sòng phẳng với nhau,và để họ tự quyết định nên rút hay để hưởng lương hưu. Hãy để họ tự quyết cho tương lai của họ. Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thị Yến cũng mong muốn đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu và không quy định tuổi nghỉ hưu. Bạn đọc Minh Thanh chia sẻ: "Cảm ơn Báo Người Lao Động, e rằng BHXH và Chính phủ cần có dữ liệu thống kê, công khai: bao nhiêu người đóng BHXH 10, 15, 20, 25, 30, 35 năm đủ tuổi nghỉ hưu 60-62 và sau bao nhiêu năm "cáo phó", bao nhiêu người mức đóng BHXH đó xin rút 1 lần? Bao nhiêu người "thọ" trên 65 đang nhận lương hưu?". Tương tự, bạn đọc Dương Bảo ấm ức: "Càng nghe càng thấy bức xúc.Một phép tính đơn giản 25 tuổi đi làm 55 tuổi đủ 30 năm đóng bảo hiểm nhưng 62 tuổi mới được lĩnh lương vậy còn 7 năm nữa sống bằng gì?".
Nguyễn Huấn Luyện góp ý: "Đây là vấn đề tối quan trọng mà BHXH cần phải nghiên cứu kỹ. Nếu người lao động nghỉ hưu thời điểm nào. Mình tính lương hưu thời điểm đó, dù họ nghỉ hưu theo nghị định hay nghỉ hưu trước tuổi. Vì có người nghỉ chờ chưa được hưởng tháng lương nào thì đã quy tiên rồi". Bạn đọc Phương Nguyên bộc bạch: "Đại đa phần người lao động làm việc không phải công nhân viên chức thì tuổi càng cao lương càng ít và cơ hội việc làm càng hiếm. Hơn 40 tuổi đã mất khả năng xin việc vào các doanh nghiệp vậy thử hỏi đến bao giờ được hưởng lương hưu và khi đến tuổi thì còn được bao nhiêu".
Ở một góc nhìn rộng hơn, bạn đọc Nguyễn Văn Trực góp ý: "Áp dụng luật BHXH bây giờ thì 10-20 năm sau 'tác dụng' của luật mới được phát huy. Mục đích của việc kéo giảm thời gian đóng hưởng xuống còn 15 năm là nhằm thu hút thành phần tham gia BHXH tự nguyện, những NLĐ có thời gian tham gia ngắn nhưng đã lớn tuổi... Những NLĐ trẻ tuổi họ sẽ lợi dụng chính sách này (vì do BHXH có quá nhiều bất cập và không có lợi) rút BHXH một lần, thậm chí trong suốt cuộc đời lao động, họ sẽ rút BHXH nhiều lần có thể và chỉ tham gia 15 năm cuối đời để hưởng BHXH. Kết quả là, cả một hệ thống toàn những người về hưu có số tiền hưu quá thấp đến mức Nhà nước phải trợ cấp để hưởng được mức tối thiểu".
Lương hưu phải đủ sống
Một bạn đọc thân thiết góp ý: 1. Nên quy định đóng BHXH 20 năm thì được lĩnh lương hưu bất kể bao nhiêu tuổi. 2. Số năm đóng BHXH = số năm sẽ được lĩnh lương hưu. 3.Người lao động có quyền lựa chọn năm bao nhiêu tuổi sẽ lĩnh lương hưu khi đã đóng đủ 20 năm BHXH theo quy định. 4. Mức lương hưu bằng đúng mức lương ngay thời điểm nghỉ hưu chứ không chia bình quân gì cả vì thời điểm nghỉ hưu lương còn chưa đủ sống. "Phải tính toán để khi người dân mang tiền đóng BHXH sẽ lợi ích hơn khi mang đi gửi ngân hàng thì mới thu hút người dân đóng BHXH. Chứ như bây giờ đóng 20 năm đợi 60 và 62 tuổi mới được lĩnh lương hưu, thì thôi rút một lần 1,2 trăm triệu gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng với thu nhập của việc làm mới phải sướng hơn là ngồi uống nước lã đợi tới tuổi lĩnh lương hưu không" – bạn đọc này góp ý.
Người Lao Động